Năm 2023, nhiều trường mở thêm ngành học mới và tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành liên quan lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ số
Lý giải việc mở thêm ngành học, đại diện các cơ sở giáo dục đại học cho biết các ngành này có tính mới, phù hợp bối cảnh hiện tại là công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ở những ngành này đang trở nên ngày càng cấp thiết.
Kinh tế, công nghệ “lên ngôi”
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỉ lệ cao nhất – 24,54%; máy tính và công nghệ thông tin đứng thứ 2 với 11,79%; công nghệ kỹ thuật 9,18%; nhân văn 8,68%; sức khỏe 6,35%; sư phạm 5,09%…
Ông Trần Mạnh Hà, Trưởng Phòng Đào tạo – Học viện Ngân hàng, cho biết năm nay, nhà trường đưa vào 4 chương trình đào tạo mới là ngân hàng số, công nghệ tài chính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản trị du lịch. Theo ông Hà, trước khi mở ngành mới, nhà trường đã nghiên cứu rất kỹ nhu cầu của thị trường lao động, các đơn vị tuyển dụng trong nhiều năm tới về nguồn nhân lực chất lượng cao. Trường thấy rằng 4 chương trình đào tạo trên nhận được sự quan tâm đặc biệt lớn của thị trường tuyển dụng.
Ông Hà cho hay có 2 ngành liên quan nhiều đến lĩnh vực chuyển đổi số của ngân hàng. Đó là chương trình đào tạo về ngân hàng số và công nghệ tài chính, mang tính đào tạo liên ngành – tức là không mang tính truyền thống thuộc một ngành cụ thể mà sẽ liên ngành giữa ngân hàng, tài chính với công nghệ thông tin.
Trong khi đó, năm 2023, ĐHQG Hà Nội có thêm 4 ngành mới. Đó là ngành cử nhân văn hóa truyền thông đa quốc gia của Trường ĐH Ngoại ngữ; cử nhân thiết kế sáng tạo của Khoa Các khoa học liên ngành; 2 ngành kỹ sư của Trường ĐH Việt Nhật là công nghệ thực phẩm và sức khỏe, kỹ thuật công nghệ cơ – điện tử.
Hỗ trợ các ngành quan trọng nhưng khó tuyển
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy trong 3 năm liền (2020 – 2022), 4 lĩnh vực nông – lâm nghiệp – thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất. Cụ thể, nông – lâm nghiệp – thủy sản đạt 49,1%, khoa học sự sống 57,92%, khoa học tự nhiên 59,43% và dịch vụ xã hội 61,36%.
Phân tích về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng tỉ lệ nhập học chênh lệch giữa các ngành, lĩnh vực đào tạo xuất phát phần lớn từ nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Ngành nào có nhu cầu nhân lực lớn thì thí sinh lựa chọn nhiều.
Tuy nhiên, có những ngành, lĩnh vực quan trọng của đất nước nhưng ít được người học quan tâm. Nguyên nhân có thể là do việc học trong các lĩnh vực này rất khó, cần nhiều trang thiết bị hoặc khâu truyền thông chưa làm tốt nên thí sinh chưa hiểu rõ về cơ hội nghề nghiệp để lựa chọn theo học.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các trường đại học cần quan tâm ngành nghề gì thật sự đang có nhu cầu lớn, khảo sát để nắm bắt số liệu, xây dựng chính sách đào tạo và tuyển sinh. Bên cạnh đó, các trường đại học, trường phổ thông và xã hội cần đẩy mạnh truyền thông, hướng nghiệp cho học sinh để các em hiểu rõ về các ngành đang rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước.
Ông Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng cơ quan nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ các ngành quan trọng như toán học, khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ để giảm bớt khó khăn cho sinh viên nhập học. Từ đó, tạo ra sự cân đối trong việc phát triển ngành nghề, đặc biệt là những ngành thiết yếu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
ĐHQG Hà Nội tuyển 15.600 chỉ tiêu
GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo – ĐHQG Hà Nội, cho hay năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh vào ĐHQG này là 15.600, tăng hơn 10% so với năm 2022. Bên cạnh những ngành mới được mở đáp ứng yêu cầu xã hội, nhiều cơ sở thuộc ĐHQG Hà Nội cũng có định hướng để trở thành một trường ĐH liên ngành về đổi mới sáng tạo…
Đối với thí sinh theo học khối các ngành khoa học cơ bản, ĐHQG Hà Nội vẫn tiếp tục có chính sách đặc biệt, như hỗ trợ hoàn toàn học phí, hỗ trợ kinh phí 2 triệu đồng/tháng và miễn phí chỗ ở trong ký túc xá. Năm nay, ĐHQG Hà Nội sẽ giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2022
Theo NLĐ