Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009, của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Nhờ vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được những bước tiến mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.
Trọng tâm của Đề án là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề; tạo điều kiện cho LĐNT được tham gia học nghề với sự hỗ trợ của Nhà nước. Đào tạo nghề cho LĐNT nhằm tạo việc làm, tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế để từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…
Để triển khai hiệu quả Đề án, UBND tỉnh thành lập, thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo tỉnh. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Các địa phương căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh ban hành kế hoạch của địa phương, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
Từ năm 2010 đến nay, Quảng Ninh đã ban hành trên 170 văn bản chỉ đạo, điều hành về đào tạo nghề cho LĐNT. Trung bình hằng năm có khoảng 24 cơ sở tham gia đào tạo nghề cho LĐNT: 4/8 trường cao đẳng; 10/13 trung tâm GDNN – GDTX; 10 đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (dạy nghề).
Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện phân cấp triệt để cho các địa phương trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm; điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chủ động trong công tác lập kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề LĐNT, phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và chương trình xây dựng nông thôn mới tại mỗi địa phương.
5 năm gần đây (2016-2020) Quảng Ninh đã triển khai được 438 lớp đào tạo nghề cho LĐNT; trong đó có 192 lớp nghề nông nghiệp, 246 lớp nghề phi nông nghiệp, với 12.533 lao động được đào tạo. Đã có trên 10.400 người lao động phát huy hiệu quả sau đào tạo, bằng 83,4%. Qua đó đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo: Trên 500 hộ thoát nghèo, trên 2.000 hộ khá giả.
Anh Nguyễn Đức Tuyến (thôn Quảng Mản, xã Bình Khê, TX Đông Triều) cho biết: Trước đây thu nhập của gia đình anh chủ yếu từ trồng lúa, nên khá bấp bênh, kinh tế không ổn định. Sau khi tham gia lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật trồng hoa của thị xã, anh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích 0,7ha của gia đình sang trồng hoa, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Đến nay, gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng hoa ly, dơn, cúc.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Tuy đã đạt được một số kết quả trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT, nhưng công tác này cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương chưa cao; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng; tỷ lệ lao động vào các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn ít, hầu hết là tự tạo việc làm. Số lao động tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng đầu tư sản xuất còn thấp.
Ngoài ra, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư tham gia vào lĩnh vực dạy nghề còn ít, doanh nghiệp hầu hết chỉ quan tâm đến việc tuyển dụng theo nhu cầu, chưa thực hiện được việc chủ động đặt hàng đào tạo lao động với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Tới đây, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành khác tăng cường kiểm tra, giám sát chương trình đào tạo nghề. Đồng thời tham mưu cho tỉnh chương trình đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn tiếp theo để có hiệu quả tốt hơn.
Thúy Anh (Tổng hợp)