22/09/2020 9:57:05

Miệt mài giữ “lửa nghề”, mang niềm vui cho trẻ em trong đêm hội Trăng rằm

Đã là những ngày cận kề mùa Tết Trung thu 2020, những người thợ thủ công lành nghề của thôn Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đang khẩn trương hoàn thành nốt những đơn hàng đồ chơi Trung thu như: Trống, mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử… để kịp cung cấp cho thị trường.

Hàng trăm năm qua, những sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống của người dân thôn Ông Hảo đã đến với mọi miền đất nước, mang thêm niềm vui cho trẻ em trong những đêm hội trăng rằm. Theo chia sẻ của những người thợ ở đây, việc sản xuất đồ chơi Trung thu diễn ra quanh năm, sau đó sẽ dồn các sản phẩm vào khoảng thời gian gần tháng Tám để có thể kịp sản xuất ra thị trường.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng đặt hàng có giảm, dẫu vậy đam mê, tâm huyết và tình yêu của người thợ thủ công vẫn được gửi gắm tròn đầy trong mỗi sản phẩm làm ra

Để giữ được chỗ đứng trên thị trường đồ chơi, người thợ thôn Ông Hảo đã kịp thời nắm bắt thị hiếu của người dùng, cải tiến mẫu mã sản phẩm đồ chơi truyền thống ngày càng đa dạng và bắt mắt hơn. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như: Mặt nạ, ông Địa, chú Tễu,…thợ làng nghề còn sáng tạo thêm các loại mặt nạ 12 con giáp, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, cô Tiên, công chúa,.. với nhiều cảm xúc như cười mỉm, cười lớn, hung dữ, nhăn nhó, tức giận,…rất ngộ nghĩnh.

Cơ sở sản xuất đồ chơi trung thu của ông Vũ Huy Đông và bà Vũ Thị Hạnh nổi tiếng với tuổi đời gần 40 năm, là một địa chỉ cung cấp sỉ mặt hàng trống gỗ, đầu lân và mặt nạ giấy bồi cho các trường mầm non và cửa hàng bán lẻ trong nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Ông Vũ Huy Đông cho biết, mặt nạ giấy bồi được làm từ các loại giấy, bìa, kết dính từ hồ dán làm bằng bột sắn nên rất thân thiện với môi trường và an toàn cho trẻ nhỏ. Để hoàn thiện một chiếc mặt nạ giấy bồi phải trải qua nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ, trong đó khó nhất là công đoạn sơn vẽ mặt nạ sẽ do chính tay vợ chồng ông hoàn thiện. “Mỗi nhân vật mang một nét tính cách, kể một câu chuyện, truyền tải một thông điệp khác nhau. Nét vẽ phải chuyển tải được cái hồn của nhân vật, vì thế đòi hỏi người thợ phải am hiểu văn hóa dân gian đồng thời cũng cần đón bắt được tâm lý của trẻ thơ”.

Cũng theo ông Đông, nhiều năm trở lại đây, làng Hảo thường xuyên được đón các đoàn khách đến thăm quan. Trong đó, có nhiều đoàn là các cháu học sinh về tham quan, trải nghiệm các công đoạn làm và tô vẽ mặt nạ giấy bồi. Dịp Tết Trung thu, nhiều trường học cũng đặt mua các loại mặt nạ giấy bồi trắng về cho học sinh tô vẽ, trải nghiệm.

“Ngày trước, việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm chủ yếu qua “truyền miệng”, người này mách người kia hoặc tôi phải trực tiếp đến các cửa hàng đồ chơi giới thiệu sản phẩm. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, người thợ làng Hảo có thêm nhiều cách thức để giới thiệu sản phẩm đến thị trường như tuyên truyền qua Facebook, Zalo. Xưởng chỉ cần chụp ảnh, gửi mẫu sản phẩm qua mạng xã hội, các cửa hàng chốt số lượng và thanh toán qua tài khoản ngân hàng rất tiện lợi. Số lượng đơn hàng vì thế cũng ngày càng nhiều hơn”, ông Đông phấn khởi chia sẻ.

Mỗi mùa Trung thu, cơ sở sản xuất của gia đình ông Đông thu về cả trăm triệu đồng. Trừ chi phí nguyên vật liệu, nhân công, số tiền còn lại cũng đủ để ông bà trang trải các khoản chi tiêu trong nhà, còn gom góp dành dụm được để cải tạo nhà cửa, mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài việc mang lại thu nhập cho gia đình, xưởng sản xuất của ông đông còn góp phần tạo công ăn việc làm cho 7-8 lao động trong làng. Mỗi ngày công tùy số lượng, tính chất công việc, mỗi người sẽ được trả công với số tiền từ 150 -200 nghìn đồng. Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều hộ không còn ruộng để canh tác, khoản thu 4-5 triệu đồng/ tháng từ sản xuất mặt nạ giấy bồi là một nguồn thu nhập đáng kể đối với nhiều lao động.

“Mỗi người gắn bó với một nghề trước hết là để mưu sinh, nhưng quá trình làm nghề, gắn bó với nghề, ngoài chuyện mưu sinh còn tình yêu và trách nhiệm với nghề nghiệp. Thế hệ cha ông của chúng tôi đã làm nghề mặt nạ giấy bồi, đời chúng tôi tiếp nối, sau này truyền lại cho cháu con”, ông Đông tin tưởng nói.

Những món đồ chơi trung thu truyền thống không chỉ đơn thuần mang đến niềm vui cho trẻ em trong đêm hội Trăng rằm mà còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng tâm hồn Việt, như một lời nhắn nhủ, lời chúc thầm lặng và sâu sắc của cha ông ta với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học.

Bài và ảnh: Lưu Hồng Sơn