08/01/2021 8:59:47

Quảng Trị: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần xoá đói giảm nghèo hiệu quả

Trong 10 năm qua, (từ 2010 – 2020), toàn tỉnh Quảng Trị đã tổ chức đào tạo nghề cho 57.490 lao động nông thôn theo Đề án 1956. Các học viên sau khi hoàn thành khoá đào tạo đều có việc làm, tự tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình và góp phần xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

Khóa học nghề sửa chữa, vận hành máy nông nghiệp- ngư nghiệp cho lao động nông thôn tại Quảng Trị. Ảnh: CĐKT Quảng Trị

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị tại Quảng Trị đã vào cuộc một cách tích cực, chủ động. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được xác định trong các nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; nghị quyết chuyên đề của HĐND, đề án, chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh các cấp.

Từng giai đoạn, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) Đề án 1956 cấp tỉnh; đồng thời đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn thành lập BCĐ hoặc tổ chỉ đạo các cấp. Kết quả, 9/9 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Trị có BCĐ Đề án; 111 xã, phường, thị trấn có BCĐ hoạc tổ chỉ đạo cấp xã.

Trong giai đoạn 2010 – 2015 thực hiện Đề án 1956, Quảng Trị đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, tạo khả năng và cơ hội cho người lao động được tiếp cận, lựa chọn nghề, học nghề nhằm tạo việc làm, đặc biệt là đối tượng thanh niên, lao động nữ, lao động là người nghèo ở khu vực nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế; phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Trong giai đoạn này, toàn tỉnh Quảng Trị đã đào tạo nghề cho 23.270 lao động nông thôn. Nhận thức của người dân về học nghề đã có sự chuyển biến căn bản từ chỗ tham gia học nghề thụ động, được vận động theo phong trào đã chuyển sang chủ động học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật. Từ đó, người lao động áp dụng kiến thức đã được học vào sản xuất, kinh doanh hoặc tìm được việc làm với thu nhập ổn định, từng bước làm giàu, giảm nghèo bền vững.

Bước sang giai đoạn 2016 – 2020, Quảng Trị hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo. Từ đó, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Mặt khác, Quảng Trị cũng gắn đào tạo nghề cho lao động với các chương trình giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình kinh tế – xã hội khác để góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Giai đoạn 2016 – 2020, Quảng Trị đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 34.220 lao động nông thôn. Kết quả sau học nghề, người lao động nắm bắt được những kiến thức mới, công nghệ mới, tạo ra nguồn nhân lực có chuyên môn tay nghề, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Sau học nghề, có trên 90% số lao động học các nghề nông nghiệp biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng đã tiếp thu được vào thực tế sản xuất; trên 80% học viên có việc làm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo. Đề án cũng đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo ở địa phương, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động phát huy hiệu quả trên địa bàn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Quảng Trị.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” tại Quảng Trị trong giai đoạn 2010 – 2020 là 191,295 tỷ đồng.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh được đào tạo nâng cao tay nghề với các ngành nghề chính, như: trồng nấm ăn, trồng rừng kinh tế, kỹ thuật trồng và chăm sóc na, rau an toàn, sữa chữa xe máy, điện dân dụng, thêu ren, tin học ứng dụng,…

Hình thức đào tạo nghề được đa dạng hoá. Cơ sở GDNN chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm và giai đoạn, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp,…để tổ chức tốt công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các lớp đào tạo nghề theo mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức của lao động nông thôn đối với hoạt động đào tạo nghề. Các lớp học được các giáo viên đầu ngành về chăn nuôi, trồng trọt, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu và giải đáp được những vướng mắc của học viên. Đồng thời, việc đào tạo nghề theo mô hình đã kết hợp tốt giữa học lý thuyết và thực hành tay nghề tại chỗ, qua đó tạo sự thu hút các học viên tham gia lớp học.

Một số mô hình đạt hiệu quả cao và được triển khai trên diện rộng trong giai đoạn 2010 – 2015, như: mô hình trồng và chăm sóc ném trên cát ở một số xã thuộc huyện Hải Lăng; mô hình trồng và chăm sóc các loại hoa ở Cam Lộ; trồng sắn tại các xã Vùng Lìa, huyện Hướng Hoá; mô hình sản xuất nón lá ở Hải Lăng hay các mô hình nghề May công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn. Đến giai đoạn 2016-2020, các nghề nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học được lựa chọn xây dựng mô hình và nhân rộng, như: kỹ thuật nuôi tôm, trồng nấm, chăn nuôi gà, lợn, bò, kỹ thuật trồng cây ăn quả,…Với những nghề nói trên, việc áp dụng vào quá trình phát triển hộ kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện của địa phương; đảm bảo trên 80% lao động sau đào tạo sử dụng đúng nghề, sản phẩm tiêu thụ nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững, một số hộ còn vươn lên thành hộ khá và giàu.

Lao động nông thôn tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thưc cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình. Người lao động cũng được tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm.

Ngoài ra, chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý công tác đào tạo nghề, cơ sở vật chất, trang thiết bị GDNN không ngừng được nâng cao, đổi mới theo thời gian.

Theo Baodansinh