Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) lần này được sửa đổi cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28 Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đó là đánh giá của đa số các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) tại hội trường hôm 2/11/2023.
Người đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Đây là một trong những nội dung mới của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này. Đánh giá cao chính sách trợ cấp hưu trí xã hội mới được đưa vào dự thảo Luật BHXH là một chính sách hết sức nhân văn được nhiều cử tri và nhân dân mong đợi. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) băn khoăn, theo báo cáo thẩm tra của UB các vấn đề xã hội, ước tính hiện có khoảng 1,5 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác, đang được hưởng trợ cấp xã hội. Khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ có thêm khoảng gần 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT. Để thực hiện chính sách này, kinh phí phát sinh thêm mỗi năm ước tính khoảng 3.456 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Trong khi đó,Tại điểm b khoản 1 Điều 22 quy định “Tùy thuộc điều kiện kinh tế – xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp các nguồn lực địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”. Quy định như vậy sẽ có độ mở để các địa phương chủ động trong việc cân đối, bố trí thêm kinh phí thực hiện chính sách, rất phù hợp với các địa phương cân đối được nguồn thu chi và kết dư ngân sách, tuy nhiên sẽ rất khó khăn đối với các tỉnh có nguồn thu ngân sách hạn hẹp. Nếu tất cả các chính sách đều quy định như vậy sẽ dẫn tới việc so sánh giữa người dân tỉnh này với tỉnh khác, nguy cơ những người trẻ của địa phương khó khăn sẽ tìm kiếm cơ hội ở những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển và không trở về nơi mình sinh ra để xây dựng quê hương.
“Về lâu dài, sự chênh lệch về phát triển, đặc biệt là nguồn lực con người giữa các địa phương sẽ ngày càng lớn. Do đó, trong các chính sách đề nghị Chính phủ cần hết sức cân nhắc”, ĐB Nguyễn Thị Huế băn khoăn.
Băn khoăn Bảo hiểm hưu trí xã hội làm giảm số người đóng BHXH bắt buộc
Đồng tình với nhiều ý kiến đánh giá cao ban soạn thảo dự Luật BHXH sửa đổi, ĐB Sùng A Lềnh (Lào Cai) cho rằng,việc bổ sung quy định về trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng là thể chế hóa nội dung của Nghị quyết số 28 của Trung ương. Chính sách này thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm an sinh cho người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng khác.
Tuy nhiên, trợ cấp hưu trí xã hội không gắn với nghĩa vụ đóng và được điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội như dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất có thể ảnh hưởng tới chính sách phát triển đối tượng tham gia BHXH, vì có thể dẫn tới tâm lý người lao động suy nghĩ không cần tham gia BHXH hoặc không cần duy trì đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí. Chỉ cần về già khi đủ điều kiện về tuổi (trong dự thảo luật đang đề xuất là 75 tuổi) vẫn được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của nhà nước.
Theo ĐB Sùng A Lềnh, đây là vấn đề cần đánh giá kỹ tác động và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước, nhất là trong điều kiện nước ta đang chuyển sang giai đoạn dân số già hóa. Số lượng người thuộc diện bảo đảm của chính sách này sẽ ngày càng gia tăng.
Mở rộng thêm 5 đối tượng tham gia bảo BHXH bắt buộc
Điểm mới thứ 2 của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) kỳ này là bổ sung mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhằm hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Theo đó 5 đối tượng mở rộng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Một là, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; Hai là, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố.
Ba là, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã và không hưởng tiền lương; Bốn là, người lao động làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất; Năm là, trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
Đa số ý kiến các ĐB đều cho rằng mở rộng đối tượng như trên rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri trong nhiều năm gần đây. Hầu hết tại các buổi tiếp xúc cử tri thì cử tri đều kiến nghị nội dung tham gia BHXH bắt buộc đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên trước thực trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH tình trạng thu nhập tiền lương thấp hiện nay, nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả của chính sách.
ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) nêu ý kiến, hiện nay tình trạng trốn, nợ đóng BHXH của các đối tượng dễ quản lý và dễ xử lý hơn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó, nếu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như dự thảo luật cần phải có chế tài quy định kiểm soát và thực hiện xử phạt nghiêm minh để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định. Bên cạnh đó, việc tham gia BHXH bắt buộc cũng trừ trực tiếp vào thu nhập của người lao động nên vẫn có một số bộ phận người lao động do thu nhập quá thấp nên không muốn tham gia BHXH. Hiện có gần 2 triệu hộ đăng ký kinh doanh, khoảng 270.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và chưa kể 3 nhóm đối tượng còn lại chưa có thống kê cụ thể. Do đó theo bà Mai, điều quan trọng là cần có chế độ, chính sách phù hợp, đa dạng để người lao động nhận thấy quyền lợi của họ được đảm bảo.
Phương án nào hạn chế tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần?
Đây là nội dung được xã hội, đặc biệt là người lao động rất quan tâm, do đó được các ĐB thảo luận sôi nổi. Khoản 1 Điều 70 dự thảo luật, qui định về hưởng BHXH một lần (rút BHXH một lần).Dự thảo luật đưa ra 2 phương án hưởng BHXH một lần với mục đích chung hạn chế người rút để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động lâu dài về già.
ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông),bày tỏ băn khoăn cả 2 phương án, bởi phương án 1 chỉ cho phép những người tham gia trước ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, nếu đủ điều kiện được rút BHXH một lần. Đối với những người tham gia BHXH, sau ngày luật có hiệu lực lại không đề cập đến. Như vậy, phương án này không đầy đủ. Phương án 2 cho tất cả những người lao động được rút BHXH một lần khi đủ điều kiện. Nhưng vấn đề đặt ra nhiều người lao động có lương thấp, mức đóng BHXH thấp, khi rút BHXH một lần, số tiền nhận được rất ít, không giải quyết được khó khăn. Do vậy, còn có giải pháp để hạn chế người lao động được rút BHXH một lần nhưng vẫn đảm bảo để người lao động có thể ổn định đời sống sau khi ngừng làm việc. ĐB Phạm Thị Kiều “Đề nghị nên có phương án sử dụng nguồn Quỹ BHXH để thành lập quỹ cho vay đối với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu”.
Theo ĐB Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên), BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động tham gia BHXH. Tuy nhiên, người lao động hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng trong thời gian qua là một thực tế đáng lo ngại đối với việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân. Bà Mai nêu con số: Theo báo cáo đánh giá tác động của dự án luật, trong giai đoạn năm 2016 đến năm 2022, bình quân mỗi năm có khoảng gần 700.000 người rút BHXH một lần, đặc biệt số người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng qua từng năm.
Số người hưởng BHXH một lần của năm 2022 là 876.000 người tăng 1,7 lần so với số người hưởng BHXH một lần của năm 2016, người lao động luôn nghĩ vấn đề an sinh xã hội lâu dài và nhất là khi đến tuổi về hưu. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do dẫn đến việc họ phải rút BHXH một lần, phần lớn người rút BHXH một lần là những người không có tích lũy, không có việc làm ổn định nên khi có vụ việc thì họ phải chọn giải pháp rút một lần để trang trải cuộc sống.
Với hai phương án dự thảo luật đề xuất, ĐB Mai cho rằng cả hai phương án đều dựa trên điều kiện sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện, tức là không tham gia vào quan hệ lao động thì mới cho người lao động hưởng BHXH một lần. Như vậy thì khó đáp ứng nhu cầu cấp bách của một bộ phận lao động mất việc làm, cuộc sống bấp bênh, khó khăn.
Bà Mai kiến nghị, phương án 2 của dự án luật cần phải được nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, tránh gây bất lợi cho người lao động, nếu không được rút quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thì số tiền này có đáp ứng được nhu cầu của người lao động hay không? Đồng thời phương án 2 lại quy định thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của BHXH.
Quy định này, theo bà Mai là chưa rõ ràng, người lao động có được tiếp tục hưởng BHXH một lần và nếu có yêu cầu hay không? BHXH dựa trên nguyên tắc đóng hưởng, người lao động đã đóng BHXH thì quyền được hưởng tối đa thời gian đã đóng. Do đó, tôi đề nghị nên nghiên cứu phương án người lao động được lựa chọn rút BHXH một lần hoặc rút 50% thời gian đã đóng. Thời gian còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu và không nên chỉ giải quyết tối đa 50% tổng thời gian đã đóng.
ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho rằng phương án linh hoạt nhất là không cấm người lao động rút BHXH một lần, tuy nhiên phải quy định hết sức chặt chẽ và luật có thể thiết kế thành các phương án để người lao động lựa chọn.
Bà Nga đề xuất lựa chọn thứ nhất, nếu người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng quyền lợi tăng thêm so với thông thường. Các chế độ tăng thêm được thiết kế trong dự thảo luật là cần thiết và phù hợp. Cụ thể là giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, rồi hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ với tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, hưởng trợ cấp bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng; người lao động trong thời gian bị mất việc, chưa có việc làm thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chính sách tín dụng.
Lựa chọn thứ hai, nếu người lao động rút BHXH một lần thì không được hưởng những quyền lợi tăng thêm và phải đáp ứng những điều kiện khắt khe.
Lựa chọn thứ ba, người lao động có thể rút 50% và bảo lưu 50%. Phương án này giúp giải quyết một phần khó khăn của người khi mất việc, vừa tạo cơ hội cho họ tái tiếp tục bảo hiểm xã hội một lần khi có điều kiện.
Quỳnh Trang