Với kinh nghiệm 14 năm giảng dạy, từng đào tạo hàng chục thí sinh nghề thiết kế đồ họa (TKĐH) giành giải tại các cuộc thi Kỹ năng nghề cấp quốc gia, ASEAN và thế giới, với giảng viên Nguyễn Thị Thanh Xuân khoa Công nghệ thông tin, chuyên ngành TKĐH Trường CĐN Công Nghiệp Hà Nội, nỗ lực và đam mê của sinh viên chính là động lực để cô sẵn sàng cống hiến hết mình giúp học trò thành công. Nhân dịp Kỷ niệm 112 năm Ngày quốc tế phụ nữ 8/3, Phóng viên Tạp chí điện tử Nghề nghiệp & Cuộc sống có cuộc trao đổi với cô về sự đam mê, bí quyết thành công trong sự nghiệp “trồng người”.
Cơ duyên nào đưa cô đến với ngành TKĐH và trở thành giảng viên gặt hái được nhiều thành công, đào tạo ra nhiều tài năng trong lĩnh vực TKĐH?
Tôi đam mê truyện tranh và vẽ từ nhỏ nhưng lại không có nhiều hoa tay nên đã chủ động tìm hiểu, quyết tâm theo học nghề TKĐH để tận dụng máy tính làm công cụ đồ họa. Khi học đại học, tôi đã mày mò tìm hiểu những trung tâm dạy về TKĐH, đi làm thêm để trang trải việc học tập, trau dồi sở thích của mình.
Sau khi tốt nghiệp đại học, may mắn nhờ người quen giới thiệu tôi được nhận vào giảng dạy tại trường CĐN Công nghiệp Hà Nội với mong muốn có nhiều thời gian dành cho gia đình. Thế nhưng giờ tôi lại quá say nghề, “nặng tình” với nghề nghiệp và sinh viên nên có lẽ vì thế đã cùng với học trò gặt hái được một số thành công.
Bên cạnh đó, sự nhiệt tình, ham học hỏi và đam mê của các bạn sinh viên chính là động lực để tôi lao vào công việc, sẵn sàng giúp đỡ các em đạt được thành công. Có những bạn sinh viên nghèo, nhà cách trường 30 đến 40km, hàng ngày dậy từ 5h sáng đi xe buýt đến trường. Các em đi làm thêm để tiết kiệm tiền mua máy tính để tự học và khi cần có thể gọi điện cho cô cả đêm để hỏi những vấn đề mình chưa hiểu… Những ước muốn, đam mê và sự nhiệt tình ấy của các em chính là “liều thuốc” tạo động lực mãnh liệt nhất để tôi sẵn sàng hy sinh những lợi ích cá nhân cho tương lai các em. Tình yêu nghề được nhen nhóm từ những “ngọn lửa nhỏ” như thế, để bây giờ, tôi cảm thấy may mắn và tự hào khi làm người giáo viên dạy nghề, giúp cho sinh viên của mình ra trường có việc làm tốt, thu nhập ổn định.
Cô có thể chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm khi đào tạo được hàng loạt sinh viên đoạt giải thưởng trong các cuộc thi Kỹ năng nghề quốc gia, ASEAN và thế giới?
Từ năm 2016 các thí sinh thi tay nghề TKĐH của CĐN Công nghiệp Hà Nội luôn có mặt trong tốp đầu của các cuộc thi Kỹ năng nghề cấp thành phố, quốc gia cũng như đấu trường ASEAN và quốc tế. Để có được giải thưởng cao trong các năm gần đây, tôi đã trải qua 8 năm nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm luyện thi cho các sinh viên.
Trong đó, việc lựa chọn được thí sinh có tố chất, khả năng tự học và quan trọng nhất là sự chăm chỉ vì trong thi kỹ năng nghề, để rèn luyện kỹ năng thành thói quen và đạt tốc độ thao tác nhanh nhất đòi hỏi thí sinh phải rất cần cù, chịu khó. Thứ hai, phải biết đối thủ là ai để học hỏi từ chính đối thủ cạnh tranh. Biết mình là ai, đang ở đâu và đối thủ của mình như thế nào sẽ có khả năng chiến thắng. Tôi luôn dặn dò sinh viên của mình như thế; khiêm tốn và học hỏi từ chính các vòng thi. Điều quan trọng cuối cùng là bạn phải sẵn sàng hy sinh vài tháng tạm gác gia đình, con cái để chuyên tâm cùng với sinh viên của mình bước vào “lò luyện”.
Giảng viên phải thường xuyên dành thời gian bên thí sinh để động viên tinh thần, ý chí các em trong những giai đoạn ôn thi căng thẳng. Có thời điểm lịch dạy kín tuần, vừa làm truyền thông cho nhà trường, vừa làm giáo viên chủ nhiệm, vừa làm công việc Phó khoa, nhiều khi tôi ngồi đờ ra vì quá tải, không biết phải làm việc gì trước. Trong khi ngày thi đến gần, thí sinh lại chưa ôn luyện xong, tâm lý các căng thẳng rất cần giáo viên ở bên cạnh hướng dẫn, động viên. Không ít lần tâm lý lo lắng và căng thẳng trong quá trình các em làm bài thi và chờ kết quả khiến tôi bị đau dạ dày.
Được biết, mới đây nhất cô đã hướng dẫn nữ sinh viên Trịnh Thị Lan giành HCV Kỹ năng nghề quốc gia 2021 nghề TKĐH. Cô trò đã làm thế nào để vượt qua khó khăn trong quá trình luyện tập trong khi phải giãn cách xã hội do sự bùng phát của dịch Covid-19?
Trước Trịnh Thị Lan, năm 2016 tôi cũng đã hướng dẫn 1 bạn nữ và đạt giải nhì kỹ năng nghề cấp thành phố. Tuy nhiên, khi chọn sinh viên dự thi, tôi thường chọn thí sinh nam vì các em có đủ sức khỏe khả năng chịu đựng sự rèn luyện cao hơn. Đối với Trịnh Thị Lan, quá trình luyện thi rơi vào thời điểm đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp; Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội nên Lan phải thực hiện “ba tại chỗ” ở trường, ở một mình trong phòng dành cho tình nguyện viên. Vì em là nữ nên việc ở lại trường ôn luyện cũng gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn đầu, tôi thường xuyên phải ở lại muộn, chờ em ăn uống tắm giặt xong, khóa cửa lại cô mới yên tâm về nhà.
Lịch thi thì thay đổi, trì hoãn nhiều lần ảnh hưởng đến tâm lý của cô trò. Nhưng càng khó khăn, cô trò lại động viên nhau cố gắng, tận dụng chính những lần thay đổi lịch thi để lại chỉnh sửa, hoàn thiện hơn bài thi. Quá nhiều bỡ ngỡ khi lần đầu tham gia thi trực tuyến nhưng rồi nhờ sự hỗ trợ cơ sở vật chất của nhà trường mà cô trò có điều kiện tốt nhất để tham dự cuộc thi.
Mỗi kỳ huấn luyện mất vài tháng tạm gác công việc gia đình, con cái. Chắc cô phải nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía gia đình?
Đung vậy. Gia đình chính là chỗ dựa rất lớn để tôi có thể tập trung cho công việc. Chồng tôi đã rất tâm lý khi động viên tôi tham gia luyện thi và tự hào khoe thành tích của vợ. Cả nhà đều hỗ trợ chăm sóc con cái nên tôi có thể chuyên tâm vào việc ôn luyện cho các em; trong những giai đoạn luyện thi, có những tuần mình đi từ 6h sáng đến 12h đêm mới về tới nhà.
Điều cô tự hào nhất về mình là gì?
Cho đến thời điểm này điều tôi tự hào khẳng định được thương hiệu của bản nhân, của nhà trường; và đặc biệt là nghề TKĐH. Tạo được niềm tin của học sinh vào nghề TKĐH, khuyến khích các em tham gia các cuộc thi, chỉ cho các em thấy được cơ hội thay đổi tay nghề từ chính các vòng thi. Bên cạnh đó, tôi cũng tự hào khi đóng góp sức mình vào xây dựng được một đội ngũ sinh viên giỏi nghề mà đi đến đâu cũng được các doanh nghiệp chào đón.
Trân trọng cảm ơn cô!
Viết Hà (thực hiện)