17/09/2021 11:48:32

Nên miễn đóng Quỹ Bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp chưa hết khó khăn

TS. Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV trao đổi về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo TS. Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV (nguyên Phó tổng giám đốc Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam – BHXH), hết thời gian tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí, tử tuất (6 tháng) theo Nghị quyết 68/NQ-CP, nên kéo dài chính sách này, thậm chí có thể miễn đóng một thời gian đối với doanh nghiệp chưa hết khó khăn. 

TS. Đỗ Văn Sinh, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV.

Nghị quyết 68/NQ-CP miễn đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong vòng 12 tháng kể từ ngày 1/7/2021. Theo ông, chính sách trên có giảm bớt được nhiều khó khăn cho doanh nghiệp?

Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được ban hành rất kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động với nhiều chính sách thiết thực, trong đó có việc miễn 12 tháng đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đó, việc tạm dừng đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chắc chắn góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng không nhiều.

Bởi lẽ, tổng mức đóng vào 5 quỹ bảo hiểm bắt buộc (do BHXH quản lý) là 32% quỹ tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, trong đó người sử dụng lao động (doanh nghiệp) đóng 21,5%, người lao động đóng 10,5%. Trước thời điểm 31/5/2017, doanh nghiệp phải đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 1% quỹ lương tháng và từ ngày 1/6/2017 trở lại đây chỉ phải đóng 0,5% quỹ lương tháng. Như vậy, tổng số tiền mà doanh nghiệp phải đóng vào các quỹ bảo hiểm bắt buộc được giảm 0,5% trong vòng 12 tháng. Về mặt kinh tế, doanh nghiệp không giảm được nhiều.

Nhưng Nghị quyết 68/NQ-CP còn cho phép tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí, tử tuất trong thời gian 6 tháng. Số tiền đóng vào quỹ này rất lớn, nên việc tạm dừng chắc chắn hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều, thưa ông?

Tổng số tiền mà doanh nghiệp và người lao động đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất là 22% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, trong đó, doanh nghiệp đóng 14%, nên việc tạm dừng đóng quỹ này hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây chỉ là tạm dừng 6 tháng, hết thời hạn, người lao động và doanh nghiệp phải hoàn trả đầy đủ số tiền còn nợ.

Vậy trong thời gian tạm hoãn 6 tháng, nếu người lao động nghỉ chế độ thì giải quyết thế nào?

Người lao động và doanh nghiệp khóa sổ BHXH. Nếu không đóng tiếp số tiền BHXH đang nợ thì chốt sổ tại thời điểm tạm dừng, nếu đóng tiếp thì chốt sổ tại thời điểm đóng tiếp.

Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, theo tôi, người lao động đã đủ thời gian tham gia BHXH, khi nghỉ hưu trong thời gian tạm hoãn đóng Quỹ Hưu trí, tử tuất thì không cần phải đóng tiếp, mà chốt sổ tại thời điểm tạm dừng đóng Quỹ theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Ngược lại, nếu chưa đủ thời gian tham gia BHXH, thì doanh nghiệp và người lao động nên đóng hết số tiền còn đang nợ do được dừng.

Hoạt động của doanh nghiệp vẫn đang hết sức khó khăn do làn sóng Covid-19 thứ tư vẫn rất phức tạp. Thưa ông, sau 6 tháng kể từ khi được tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí, tử tuất, nếu doanh nghiệp vẫn còn khó khăn thì xử lý thế nào?

Bài toán này cần phải được đặt ra và có hướng xử lý ngay từ bây giờ. Luật BHXH cho phép tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí, tử tuất tối đa là 12 tháng, nên hết 6 tháng, tùy tình hình thực tế, Chính phủ có thể tiếp tục kéo dài thời gian tạm hoãn thêm 6 tháng nữa. Về vấn đề này, Nghị quyết 105/NQ-CP (ngày 9/9/2021) về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 đã chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành ngay trong tháng 9 này phải trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư Quỹ BHXH ngắn hạn, nhằm kịp thời hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các đối tượng sử dụng lao động khác.

Theo ông, nên xử lý thế nào?

Mức đóng vào 5 quỹ bảo hiểm bắt buộc đã được quy định cụ thể trong Luật BHXH và Luật Bảo hiểm y tế, nên muốn giảm mức đóng thì phải sửa luật. Quỹ BHXH (5 quỹ bảo hiểm bắt buộc) độc lập với ngân sách nhà nước, nên nếu muốn giảm mức đóng để hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn này, thì ngân sách nhà nước phải bỏ tiền ra đóng thay cho doanh nghiệp và người lao động để bảo đảm quyền lợi cho người lao động khi nghỉ hưu, nghỉ chế độ.

Theo tôi, thời gian tham gia đóng bảo hiểm vừa được kéo dài từ 25 năm lên 30 năm đối với nữ và từ 30 năm lên 35 năm đối với nam, tuổi nghỉ hưu cũng được kéo dài từ 55 tuổi lên 60 tuổi đối với nữ và từ 60 tuổi lên 62 tuổi đối với nam, thì cũng nên tính tới việc giảm mức đóng vào 5 quỹ bảo hiểm bắt buộc, vì hiện tại, tổng mức đóng lên tới 32% quỹ tiền lương, chưa kể công đoàn phí và kinh phí công đoàn. Đây là mức đóng rất lớn của doanh nghiệp.

Trong lúc chưa sửa được luật để giảm mức đóng góp vào Quỹ BHXH thì cần xử lý thế nào trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang rất khó khăn, không có tiền để nộp thay vào Quỹ BHXH cho người lao động và doanh nghiệp, thưa ông?

Ngân sách nhà nước đứng ra “nhận nợ” với Quỹ BHXH tổng số tiền miễn, giảm cho người lao động và doanh nghiệp; sau đó, Bộ Tài chính phát hành trái phiếu cho Cơ quan BHXH. Cách xử lý này đã có tiền lệ và đã chứng minh hiệu quả là ngân sách nhà nước không phải chi ngay số tiền lớn, vẫn bảo đảm nợ công, bội chi, nợ chính phủ trong ngưỡng an toàn.

Cụ thể, ngân sách nhà nước đã từng nợ Quỹ BHXH trên 22.000 tỷ đồng của người lao động từ trước năm 1995 và đến năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết 1083/2015/UBTVQH13 cho phép mỗi năm Bộ Tài chính phát hành trái phiếu chính phủ cho BHXH (thực ra là giấy nhận nợ phải trả lãi hàng năm) cho đến khi hết số nợ 22.000 tỷ đồng.

Theo baodautu.vn