Đón chào Năm mới 2022 với niềm hy vọng dịch bệnh Covid-19 được đẩy lùi, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và sẽ đột phá thần tốc khi các điểm nghẽn về giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt được tháo gỡ, khi các giải pháp đầu tư cho đào tạo nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam được quan tâm.
Ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH:
Thúc đẩy phương thức đào tạo hiện đại, linh hoạt, thông thoáng trong giáo dục nghề nghiệp
Việt Nam cũng đang tập trung và tạo đột phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.Nhu cầu phát triển nền kinh tế số trong xu thế cách mạng 4.0 đòi hỏi sự thích ứng nhanh của nguồn nhân lực được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và công nghệ mới.
Với nguồn nhân lực trẻ dồi dào, nếu chú trọng đào tạo, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ sẽ giúp chúng ta tăng trưởng nhanh, bắt kịp với thế giới. Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực có năng lực thích ứng nhanh. Một thế hệ công dân toàn cầu đang hình thành để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, họ phải được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tốt và sử dụng thành thạo 2 công cụ: công nghệ tin học và ngoại ngữ.
Cơ cấu trình độ, sự phân tầng chất lượng sẽ phá vỡ những cách thức đào tạo truyền thống, cứng nhắc, hình thành hệ thống trường lớp mở, áp dụng phương thức đào tạo linh hoạt với mục tiêu cao nhất là cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao và thích ứng với các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thay đổi.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Ưu tiên hỗ trợ nâng cao năng lực các trường nghề chất lượng cao
Khung chính sách cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội gắn với chiến lược phòng chống dịch Covid-19 gồm 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: (1) Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng chống dịch an toàn. (2) An sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. (3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. (4) Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phá triển. (5) Hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo đó đối với Nhóm nhiệm vụ giải pháp 2 về an sinh xã hội và hỗ rợ việc làm sẽ gồm các gói chính sách: Hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động; nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động* Hỗ trợ nâng cao năng lực các Trung tâm dịch vụ việc làm, các trường nghề chất lượng cao. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, trên các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, lao động, người có công.
TS Mary Hallward-Driemeier Cố vấn kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới:
Kỹ năng lao động, một trong“3C” Việt Nam cần ưu tiên
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tăng tốc, nhưng không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và phân khúc của các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Dịch vụ hóa cũng đang tăng tốc, đặc biệt là với mức độ số hóa sâu sắc hơn giúp tăng năng suất và tạo việc làm.
Giải pháp “3C” ưu tiên đối với Việt Nam, gồm 3 yếu tố: Khả năng cạnh tranh (Competitiveness); Năng lực (Capabilities) và Tính kết nối (Connectedness). Cụ thể, Khả năng cạnh tranh gồm: môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, thể chế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều chỉnh, mô hình kinh doanh mới, hợp đồng mới, luật cạnh tranh. Năng lực là: kỹ năng của người lao động, kỹ năng kỹ thuật số, khả năng sáng tạo, khả năng quản lý, khung pháp lý thuận lợi để phát triển hệ sinh thái dữ liệu. Tính kết nối gồm: thương mại hàng hóa, hiệu suất logistics, kinh doanh dịch vụ, dòng thông tin quốc tế.Việt Nam cần thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19 và áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ chiến lược tăng trưởng xanh.
TS Đặng Kim Sơn Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp:
Chuẩn bị tốt “tài nguyên con người” cho nền kinh tế đổi mới, sáng tạo
Mô hình kinh tế huy động các nguồn tài nguyên để tăng trưởng trong thời gian qua đã đạt tới giới hạn hiệu quả khai thác và tăng trưởng chậm lại. Để triển khai mô hình tăng trưởng mới, Việt Nam cần chuẩn bị tốt về tài nguyên con người và tích lũy đủ tư bản để phát triển một nền kinh tế đổi mới sáng tạo.
Hàn Quốc đề xuất chiến lược “kinh tế sáng tạo” năm 2013, khi đã là nền kinh tế thứ 4 Châu Á và thứ 15 thế giới, là quốc gia “thu nhập cao” hơn 10 năm. Singapore đặt mục tiêu “Quốc gia thông minh” với khẩu hiệu “chiến thắng tương lai thông qua khoa học công nghệ” khi đã dẫn đầu Đông Nam Á về khoa học công nghệ (KHCN) và đứng đầu thế giới về thu nhập. Trung Quốc khi tuyên bố tăng trưởng “đổi mới nội sinh” bằng KHCN giai đoạn 2006 – 2020 đã vượt Pháp, Anh thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Việt Nam đang đứng thứ 135/214 nước trên thế giới năm 2019 về GNP/người chưa thể đi tắt đón đầu bằng nguồn lực KHCN mà phải đổi mới mô hình tăng trưởng trước hết dựa vào sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có.Theo đó cần tháo gỡ nốt các điểm nghẽn trong phân bổ, sử dụng nguồn lực. Cầntập trung phát triển tài nguyên con người. Đổi mới mô hình đào tạo, hướng vào đào tạo nghề.Chủ động hỗ trợ chuyển đổi nguồn nhân lực từ lao động phi chính thức sang chính thức, chuyển lao động thủ công sang lao động có kỹ năng và lao động trí óc. ….
Quỳnh Trang (thực hiện)