Đây là khuyến nghị của Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) trong khuôn khổ buổi toạ đàm “Lao động và di cư” diễn ra tại Diễn đàn Nhân Dân ASEAN (APF) 2020.
Theo đánh giá của CDI, diễn biến dịch và biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 của Việt Nam được chia thành 3 giai đoạn chính. Đầu tiên là thời điểm tháng 3-4 (Đợt 1 dịch COVID-19), cả nước áp dụng chính sách giãn cách xã hội trong tháng 4 khiến người lao động (NLĐ) bị giảm thu nhập đặc biệt là lao động phi chính thức bị ảnh hưởng nặng nề.
Đến tháng 5-6 và đầu tháng 7, dịch được kiểm soát, các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ giúp NLĐ phi chính thức bắt đầu trở lại làm việc. Các khu vực dịch vụ, du lịch được phục hồi dần dần. Ở thời điểm này, NLĐ chính thức lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn khiến thu nhập giảm đáng kể. Cá biệt, NLĐ chính thức có thnasg chỉ làm từ 10 – 15 ngày.
Giai đoạn 3 là cuối tháng 7 đầu tháng 8, dịch bùng phát trở lại ở 1 số địa phương. Các biện pháp giãn cách được áp dụng linh hoạt hơn không phải trên quy mô cả nước. Những biện pháp này được áp dụng tuỳ thuộc vào tình hình bệnh dịch của địa phương. Các hình thức giãn cách này phần nào cũng khiến NLĐ tiếp tục gặp khó khăn. Ở khu vực chính thức NLĐ cho biết thời điểm này thu nhập còn khó khăn hơn so với đợt dịch bệnh trước đó.
Bà Đinh Hà An, Trưởng phòng chương trình Quyền lao động (CDI) chia sẻ thêm tại hội thảo: “Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho NLĐ như hỗ trợ trực tiếp thông qua gói hỗ trợ tiền mặt 62.000 tỷ đồng. Hỗ trợ gián tiếp thông qua các chính sách dành cho doanh nghiệp và người dân nói chung như gói hỗ trợ tín dụng, điều hành tỷ gía bằng cách cho vay ưu đãi, giảm giá tiền điện….”
Các hỗ trợ này được xây dựng và ban hành trong thời gian rất ngắn thể hiện tinh thần hỗ trợ khẩn cấp cho NLĐ. Tuy nhiên, gói hỗ trợ tiền mặt 62.000 tỷ phần lớn hỗ trợ cho đối tượng chính sách còn NLĐ rất khó để tiếp cận, bà An cho biết thêm.
Cũng trong khuôn khổ buổi toạ đàm “Lao động và di cư” diễn ra tại Diễn đàn Nhân Dân ASEAN 2020, CDI khuyến nghị Chính phủ điều chỉnh lại các điều kiện để hưởng gói 62.000 tỷ để những NLĐ bị ảnh hưởng có thể được tiếp cận. Ngoài ra, cũng cần điều chỉnh tăng mức hỗ trợ cho NLĐ phi chính thức để cân bằng đối với khu vực chính thức.
CDI cũng khuyến nghị về mặt dài hạn, nên có thêm các chương trình đào tạo nghề để NLĐ có sinh kế thay thế, có khả năng ứng phó tốt hơn khi bị mất việc làm do các biến cố bất ngờ như bệnh dịch COVID-19 hiện nay.
Thúy Anh (T/h)