Lý do chọn học nghề cũng đều xuất phát từ những điều đơn giản, thiết thực của cuộc sống, nhưng những nữ sinh chọn theo học nghề kỹ thuật như Điện tử Công nghiệp, Công nghệ ô tô…, đã tạo nên nét cá tính, bản lĩnh của riêng mình.
Bỏ làm công nhân đi học nghề
Là sinh viên năm thứ nhất nghề Điện tử công nghiệp (theo tiêu chuẩn CHLB Đức), sinh viên Võ Hoàng Giang (SN 2003, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) trở thành sinh viên muộn hơn so với lứa tuổi một năm. Bởi trước đó Giang từng làm công nhân cho một doanh nghiệp nước ngoài lớn tại tỉnh.
Giang kể, khi em vừa tốt nghiệp lớp 12, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có nhiều doanh nghiệp, công ty tuyển dụng lao động phổ thông được đi làm ngay, mức lương cũng được xem là khá cao. Nếu tính tổng mức thu nhập (lương cứng + tăng ca) cũng được 9- 10 triệu đồng/ tháng. Trong khi đó, nếu chọn đi học đại học cũng mất tới 4 – 5 năm, mà cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cũng mông lung.
Thế nhưng, khi làm công nhân, ở vị trí việc làm với một công việc lặp đi lặp lại, không có gì đổi mới, Giang cảm thấy nhàm chán và lao động cật lực mới có mức thu nhập 9 – 10 triệu đồng/tháng. Những nỗi lo thường nhật về tương lai khi nguy cơ mất việc làm vì doanh nghiệp không sử dụng lao động phổ thông khó tránh khỏi cứ đeo bám trong đầu.
Nhưng cũng trong thời gian làm công nhân, nữ sinh Võ Hoàng Giang đã nhận thấy cơ hội thay đổi bản thân tốt hơn khi Công ty thường xuyên đăng tuyển Kỹ sư thực hành ở các ngành Điện, Điện tử công nghiệp mà không phân biệt giới tính. Thậm chí, còn ưu tiên và có nhiều chính sách ưu đãi với Kỹ sư nữ có tay nghề giỏi.
Sau khi trao đổi dự định và được sự động viên lớn từ phía gia đình, Giang đã tìm hiểu nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cuối cùng chọn học nghề Điện tử công nghiệp tiêu chuẩn Đức tại trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh (BCi).
“Mọi người thường nghĩ nghề Điện tử công nghiệp chỉ có nam giới mới học, nhưng khi theo học nghề này, em cảm giác như bước vào thế giới với bao điều mới lạ. Việc đấu nối các mạch điện rất cần sự khéo léo nên mà nữ giới còn làm tốt hơn cả nam giới. Nghề Điện tử công nghiệp đang phát triển, bởi vậy nếu có trình độ chuyên môn, tay nghề vững vàng… sẽ có rất nhiều sự lựa chọn, có vị trí việc làm tốt tại nhiều doanh nghiệp”, Giang nói.
Học sinh giỏi chọn học nghề thay vì đại học
Tương tự Giang, Ngô Thị Minh (SN 2004, Việt Yên, Bắc Giang) cũng là 1 trong 2 nữ sinh hiếm hoi trong lớp Điện tử công nghiệp của trường Bci. Với điểm tổng kết học bạ lên tới 8.6, Minh thừa tiêu chí để xét tuyển vào rất nhiều trường đại học, nhưng em lại chọn học nghề Điện tử công nghiệp tại Bci với lý do đơn giản: học nghề sẽ rút ngắn thời gian học và thực hành, ứng dụng thực tế nhiều hơn đại học. Học nghề Điện tử công nghiệp sẽ phát triển kỹ năng và tham gia lao động trực tiếp trên dây truyền sản xuất.
Với phương pháp dạy học tích hợp, học đi đôi với hành, kết cấu thời lượng 30% lý thuyết, 70% thực hành đảm bảo tính khoa học đã giúp các em được tiếp cận và phát triển kỹ năng chuyên môn rất nhanh. Kiến thức học từng mô-đun ngắn gọn, dễ hiểu. Hoàn thành xong mô-đun nào là Minh và Giang đều đã hiểu quy trình thực hiện tốt ở một khâu sản xuất sản phẩm.
Là những nữ sinh theo học nghề kỹ thuật Điện tử công nghiệp, chương trình lại theo tiêu chuẩn CHLB Đức, nên khối lượng một mô-đun học nhiều hơn so với chương trình đào tạo của Việt Nam, khiến đôi khi, cả Giang và Minh đều cảm thấy khó khăn trong quá trình thực hành.
Tuy nhiên, với sự miệt mài và quyết tâm không bỏ cuộc, khi đã tìm ra giải pháp để khắc phục, các em lại thấy vui, hứng thú và ngày càng yêu thích nghề Điện tử công nghiệp. Nữ sinh Giang và Minh rất tự tin khẳng định: “Có kỹ năng nghề, chúng em cảm thấy tự tin và không yếu thế trong thị trường lao động thời 4.0”.
Học nghề để thoát nghèo
Đó là câu chuyện của học sinh Nguyễn Thị Ngọc Linh (SN 2006), nữ sinh duy nhất lớp Công nghệ ô tô hệ 9+ (Trung cấp) tại BCi.
Hoàn cảnh gia đình khá khó khăn, cứ nghĩ đến hình ảnh bố một mình “gà trống nuôi con”, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, lại phải thuê nhà…ước mơ nhỏ nhoi được học tại trường THPT như các bạn cùng lớp cũng là điều xa xỉ với Linh. Được cô giáo chủ nhiệm cấp THCS định hướng, Ngọc Linh đã lựa chọn theo học nghề vì thấy phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình. Đặc biệt, em gái Ngọc Linh hiện cũng đang học lớp trung cấp nghề Kỹ thuật chế biến món ăn tại BCi.
Ngọc Linh cho rằng, nghề nghiệp không phân biệt giới tính. Nghề công nghệ ô tô đòi hòi sức khỏe, sự chăm chỉ, tỉ mỷ quan sát, kiên trì và sáng tạo nên khá vất vả với nữ sinh, nhưng em không nản lòng. Thực hành trên động cơ có nhiều kỹ thuật tương đối khó, bên cạnh sự hướng dẫn của giảng viên, em rất thích tìm hiểu, mày mò để tự giải quyết vấn đề.
“Em đang rất mong sớm tới thời gian thực tập tại doanh nghiệp thực tập để nâng cao kỹ năng chuyên môn. Hy vọng doanh nghiệp sẽ chào đón nữ sinh học nghề Công nghệ ô tô như em”, Linh chia sẻ.
Theo học chương trình 9+ tại BCi, Ngọc Linh và em gái cảm thấy rất thoải mái vì được hỗ trợ miễn 100% học phí. Sau 3 năm học, chị em Linh vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp nghề, có thể đi làm ngay để phụ giúp kinh tế gia đình và vẫn có thể học liên thông lên Cao đẳng, Đại học theo hệ “vừa học, vừa làm”.
Nhận xét về Linh, thầy Long – giảng viên nghề Công nghệ ô tô Trường Bci cho biết: “Dù là học sinh nữ duy nhất trong lớp nhưng Linh không ngại ngùng mà rất tự tin hòa nhập, trao đổi, học tập cùng các bạn nam. Linh tiếp thu bài học rất nhanh, các kỹ năng thực hiện khá thuần thục, về độ khéo léo thì các bạn nam phải thua xa… Ngọc Linh là tấm gương tiêu biểu với tinh thần nghị lực của một học sinh nghèo vượt khó, ham học hỏi… Năm 2022, Ngọc Linh đạt danh hiệu ‘Học sinh 3 rèn luyện’ của tỉnh Bắc Ninh. Chắc chắn em sẽ thành công với nghề đã chọn”.
Bình Minh