Trao đổi với Nghề nghiệp và Cuộc sống xung quanh vấn đề nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, ông Tô Xuân Giao – Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam cho rằng, từ Chính phủ, doanh nghiệp, nhà trường và bản thân người lao động đều phải có sự thay đổi về tư duy, nhận thức và hành động.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng có nhắc đến khái niệm coi kỹ năng nghề như một loại “tiền tệ quốc tế”, và các quốc gia hay nhỏ hơn là các doanh nghiệp hiện đều phải nỗ lực cải thiện chất lượng nhân lực để giành lợi thế cạnh tranh. Ông nghĩ như thế nào về điều này?
Kỹ năng nghề là một trong các điều kiện tiên quyết cần phải có trong đội ngũ lao động của DN, quy mô DN càng lớn điều này đòi hỏi càng cao hơn. Nguồn nhân lực chất lượng cao khi “chảy” vào bất cứ một DN nào đều quyết định sự phát triển cũng như sự tồn vong của DN. Chính vì vậy, các tập đoàn, DN lớn luôn tìm kiếm nguồn nhân lực giỏi qua các công ty “săn đầu người”, thậm chí trả giá rất cao cho các dịch vụ này. Bên cạnh đó, họ đều rất chú trọng vào các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực lao động với kế hoạch bài bản, đầu tư chiều sâu, cấp học bổng đầu tư cho lao động mới để đảm bảo nguồn lực nhân sự luôn ổn định và tốt nhất có thể.
Ở góc độ quốc gia, khi sự dịch chuyển lao động quốc tế ngày càng mạnh mẽ cũng như xu hướng chuyển dịch công xưởng sản xuất sang các thị trường mới đang trở thành xu thế, quốc gia nào sở hữu lực lượng lao động có kỹ năng nghề tốt, nơi đó sẽ chiến thắng trong cuộc chiến cạnh tranh thu hút đầu tư. Còn đối với Việt Nam, việc Chính phủ đưa phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành 1 trong 3 khâu đột phá trong chiến lược phát triển KT-XH, cũng như lời dẫn của Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho rằng, “nâng cao kỹ năng của lao động là chìa khóa để đưa Việt Nam vươn tới thịnh vượng” đã khẳng định rõ ràng tầm quan trọng của kỹ năng nghề trong bối cảnh hiện tại.
Đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra nhiều thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực lao động việc làm, giáo dục nghề nghiệp khi nhiều ngành nghề mất đi, đồng thời tạo ra nhiều ngành nghề mới. Điều này đòi hỏi từ cơ quan Chính phủ cho đến hệ thống đào tạo, dạy nghề cũng chính bản thân người lao động phải thay đổi, chuẩn bị để thích ứng với tình hình mới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Đại dịch Covid -19 trong suốt hơn 2 năm qua và hiện vẫn chưa dừng lại đã gây ra sức ép nặng nề về mọi mặt cho nền kinh tế không chỉ của Việt Nam mà toàn thế giới. Thị trường lao động cũng đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng bên cạnh đó, ở các ngành, nghề ứng dụng công nghệ mới hay kỹ thuật công nghệ cao lại có sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng giúp nền kinh tế không những thoát khỏi suy thoái mà còn đi vào tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững.
Với ngày càng nhiều các ngành nghề mới ra đời, nhiều ngành nghề áp dụng khoa học kỹ thuật cao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…, thị trường lao động đã và sẽ ngày càng có sự phân hóa theo hai nhóm kỹ năng. Kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/thu nhập cao.
Điều này tạo ra sự đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp, thậm chí là cả những lao động có trình độ bậc trung nếu họ không nhanh chóng cập nhật, trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu công việc.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đặc biệt là đại dịch Covid-19 khiến cho không chỉ Việt Nam, mà ngay cả nhiều nước phát triển cũng gặp không ít khó khăn, lúng túng khi thay đổi toàn bộ cục diện nền kinh tế và thị trường lao động một cách nhanh chóng, trong khi các quốc gia thiếu sự chuẩn bị dài hơi. Việc chênh lệch nguồn cung và nhu cầu nhân lực thông thường đã là bài toán khó giải, huống gì hiện nay nó ảnh hưởng tới cả các hoạt động của Chính phủ và của DN…
Việc mất đi một số nghề và khai sinh nhiều nghề mới trên thị trường lao động đòi hỏi từ sự thay đổi mang tính hệ thống, từ Chính phủ, doanh nghiệp, nhà trường và đến bản thân người lao động về kỹ năng lao động.
Đáng mừng là Chính phủ Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đã nhìn nhận được vấn đề và có sự chuẩn bị nhất định, hiện thực hóa bằng việc phê duyệt Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, với mục tiêu đến năm 2030 một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%.
Về phía DN, theo tôi đây sẽ phải nhân tố mang tính dẫn dắt, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo và chuẩn bị đào tạo cho các ngành nghề mới, bởi là người sử dụng lao động, DN hiểu hơn ai hết về những yêu cầu kỹ năng cần có đối với lao động cũng như nhu cầu của họ về số lượng lao động.
Là tổ chức xã hội nghề nghiệp quy tụ các hội viên là những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam đã có những hoạt động gì để đóng góp vào sự nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, cũng như hỗ trợ khối DN nói riêng trong việc thu hút, đào tạo, tuyển dụng nguồn lao động có kỹ năng nghề cao?
Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam thường xuyên được các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động – việc làm, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp như Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN… mời tham gia phản biện, lấy ý kiến đóng góp xây dựng các cơ chế chính sách, đóng góp sửa đổi luật hay các văn bản dưới luật liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, lao động, việc làm.
Vừa qua, trong nhiệm kỳ2020-2025, Hiệp hội cũng đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng các đề án như: Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; Dự thảo Quyết định Phê duyệt Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam giai đoạn 2020-2030 của Thủ tướng Chính phủ; tham gia đóng góp ý kiến với Chính phủ đề nghị được dạy văn hóa trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Bên cạnh đó, Hiệp hội luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện mở rộng việc kết nối, liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các DN; gia tăng quan hệ hợp tác quốc tế với các nước có nền giáo dục, dạy nghề phát triển như CHLB Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Úc…, đưa giảng viên, du học sinh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi học, thực tập và làm việc tại nước ngoài.
Mới đây, Hiệp hội cũng đã có Quyết định phê duyệt thành lập Văn phòng đại diện tại TP.HCM nhằm tăng cường hơn nữa công tác truyền thông trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, lựa chọn các trường đã có đội ngũ giáo viên đã qua đào tạo đánh giá kỹ năng nghề, các trường có giáo viên dạy giỏi, tập thể giảng viên có trình độ năng lực phát triển…, nhằm định hướng cho các tập thể, cá nhân tham gia đăng ký các nghề có trong danh sách nghề chuẩn bị cho công tác thành lập Trung tâm Kỹ năng nghề của các trường, tham gia Hội đồng Kỹ năng nghề địa phương, vùng hoặc khu vực…
Cám ơn ông đã chia sẻ!
Uyển Nhi