Sau gần 5 năm thực hiện, chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề theo chính sách của tỉnh đã có những kết quả tích cực, góp phần nâng cao tỷ lệ LĐ qua đào tạo, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất LĐ cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và phát triển KT-XH của tỉnh.
Ngay sau khi Nghị quyết số 220 và Nghị quyết số 140 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020 được ban hành, các sở, ngành và địa phương đã tích cực, chủ động tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú như: truyền thông trực tiếp, thông qua các hội nghị tập huấn, mở các chuyên trang, chuyên mục trên ấn phẩm của các báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử thành phần của địa phương và các sở, ngành của tỉnh.
Cùng với đó, các trường cũng tăng cường tư vấn tuyển sinh; sắp xếp, bố trí đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đảm bảo chất lượng.
Theo Nghị quyết có 10 nghề gồm: Kỹ thuật chế biến món ăn; hướng dẫn du lịch; nghiệp vụ lưu trú, quản trị khách sạn; điều khiển tàu biển; hàn; công nghệ ô tô; điện công nghiệp; du lịch lữ hành, nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn được hỗ trợ của tỉnh.
Những học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh học hệ chính quy các nghề trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo, đều được hưởng hỗ trợ học phí với mức hỗ trợ trình độ cao đẳng 50% mức lương cơ sở/người/tháng và 40% mức lương cơ sở/người/tháng đối với trình độ trung cấp…
Em Nguyễn Văn Đạt, học sinh lớp điện công nghiệp, Trường Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn cho biết: Sau khi tốt nghiệp THPT, từ năng lực bản thân em đã chọn nghề điện để theo học tại Trường Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn. Tại trường đào tạo nghề theo modul lý thuyết xen kẽ thực hành chính vì vậy rất dễ hiểu. Sau khi tốt nghiệp em sẽ dễ dàng tìm được một công việc phù hợp năng lực và đáp ứng được tiêu chuẩn các doanh nghiệp hiện nay.
Không chỉ Đạt mà nhiều học sinh, sinh viên sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề cũng đã tìm cho mình một công việc ổn định. Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, 5 năm qua các địa phương đã triển khai thực hiện hỗ trợ cho 1.926 người với kinh phí trên 8 tỷ đồng (Trong đó: hỗ trợ trình độ cao đẳng là 1.221 người; trình độ trung cấp là 705 người và có 8/10 nghề có người học), trong đó: Thực hiện Nghị quyết 220 từ 2016-2018: hỗ trợ 186 người với kinh phí trên 892 triệu đồng; thực hiện Nghị quyết 140 từ 2019-2020: hỗ trợ 1.740 người với kinh phí trên 7 tỷ đồng.
Rõ ràng, chính sách hỗ trợ học nghề đã tạo cơ hội cho nhiều học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhân lực có tay nghề cao của doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách cũng gặp một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, số học sinh, sinh viên tham gia học các nghề khuyến khích đào tạo đạt số lượng thấp so với dự kiến; số nghề khuyến khích đào tạo mới có10 nghề nên ít sự lựa chọn nghề học, một số học sinh, sinh viên học nghề trong nhóm ngành, nghề khuyến khích đào tạo nhưng không trùng với mã nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh, nên không được hỗ trợ chi phí đào tạo…
5 năm gần đây, số học sinh, sinh viên mới chỉ đạt khoảng 15-17% trong tổng số học sinh hàng năm toàn tỉnh; trong khi theo Quyết định số 522/ QĐ- TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2020 phấn đấu đến năm 2020 ít nhất có 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN.
Thiết nghĩ, để tiếp tục thu hút các em học sinh, sinh viên của tỉnh theo học các ngành, nghề mà xã hội có nhu cầu, thời gian tới cần có những giải pháp căn cơ, phù hợp hơn với thực tiễn, qua đó nhằm năng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Theo BaoQuangNinh