Bất chấp nhưng khó khăn hiện tại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều ý kiến tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Cơ hội việc làm ngành Du lịch, Thời kỳ hậu Covid- 19” do Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn chủ trì tổ chức vẫn tỏ ra lạc quan về cơ hội hồi phục của ngành du lịch.
Tại hội thảo, các chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, đại diện khoa Du lịch của một số cơ sở GDNN và các doanh nghiệp sử ngành du lịch cũng chia sẻ thực trạng, cơ hội và thử thách mới khi đại dịch Covid- 19 qua đi đồng thời đưa ra những giải pháp đón đầu để khởi động, thúc đẩy sự phục hồi, tăng trưởng trong bối cảnh hậu Covid- 19.
Lao động ngành du lịch phải chuyển việc để mưu sinh
Theo số liệu thống kê năm 2019, ở thời điểm trước khi dịch Covid- 19 bùng phát, Du lịch Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2%; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6%; tổng thu du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2018. Sự phát triển của các doanh nghiệp khách sạn, cùng hệ thống các cơ sở đào tạo du lịch và đội ngũ những người làm du lịch đã có những bước phát triển vượt bậc.
Tuy nhiên, đại dịch Covid – 19 đã có những tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành du lịch… Các doanh nghiệp lữ hành đều tạm ngừng hoạt động, khách sạn đóng cửa. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế giảm 79,5%, khách nội địa giảm 34%, tổng thu du lịch giảm 58,7%, gần 60% lao động mất việc làm hoặc cắt giảm lao động, công suất phòng các khách sạn chỉ đạt 10- 15%; gần 90% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa.
Đặc biệt, lực lao động trong một số ngành dịch vụ như lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid- 19. Hơn 1/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động. Các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động cắt giảm cao nhất khiến người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp và họ sẵn sàng chuyển nghề để mưu sinh.
Thạc sĩ Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM băn khoăn: “Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng chưa từng có đối với ngành du lịch. Từ năm 2020, hàng trăm nghìn lao động phải hưởng trợ cấp thất nghiệp và các chính sách hỗ trợ có thể hạn chế được sự ‘chảy máu’ nhân lực đang diễn ra, giúp ngành vượt qua được những khủng hoảng nhân lực phải đối diện trong tương lai…
Điều đáng lo ngại là khi dịch bệnh qua đi, du lịch phục hồi, ngành du lịch vốn đã thiếu nguồn nhân lực sẽ trở nên thiếu hụt hơn nữa và khả năng tái thiết lực lượng này sẽ khó khăn. Bởi thực tế, khi người lao động chuyển việc họ sẽ yên tâm gắn bó với công việc mới, thậm chí mức thu nhập còn triển vọng hơn nhiều so với làm nghề du lịch và nguy cơ không quay trở lại rất lớn…
Một trong những giải pháp là các Hiệp hội động viên các doanh nghiệp, cố gắng giữ lực lượng nòng cốt để có thể sớm quy tụ lại sau dịch. Trong lúc khó khăn, các doanh nghiệp du lịch triển khai đào tạo nhân lực (trực tuyến) và từng bước thực hiện công tác chuyển đổi số”.
Tuyển sinh ngành du lịch vẫn hút thí sinh
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Mục tiêu nguồn thu từ khách du lịch tăng trưởng bình quân từ 11-12%/năm, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt từ 15-17%; tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực ngành Quản trị du lịch – Nhà hàng – Khách sạn chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng so với nhu cầu. Việc thu hút, đào tạo và sử dụng nhân lực khối ngành Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn còn hạn chế so với nhu cầu chung.
Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40 nghìn lao động, nhưng lực lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15 nghìn người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ Cao đẳng, Đại học…, nhưng khi làm việc, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo bổ sung kỹ năng, ngoại ngữ.
Điều đáng mừng là bất chấp bối cảnh dịch Covid – 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, mùa tuyển sinh năm nay khối ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ vẫn là sự lựa chọn của nhiều thí sinh. Số liệu của Bộ GD&ĐT về việc đăng ký xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2021 cho thấy đã có 199.166 nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ cá nhân… Trong đó có trên 48 nghìn thí sinh lựa chọn nguyện vọng 1 ở nhóm ngành này.
Áp dụng thí điểm “Hộ chiếu Vaccine” để đón khách Du lịch
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tìm giải pháp đón khách quốc tế trong bối cảnh dịch. Về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, Bộ sẽ triển khai giai đoạn thí điểm đầu tiên bằng việc áp dụng hộ chiếu vaccine, kết hợp với công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn tối đa cho du khách, cũng như người dân địa phương”
Ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành
Trước những yêu cầu phát triển của ngành Du lịch hậu Covid – 19 cũng như mục tiêu, chiến lược đến năm 2030, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực sự có kỹ năng là điều các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo từ sơ cấp đến trung cấp, cao đẳng và đại học đều coi đó là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu.
Trong đó các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia lĩnh vực du lịch được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện. Hoạt động tổ chức đào tạo đã chuyển dần từ cách thức tiếp cận theo quy trình sang tiếp cận theo năng lực; gắn kết đào tạo với phát triển kỹ năng nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo gắn kết chặt chẽ với hoạt động của doanh nghiệp… để có thể đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Với vai trò là cầu nối nguồn nhân lực được đào tạo đến với các doanh nghiệp, Khoa Du lịch Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn không chỉ chú trọng đào tạo kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và thái độ, mà còn đặc biệt chú trọng định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu vào trường giúp sinh viên hiểu biết đúng về ngành nghề mình theo học, từ đó có lộ trình, mục tiêu học tập cụ thể và mang lại hiệu quả.
Theo đó, chương trình đào tạo của Nhà trường được ứng dụng theo định hướng nghề nghiệp (POHE) đã xây dựng lộ trình học tập dành cho sinh viên, gắn liền với thực hành theo khung tiêu chuẩn ASEAN và thực tiễn nghề nghiệp; đào tạo sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng làm được việc ngay trong môi trường làm việc chuyên nghiệp; nguồn nhân lực được đào tạo phù hợp với nhu cầu công việc và yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Chính vì vậy, việc định hướng năng lực nghề nghiệp cho sinh viên yêu thích ngành Du lịch, mong muốn học tập đã được Nhà trường chú trọng thực hiện ngay từ những bước đầu tiếp xúc với học sinh THPT. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn là đơn vị có số lượng sinh viên khoa Du lịch thực tập xuyên Việt nhiều nhất, được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác lập và công nhận.
Tiến sĩ Lê Văn Tấn – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn lạc quan cho biết: “Đối với sinh viên theo học ngành Du lịch, các em cần nhìn ở một tầm xa hơn và có những bước chuẩn bị ngay từ bây giờ. Kinh tế du lịch sẽ nhanh chóng hồi phục và khi đó sẽ cần đến nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có đủ tố chất và kỹ năng để tiếp tục phát triển. Các em sinh viên hãy mạnh dạn và tin tưởng vào sự lựa chọn này nếu các em có niềm đam mê. Buổi Tọa đàm này sẽ giúp các em có cách nhìn tổng quan hơn về dự báo sắp tới, khi mà Covid- 19 không còn là nỗi lo”.
Tiến sĩ Vũ Khắc Chương – Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn
“Ngành Du lịch thời kỳ hậu Covid – 19 vừa mang tính cơ hội, nhưng cũng là thử thách lớn cho các Doanh nghiệp tại Việt Nam. Để đón đầu làn song khôi phục nền kinh tế trong trạng thái bình thường thì du lịch dự báo vẫn là ngành mũi nhọn, bởi nhu cầu dịch chuyển và thưởng thức văn hóa, ẩm thực của khách quốc tế vẫn khá cao. Tại Việt Nam, hiện nay nhiều dự án hoạt động phục hồi du lịch đã dần được khởi động. Tôi cho rằng, bên cạnh nhìn lại toàn cảnh du lịch 2 năm qua, chúng ta cũng nên có dư báo về nguồn nhân lực sắp tới, cũng như đưa ra nhiều mô hình, chương trình hành động mới mẻ hơn. Có như vậy mới mong thu hút được sự quan tâm của lượng khách du lịch quốc tế và nội địa”.
Thu Thủy