05/09/2024 4:22:35

Sẽ đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động phi chính thức

Đẩy mạnh đào tạo và trao chứng chỉ cho lao động phi chính thức ở Việt Nam được đánh giá là mục tiêu quan trọng, nhằm công nhận kỹ năng và kinh nghiệm làm việc của những người lao động chưa qua đào tạo chính quy hoặc không có bằng cấp chính thức.

Đại diện các cơ quan quản lý về lao động việc làm cho rằng, được đào tạo bài bản, người lao động có thể chứng minh được năng lực của mình với các nhà tuyển dụng, nâng cao cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn và cải thiện thu nhập.

Lao động phi chính thức chiếm hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước

Thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tới hết quý II/2024, lao động phi chính thức ở nước ta vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng theo cơ quan thống kê, hiện có khoảng hơn 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Con số này phản ánh một thách thức lớn mà thị trường lao động Việt Nam đang phải đối mặt. Điều này không chỉ cho thấy nhu cầu cần thiết trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mà còn cả sự cấp thiết trong việc mở rộng cơ hội đào tạo và cấp bằng chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế hiện đại.

Nhiều nghề truyền thống đang dần bị mai một và có nguy cơ biến mất. Nghề làm nón lá là một điển hình như vậy khi hiện nay, chỉ còn số ít người lao động lớn tuổi gắn bó với nghề nhưng chưa có chính sách hỗ trợ. Ảnh: Internet

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận Tân Phú, chia sẻ về vấn đề này đã cho rằng, dạy nghề còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo cơ hội việc làm cho người dân, đặc biệt là trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa, khi mà các nghề truyền thống có nguy cơ mai một.

Theo bà Kiều, khi người lao động được đào tạo và được cấp Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia – bởi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), có nghĩa là lao động đã được công nhận kỹ năng nghề nghiệp dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Đây là một dạng chứng chỉ quan trọng cho lao động phi chính thức để tham gia vào thị trường lao động một cách chính thức hơn.

Tại nhiều quận, huyện hiện nay, các trung tâm Dịch vụ việc làm Quận/ huyện cũng cho biết, tổ chức giáo dục nghề nghiệp, hợp tác xã và doanh nghiệp tại TP. HCM cũng đã thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nghề ngắn hạn như nấu ăn, pha chế, cắt tóc, sửa xe, đan lát, may, thủ công mỹ nghệ, … thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, tập trung vào các kỹ năng cụ thể cho người học.

Sản phẩm thủ công được tạo ra từ các lao động phi chính thức ở một HTX sản xuất mây tre tại Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Q.T

Nâng cao trình độ kỹ năng, năng lực làm việc cho nhóm lao động yếu thế

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc sửa Luật Việc làm sẽ giúp khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm 2013 về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0. Luật việc làm cũng sẽ giải quyết các vấn đề liên quan lao động phi chính thức, quản lý nguồn lao động.

Cục trưởng Cục Việc làm – Vũ Trọng Bình nhấn mạnh: “Luật Việc làm (sửa đổi) tập trung vào 4 nhóm chính sách; Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế.

Có nghĩa là, chính sách việc làm không chỉ hỗ trợ người lao động về an sinh mà còn hỗ trợ, đào tạo nghề cho người lao động có hiệu quả, nhất là đối tượng yếu thế, người cao tuổi, lao động thuộc vùng dân tộc thiểu số, người khuyết tật.

Theo đó, chính sách đào tạo nghề dành cho lao động phi chính thức, lao động yếu thế ở Việt Nam nhằm nâng cao trình độ kỹ năng và năng lực làm việc cho nhóm lực lượng lao động này, được đánh giá là quan trọng.

Các chính sách sẽ tập trung vào các khía cạnh như: Hỗ trợ chi phí đào tạo (miễn giảm học phí, cấp học bổng, hoặc hỗ trợ chi phí học tập khác). Đào tạo linh hoạt (các chương trình đào tạo thường linh hoạt về thời gian và nội dung để phù hợp với lịch trình và nhu cầu của người lao động phi chính thức). Liên kết với doanh nghiệp (đảm bảo sau khi hoàn thành khóa học, người lao động có thể áp dụng ngay những kỹ năng đã học vào công việc thực tế và có cơ hội việc làm. Chứng nhận nghề (nhằm để nâng cao giá trị của người lao động phi chính thức trên thị trường lao động. Hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp (người lao động phi chính thức có thể nhận được sự tư vấn về lộ trình nghề nghiệp, giúp họ xác định rõ hơn con đường phát triển và những kỹ năng cần thiết trong tương lai).

Những chính sách kể trên đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng lao động, tăng cường an sinh xã hội và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong tương lai, đại diện Bộ LĐTB và XH khẳng định.

Quang Trung