27/04/2021 1:39:07

Nhu cầu đào tạo lại, công nhận trình độ kỹ năng và những giải pháp đặt ra

Tại các doanh nghiệp đang còn tồn tại tình trạng nguồn nhân lực phải qua đào tạo lại nhiều lần mới đáp ứng được nhu cầu vị trí công việc gây lãng phí lớn cho xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao và phù hợp với vị trí việc làm  được xem là chìa khóa quan trọng để Việt Nam cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, tại các doanh nghiệp đang còn tồn tại tình trạng nguồn nhân lực phải qua đào tạo lại nhiều lần mới đáp ứng được nhu cầu vị trí công việc gây lãng phí lớn cho xã hội.

Đại diện Tập đoàn Hòa Bình tham dự Ngày hội việc làm tại ĐH Bách Khoa TP.HC và trao học bổng cho các SV xuất sắc. (Ảnh: hbcg.vn)

Hiện trạng

Theo số liệu thống kê gần đây của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, quy mô lao động qua đào tạo tại Việt Nam hiện còn quá nhỏ so với yêu cầu của nền kinh tế, của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước [1]. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ còn rất thấp. Còn nhiều bất hợp lý trong cơ cấu theo trình độ các cấp. Cơ cấu lao động qua đào tạo phân bổ không đồng đều, tập trung cục bộ ở một số ngành dịch vụ, thiếu nghiêm trọng lực lượng lao động ở các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xây dựng. Thiếu lao động kỹ thuật trình độ cao cung cấp cho các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm. Thực tế, lực lượng lao động Việt Nam còn thiếu nhiều kỹ năng, kỹ thuật phù hợp và kỹ năng làm việc cốt lõi. Sự phát triển của đội ngũ công nhân lành nghề còn chậm, không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động còn nhiều hạn chế, một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường.

Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên định hướng nghề nghiệp tốt hơn, sinh viên có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, nhiều trường Đại học, Cao Đẳng đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các chương trình “Ngày hội việc làm”, “Hội chợ tuyển dụng” và xây dựng chương trình đào tạo, liên kết giữa Nhà trường với doanh nghiệp…Thông qua chương trình, nhà tuyển dụng cũng đã lựa chọn được nguồn nhân lực trẻ chất lượng, phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Không thể phủ nhận những cố gắng và nỗ lực của các trường, mong muốn sinh viên có công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Song trên thực tế, tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường thất nghiệp vẫn ở mức cao.

Theo số liệu năm 2018 của của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có khoảng 1,1 triệu sinh viên đại học và cao đẳng, chia cho trung bình bốn năm học, mỗi năm có gần 300.000 sinh viên ra trường. Kể từ năm 2015 trở lại đây, số lượng người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên khoảng 200.000 người. Nhưng đáng lo ngại là có đến 60% sinh viên ra trường làm việc không đúng với ngành đã được đào tạo.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ký kết thỏa thuận hợp tác nâng cao kỹ năng nghề trong lĩnh vực xây dựng với Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) tháng 2/2020

Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong quý I/2019, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 1.059.000 người. Trong đó, số người thất nghiệp ở nhóm trình độ cao đẳng là hơn 65.000 người. Nhóm trình độ trung cấp có gần 53.000 người thất nghiệp. Nhóm trình độ đại học trở lên có gần 125.000 người thất nghiệp.

Năm 2019 cả nước có khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm; 60% sinh viên ra trường làm trái ngành… là con số đáng báo động về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực của nước ta trong thời gian qua. Dù chúng ta đã nhìn nhận ra được những lo ngại về đào tạo nguồn nhân lực từ lâu nhưng đến nay vẫn còn một bộ phận cử nhân vì không tìm được việc làm phù hợp sau tốt nghiệp đã phải giấu bằng cấp đi làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức, với thu nhập thấp. Một bộ phận khác quay trở lại học nghề để tìm việc làm. Điều này cho thấy sự lãng phí lớn nguồn lực của bản thân người học, gia đình và của cả Chính phủ, Nhà nước.

Tại Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, mặc dù đã không ngừng nâng cao chất lượng tuyển dụng, tuy nhiên tình trạng nhân lực sau tuyển dụng vẫn phải đào tạo lại gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2018 Tập đoàn Hòa Bình tuyển dụng mới 1193 lao động/ 3120 lao động hiện hữu năm 2017, trong đó có 121 lao động từ cao đẳng trở xuống tương đương tỉ lệ 10,1%, nâng tổng số cán bộ nhân viên lên 3795 (trong đó người lao động trình độ từ cao đẳng trở xuống chiếm khoảng 16% tương đương khoảng 607 lao động). Tuy nhiên tỉ lệ đào tạo lại chiếm tỉ lệ khá cao lên tới 21,2% chủ yếu với nhóm người lao động mới ra trường và có kinh nghiệm từ 1-2 năm (khoảng 253 lượt đào đạo lại, đào tạo bổ sung).

Vậy câu hỏi được đặt ra: tại sao người mới tốt nghiệp đại học xây dựng/hoặc cao đẳng nghề xây dựng có chuyên ngành xây dựng dân dụng công nghiệp lại không làm được việc ngay và không phù hợp với vị trí công việc trong doanh nghiệp mà phải qua đào tạo lại?

Giải pháp đề xuất

Để có lực lượng lao động với kỹ năng cao hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, Việt Nam cần có hệ thống giáo dục và đào tạo nghề vận hành hiệu quả hơn và các hệ thống giáo dục cao hơn. Việt Nam sẽ cần một mô hình tăng trưởng mới để thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và để hiện đại hóa – công nghiệp hóa, cũng như tăng trưởng bền vững. Điều này đòi hỏi cần phải có một thị trường lao động được hiện đại hóa. Một thị trường lao động cho phép học tập suốt đời và mọi người, dù xuất thân từ gia đình với mức thu nhập nào đi chăng nữa, đều có thể tiếp cận với hệ thống giáo dục – đào tạo nghề và giáo dục đại học. Đó là một thị trường lao động với cơ chế bảo trợ xã hội toàn dân và có những thiết chế thị trường lao động được điều chỉnh theo những thay đổi của bản thân thị trường đó. Đây cũng là hướng đi cần thiết để tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động trẻ, nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội tiếp cận đối với mọi người dân.

Đào tạo song hành tại nhà trường theo hình thức gắn kết nhà trường và doanh nghiệp và được công nhận trình độ kỹ năng ngay trong thời gian học tập là một trong những giải pháp hữu hiệu cần được nhân rộng. Tuy nhiên rất cần sự hỗ trợ, kết nối, cũng như có hành lang pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là vai trò chủ chốt của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp. Đồng thời cần có được đầu tư nguồn lực để cấu trúc hạ tầng cơ sở vật chất cho nhà trường theo hình thức xã hội hoá nhằm phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ.

Vấn đề kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp không mới, các trường là nơi cung cấp nguồn nhân lực, doanh nghiệp coi trường như bạn hàng, hai bên đến với nhau có động lực cùng lợi ích và áp lực không hợp tác không thể tồn tại. Tuy nhiên, chỉ khi nào áp lực và động lực song hành, gắn kết mới bền vững, trở thành tự thân và không rơi vào phong trào, các nhà trường phải thay đổi phương thức đào tạo, giảm bớt hàn lâm, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập, để các em được “nhúng mình” vào các doanh nghiệp, như trường y với bệnh viên. Đây là cuộc cách mạng trong đổi mới tư duy quản trị nhà trường – quản trị theo mục tiêu. Từ đó cho thấy, cần tăng cường hơn nữa và đi vào bản chất của việc gắn kết của ba nhà: nhà trường, nhà doanh nghiệp và nhà nước là điều quan trọng nhất với vai trò dẫn dắt của Cơ quan quản lý nhà nước.

Tập đoàn Hòa Bình

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Nguyễn Thu Thuỷ (2017). Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cơ chế thị trường. Đề tài nghiên cứu Khoa học cấp Quốc gia.

– ThS. Nguyễn Thị Minh Huyền (Khoa Quốc tế – Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) trong Giải pháp đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế

– Góc nhìn đại biểu: đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn (Nguồn internet)

http://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=42321#:~:text=Theo%20s%E1%BB%91%20li%E1%BB%87u%20n%C4%83m%202018,300.000%20sinh%20vi%C3%AAn%20ra%20tr%C6%B0%E1%BB%9Dng.

https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/tang-cuong-ung-dung-cntt/Pages/Default.aspx?ItemID=5920