18/11/2020 4:14:03

Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, “con đẻ” hay “con nuôi”?

Cùng là nhà giáo đứng lớp, nhưng nhà giáo giáo dục phổ thông việc nhàn, lương cao, còn nhà giáo giáo dục nghề nghiệp việc nhiều, vất vả hơn, lương lại thấp. Nhiều lúc chúng tôi rất chạnh lòng, không biết giáo viên giáo dục nghề nghiệp là ‘con đẻ hay con nuôi Thầy Bế Ngọc Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bắc Kạn trải lòng.

Thầy Bế Ngọc Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bắc Kạn

Nghề vất vả, lương thấp, chế độ đãi ngộ không nhiều

PV: Vậy cụ thể, theo ông những vất vả hơn của GVGDNN là gì ?

Thầy Bế Ngọc Tuấn: Chỉ riêng khâu tuyển sinh hàng năm, giáo viên giáo dục phổ thông trung học đã không phải vất vả như giáo viên GDNN. Từ xưa đến nay con em các gia đình chúng ta cứ học xong trung học cơ sở là học tiếp lên trung học phổ thông, xong trung học phổ thông là thi vào đại học, mà bây giờ đại học nhiều trường cũng chẳng cần thi.

Thế nên nhà trường trung học phổ thông chẳng cần phải đôn đáo tuyển sinh, cứ ngồi đấy cũng đã có học sinh tự tìm đến mà lương và các chế độ đãi ngộ vẫn đầy đủ. Ngược lại, mùa tuyển sinh là mùa vô cùng vất vả với nhà giáo GDNN.

Đơn cử như trường cao đẳng nghề Bắc Kạn chúng tôi, mỗi đợt đi tư vấn tuyển sinh là các thầy cô phải chia nhau đi các xã, lên tận thôn bản mời phụ huynh, học sinh, lãnh đạo xã, lãnh đạo trường trung học cơ sở, trung học phổ thông xuống thăm quan cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của nhà trường. Thuê ô tô lên xã đón họ đi và đưa về tận nơi. Chi phí mỗi chuyến xe 3 – 4 triệu đồng/ngày. Ăn trưa cho các em học sinh 20.000đ/suất. Cán bộ xã, cán bộ trường 600 -700.000/đồng/mâm (cơm). Rất tốn kém và vất vả vậy mà có chuyến đi về không chẳng tuyển đươc em nào.

Ảnh minh họa: Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp vất vả nhưng phụ cấp đứng lớp lại thấp hơn so với giáo viên giáo dục phổ thông

Về đứng lớp, giáo viên giáo dục phổ thông chỉ lên lớp với giáo án thông thường, nhàn nhã thì hưởng phụ cấp 40% lương tối thiểu, còn GVGDNN giờ đứng lớp là đứng trong xưởng thực hành cùng thiết bị, máy móc và HSSV, kể cả giờ học lý thuyết cũng gắn với nhà xưởng, điều kiện làm việc vất vả hơn. Thầy cô giáo GDNN quanh năm lên lớp với quần áo bảo hộ lao động, có mấy khi thấy áo dài áo ngắn như đi bên GD phổ thông.

Nhà giáo GDNN mỗi tháng còn phải đi thực tế doanh nghiệp 1- 2 tuần để cập nhật kiến thức kỹ năng mới, rồi phải kết nối với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp. Nhiều việc, vất vả như vậy nhưng phụ cấp đứng lớp chỉ  30%, thấp hơn giáo viên giáo dục phổ thông. Rất thiệt thòi cho GVGDNN.

Giáo viên giáo dục nghề nghiệp, “con đẻ” hay “con nuôi”?

PV: Là cơ sở GDNN của một tỉnh miền núi khó khăn, Trường Cao đẳng nghề Bắc Kạn có được hưởng chế độ đặc thù gì không, thưa ông ?

Ông Bế Ngọc Tuấn: Cùng nằm trên một địa bàn, ví như cơ sở 2 của trường chúng tôi nằm sát cạnh Trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh trên một con phố, trong khi trường này được tỉnh đầu tư từ cơ sở vật chất đến con người. Phụ cấp đứng lớp của giáo viên thì 70%, biên chế có từ nhân viên đến bảo vệ. Các chế độ cho giáo viên và cán bộ nhân viên đầy đủ. Lễ, Tết hàng năm được lãnh đạo tỉnh xuống thăm đông viên tưng bừng sôi động, trong khi Trường Cao đẳng nghề Bắc Kạn cũng là trường nội trú, 90% các em HSSV theo học là người dân tộc thì yên ắng quá.

Nhưng tìm hiểu các trường bạn thì cũng vậy. Ngày Lễ, Tết trọng đại hay ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các lãnh đạo thường tới thăm các trường trung học phổ thông, hoặc tôn vinh các thầy cô bên giáo dục chứ ít khi thấy nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được quan tâm như vậy. Nhiều lúc chúng tôi chạnh lòng tự hỏi, không biết giáo viên GDNN chúng mình là “con đẻ” hay “con nuôi” ? Làm việc vất vả, chế độ đãi ngộ thấp nên rất khó tuyển được giáo viên dạy nghề, đặc biệt là những giáo viên giỏi.

PV: Vậy nếu được kiến nghị thì ông kiến nghị gì ?

Ông Bế Ngọc Tuấn: Kiến nghị tăng hệ số lương và phụ cấp đứng lớp cho giáo viên hệ thống giáo dục nghề nghiệp cao hơn hoặc ít nhất là bằng phụ cấp đứng lớp của giáo viên giáo dục phổ thông và có chế  độ đặc thù với giáo viên dạy các nghề độc hại, nguy hiểm, giáo viên các trường nghề dân tộc nội trú nói riêng và các cơ sở GDNN đóng trên địa bàn các tỉnh miền núi khó khăn nói chung.

PV: Xin cảm ơn ông.

Hoàng Quân