05/10/2020 10:27:55

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời số hóa là yêu cầu thiết yếu

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn với Việt Nam do thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ảnh minh họa.

“Nhiều đợt chuyên gia, cán bộ đào tạo của Hiệp hội chúng tôi khi xuống tới doanh nghiệp phản hồi trở lại là: rất ít người lao động có hiểu biết căn bản về năng suất, chất lượng, trong khi họ mới chính là lực lượng chủ chốt, thường xuyên để phát hiện và cải tiến những vấn đề tồn tại của doanh nghiệp mình. Mặt khác, số lượng chuyên gia có am hiểu sâu lại không nhiều, vì vậy họ không thể cáng đáng hết 800.000 doanh nghiệp trên cả nước”, TS. Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam (VINASME) cho biết.

Cũng theo TS. Thân, trước thực trạng của nước ta về thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và nhân lực phục vụ cho nâng cao năng suất doanh nghiệp nói riêng, cần có những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cụ thể, về công tác đào tạo học sinh ra trường, Chính phủ nên tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực dạy nghề, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng học sinh ra trường có tay nghề cao (bao gồm cả kinh nghiệm thực tế doanh nghiệp). Chỉ khi lao động có tay nghề cao và kiến thức thực tế họ mới nhìn ra những vấn đề còn bất cập của doanh nghiệp.

Cần tập trung nguồn lực vào phát triển 3 vấn đề cốt lõi: Đào tạo chuyên gia, truyền thông và hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo người lao động.

Về công tác đào tạo chuyên gia, Chính phủ nên có chương trình hỗ trợ đào tạo trong và ngoài nước cho các tư vấn viên về năng suất, chất lượng để có nhiều hơn các chuyên gia trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Chính phủ nên xây dựng một bảng lương “vượt trội” để khuyến khích lực lượng lao động chất lượng cao.

Về công tác truyền thông và hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ nên thông qua các Hiệp hội (cần có kinh phí hỗ trợ) để trực tiếp tư vấn các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp; đồng thời trực tiếp xuống hiện trường để cải tiến, đào tạo cho doanh nghiệp và người lao động.

Về công tác đào tạo người lao động, các doanh nghiệp cần liên kết với các trường dạy nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm cho lực lượng lao động, thậm chí có đơn đặt hàng cụ thể cho doanh nghiệp mình.

Bên cạnh đó, ông Thân cũng cho biết thêm, phát triển khoa học công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất nhằm nâng cao năng suất nền kinh tế. Ông đưa ra kiến nghị: Chính phủ, nhất là Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Thông tin & Truyền thông cần có lộ trình phát triển khoa học công nghệ Quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh.

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh; thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp, nông nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Theo Vietq