24/12/2022 11:23:52

Sửa đổi Luật để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo nghề và thị trường lao động

Giữa đào tạo nghề và nhu cầu thị trường lao động luôn luôn tồn tại một khoảng cách. Đề điều tiết, rút ngắn tối đa khoảng cách đó các chính sách pháp luật phải bám sát thực tiễn, mang tính khả thi cao.

Nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Hiệp hội GDNN và nghề Công tác xã hội Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ), ngày 23/12 tại Hà Nội, ba bên đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Một số kiến nghị về chính sách, pháp luật giáo dục nghề nghiệp” để thu thập ý kiến của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp Hội viên, các chuyên gia trong nước và quốc tế về những vướng mắc trong thực thi chính sách, pháp luật giáo dục nghề nghiệp, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi cho phù hợp.

PGS.TS Dương Đức Lân – Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Năm 2006 Luật Dạy nghề được ban hành và đã được sửa đổi, bổ sung, đổi tên thành Luật GDNN vào năm 2015, tuy nhiên cho đến nay đã phát sinh nhiều bất cập khi một số điều khoản luật lỗi thời so với sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp, sự thay đổi của thị trường lao động khi kinh tế – xã hội phát triển, cũng như sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ.

Theo chuyên gia dạy nghề, TS Phan Chính Thức, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 xác định rõ định hướng: “Đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS và THPT  vào GDNN và từng bước phổ cập nghề cho thanh niên”; đồng thời đưa ra mục tiêu lớn: “Đến năm 2025 thu hút 40-45% học sinh THCS và THPT vào hệ thống GDNN” và đến năm 2030 con  số này lên tới 50-55 %.

Tuy nhiên theo TS Thức, không thể phân luồng hiệu quả được nếu như hiện nay trong GDNN vẫn quy định học văn hóa THPT riêng rẽ trong khi xu hướng chung là xây dựng và tổ chức đào tạo chương trình tích hợp văn hóa phổ thông vào chuyên môn nghề cả lý thuyết và thực hành.

“Khó phân luồng hiệu quả khi vẫn quy định học văn hóa THPT riêng rẽ trong GDNN” – TS Phan Chính Thức

TS Phan Chính Thức khuyến nghị hai phương án phân chia cấp bậc đào tạo trong GDNN.

Phương án 1: GDNN là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, trình độ cao đẳng nâng cao và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác.

 Phương án 2: GDNN là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp (Sơ cấp I và sơ cấp II), trình độ trung cấp (trung cấp I và trung cấp II), trình độ cao đẳng (cao đẳng I và cao đẳng II) và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác.

So sánh 2 Phương án

                Phương án 1                      Phương án 2
Căn cứ – Căn cứ vào Định hướng và Chiến lược Chiến lược phát triển GDNN

– Kinh nghiệm một số quốc gia khu vực và phát triển

– Căn cứ vào Định hướng và Chiến lược Chiến lược phát triển GDNN

– Kinh nghiệm một số quốc gia khu vực và phát triển

Phạm vi Chủ yếu là liên quan đến Luật GDNN 2015 Chủ yếu là liên quan đến Luật GDNN 2015 và liên quan đến Khung trình độ quốc gia
Trách nhiệm Bộ LĐ-TB&XH chủ động đề xuất Bộ LĐ-TB&XH chủ động đề xuất
Tính khả thi Có tính khả thi Có tính khả thi và đổi mới và phù hợp với cách thức xây dựng cấu trúc  Khung trình độ quốc gia

Như vậy lựa chọn Phương án 2 mang tính đổi mới và có tính khả thi hơn.

Theo đó, trình độ trung cấp có hai bậc trình độ:

– Trung cấp 1: Tuyển học sinh THCS (chỉ học nghề) sau đó ra nhập thị trường lao động.

– Trung cấp 2: Tuyển học sinh THCS thâm gia các chương trình đào tạo tích hợp văn hóa và chuyên môn nghề . Bằng tốt nghiệp Trung cấp 2 có giá trị kép: để tham gia thị trường lao động và được quyền dự thi vào tất cả các trường đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Quốc Huy – Hiệu trưởng CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho rằng, thị trường lao động không phân biệt trình độ cao đẳng 1 hay 2. Doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động chỉ đánh giá nhân nhân lực theo năng lực, trình độ và trả lương theo năng lực. Vì vậy, nếu sửa đổi theo hướng này, Luật GDNN phải song song có những quy định về chính sách tiền lương theo trình độ.

Về việc này, TS Phan Chính Thức cho rằng, giữa đào tạo và yêu cầu của thị trường lao động luôn luôn tồn tại một khoảng cách nhất định. Thay đổi các quy định của Luật phù hợp với thực tiễn chính là hình thức thu hẹp khoảng cách nhất có thể giữa đào tạo với yêu cầu thị trường.

Lý giải rõ hơn về phương án điều chỉnh mà TS Phan Chính thức đưa ra, PGS.TS Dương Đức Lân – Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cho biết, tiền lương sẽ do thị trường tự điều chỉnh, còn việc quy định này còn liên quan đến vấn đề hệ thống. Ví dụ, học sinh học xong trung cấp, muốn học tiếp lên cao đẳng có được không, nếu được phải có điều kiện gì (?). Vì vậy phải có những quy định có tính lượng hóa cụ thể để làm căn cứ.

Ở góc độ thị trường, bà Nguyễn Thị Xuân – chuyên viên phụ trách hợp tác doanh nghiệp của GIZ cho biết, thị trường lao động cần có nhân lực ở các khung trình độ cao hơn cao đẳng (cao đẳng nâng cao) nhưng hiện nay chưa có. CHLB Đức hiện cũng đang áp dụng cấp độ đào tạo như phương án đề xuất của TS Phan Chính Thức.

Còn theo TS Phạm Xuân Thu – Phó viện trưởng Viện Khoa học GDNN, quy định về bằng cấp thỏa mãn hai vấn đề: một là công nhận những gì học sinh đã học; hai là xác nhận trình độ, năng lực chuyên môn theo từng cấp trình độ và hưởng các quyền lợi đi theo.

Về góc độ hợp tác giữa GDNN và doanh nghiệp, chuyên gia dạy nghề, TS Bùi Thế Dũng cho rằng, đây là vấn đề sống còn đối với GDNN, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Trong Điều 4 Luật GDNN hiện hành, Mục tiêu của GDNN Việt Nam là xây dựng cho người lao động Kiến thức – Kỹ năng – Thái độ mà không đề cập đến Kinh nghiệm – là thứ chỉ có thể thu thập được qua quá trình làm việc trong doanh nghiệp, cũng là mục tiêu mà các nước phát triển trên thế giới đang áp dụng.

Theo các diễn giả, các điều khoản trong Luật GDNN chưa làm nổi bật vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của doanh nghiệp với GDNN

Tương tự tại Điều 34 Luật GDNN quy định về chương trình đào tạo cũng không nhắc đến vai trò của doanh nghiệp. Điều 53 quy định về giáo viên dạy nghề cũng chưa nhắc đến loại hình giáo viên trong doanh nghiệp. TS Thu cho rằng, việc luật hóa vai trò, trách nhiệm cũng như quyền lợi của doanh nghiệp trong Luật GDNN khá mờ nhạt, chưa thấy rõ lợi ích “win – win” giữa ba bên

Vừa là chủ doanh nghiệp sử dụng lao động và cả trung tâm đào tạo nghề điều dưỡng trình độ sơ cấp, xuất khẩu lao động sang Đài Loan, Nhật Bản, Đức, bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Nhân Ái (Nhân Ái Corp) cho biết, căn bản trong mối hợp tác giữa GDNN và doanh nghiệp vẫn là xác định nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường phải cùng doanh nghiệp khảo sát ngay từ đầu về những thứ doanh nghiệp cần để xây dựng chương trình đào tạo có sự cân đối giữa lý thuyết và thực hành.

Dẫn chứng thực tế từ doanh nghiệp của mình, theo bà Kim Thanh: Khi xuất khẩu lao động điều dưỡng sang Đài Loan, Nhật Bản, Nhân Ái Corp đã khảo sát các kỹ năng cần thiết cho công việc từ phía đối tác và xây dựng chương trình đào tạo 3 tháng, trong đó chỉ có 1 tháng lý thuyết còn lại 2 tháng thực hành ngay tại trung tâm điều dưỡng của Nhân Ái. Vì vậy, lao động qua đào tạo của Nhân Ái khi sang Nhật và Đài Loan làm việc có thể bắt tay ngay vào công việc mà không cần đào tạo lại. “Nhiều người chỉ sau 1 năm làm việc đã được chủ sử dụng Đài Loan, Nhật Bản đôn lên làm quản lý, hướng dẫn cho các lao động mới của họ”, bà Thanh nhấn mạnh.

Do vậy, cần điều chỉnh các điều khoản của Luật GDNN cũng như chính sách liên quan về GDNN quy định rõ hơn sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo, cả về trách nhiệm và quyền lợi liên quan.

Phan Long