“Mục tiêu đặc biệt của việc thay đổi chính sách liên quan đến GDNN trong Chương 4 là phát triển GDNN phù hợp với phát triển bền vững, đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học” – bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam.
Cuối tháng 2 vừa qua, tại Hà Nội, Tổng cục GDNN tổ chức cuộc họp tham vấn về các quy định về học nghề, phát triển kỹ năng trong Bộ luật Lao động sửa đổi với sự tham gia đại các biểu từ Bộ LĐ-TB&XH, Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, lãnh đạo Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ), đại diện tổ chức lao động Quốc tế (ILO); đại diện một số trường cao đẳng và doanh nghiệp.
Cuộc họp được tổ chức để tham vấn về các nội dung cụ thể như: Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong phát triển kỹ năng nghề đối với người lao động trong doanh nghiệp; tham gia hội đồng phát triển kỹ năng nghề; quy định về học nghề và tập nghề đối với người lao động để làm việc cho doanh nghiệp và người lao động làm việc trong doanh nghiệp; chính sách đối với doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch Nguyễn Thị Hằng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải điều chỉnh những nội dung liên quan đến giáo dục nghề nghiệp trong Bộ Luật Lao động để phù hợp với bối cảnh mới. Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội cũng đưa ra ý kiến cần tập trung chỉnh sửa những nội dung của chương 4 liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, mục tiêu đặc biệt là những cơ chế chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với phát triển bền vững, theo chuẩn hóa khu vực và quốc tế….., đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy và học. Bên cạnh đó, Chủ tịch cũng đã đề cập đến trách nhiệm quản lý Nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm và người sử dụng lao động.
Ý kiến trao đổi của Chủ tịch Nguyễn Thị Hằng và các đại biểu của Hiệp hội đã được Hội nghị đánh giá là thiết thực và có tính gợi mở cho quá trình sửa đổi Bộ Luật lao động liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, trao đổi, góp ý về các quy định về học nghề, phát triển kỹ năng nghề trong Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đa số các ý kiến cho rằng cần thống nhất và làm rõ các thuật ngữ trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) chẳng hạn như “Đào tạo nghề”, “Dạy nghề”, “Thực tập nghề”,…; cần đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đồng thời làm rõ chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần xác định rõ phạm vi của các nội dung về giáo dục nghề nghiệp trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), nghiên cứu để làm rõ nét hơn các nội dung về giáo dục nghề nghiệp trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi), đào tạo nghề phải nằm trong chính sách phát triển chung về việc làm của quốc gia; cần bổ sung những cơ chế, chính sách còn khuyết thiếu, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới của nền kinh tế, sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự hình thành hệ thống giáo nghề nghiệp dục mở,…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, có tính chuyên môn cao về những nội dung học nghề, phát triển kỹ năng nghề trong Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phó Tổng Cục trưởng cho rằng để có những đề xuất về nội dung đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới của đời sống kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế cần có những nghiên cứu sâu hơn và kỹ hơn, mong muốn các các đồng chí là cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp tiếp tục có những đóng góp quý báu để Tổng cục hoàn thiện nội dung này trong Bộ luật Lao động (sửa đổi).
PL