“Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương mất mát lớn lao vẫn còn đọng lại trong tâm trí mỗi chúng ta, nhất là với các Mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng người từng “bao lần tiễn con đi, bao lần khóc thầm lặng lẽ”. Sự hy sinh cao cả và kiên trung của các mẹ chính là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau đời đời ghi ơn, tri ân và biết ơn sâu sắc” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sáng nay 25/7/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia đã diễn ra chương trình “Gặp mặt Đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Chương trình đã mang đến nhiều cảm xúc, xen lẫn vui mừng và xúc động với sự góp mặt của 300 mẹ đại diện cho 5.000 mẹ Việt Nam anh hùng trên cả nước. Chương trình do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội và nhiều ban, ngành đoàn thể khác tổ chức.
Những người Mẹ Việt Nam anh hùng cao cả, nhân hậu, thầm lặng với nỗi đau mất chồng, mất con, mất cháu nơi chiến trường, dệt thêu nên những trang sử hào hùng, chói lọi của mảnh đất hình chữ S. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sự cống hiến hy sinh của các anh hùng liệt sĩ trong kháng chiến là vô cùng to lớn song nỗi đau và sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ ở hậu phương cũng không thể diễn tả hết bằng lời, Thủ tướng xúc động mượn lời thơ của nhà thơ Tố Hữu “Con đi trăm núi ngàn khe/ Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm/ Con đi đánh giặc mười năm/ Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi”.
Phát biểu trong buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm động và vui mừng khi 300 Mẹ Việt Nam anh hùng đã có mặt dù đa số các mẹ đều đã ở độ tuổi 80-90, đặc biệt có mẹ đã 104 tuổi, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn. “Dù sức khỏe không còn tốt, nhưng các mẹ đã không quản ngại đường sá xa xôi về Hà Nội tham dự hoạt động rất có ý nghĩa này”, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các bộ ngành lần đầu tiên tổ chức buổi gặp mặt đại biểu Mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tích cực thực hiện các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn…
“Đặc biệt việc chăm lo, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Đến nay, sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Đảng, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng 139.275 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó hiện có 4.962 mẹ còn sống đang được các cơ quan, tổ chức và gia đình phụng dưỡng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: “Đến nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương mất mát lớn lao vẫn còn đọng lại trong tâm trí mỗi chúng ta, nhất là với các Mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng người từng “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Sự hy sinh cao cả kiên trung của các mẹ chính là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau đời đời ghi ơn, tri ân và biết ơn sâu sắc”
Trong thời gian tới Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn; xác định việc thực hiện chính sách người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Cũng trong buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trân trọng đón nhận tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dành cho các Mẹ, đồng thời, bộ trưởng cũng báo cáo về công tác chăm sóc người có công và phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng trong suốt thời gian qua.
“Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, những người Mẹ Việt Nam anh hùng nhân hậu, tần tảo, thầm lặng với nỗi đau mất chồng, mất con nơi chiến trường để dệt thêu nên những trang sử hào hùng, chói lọi của mảnh đất hình chữ S. Những người Mẹ chấp nhận chia ly, tiễn chồng, con lên đường để rồi ngày đêm lặng lẽ chăm sóc gia đình, làm kinh tế; làm hậu phương cho tuyến đầu. Những người Mẹ không ngại hiểm nguy, âm thầm nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, tiếp lương, tải đạn. Những người Mẹ trực tiếp đối mặt với quân thù, đánh giặc, bị giặc bắt, tra tấn, tù đày,… Những người Mẹ âm thầm nuốt nước mắt vào trong, cạn khô dòng lệ khi “bao lần tiễn con đi, bao lần khóc thầm lặng lẽ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Những ký ức “đau đớn đầy oanh liệt” trong tâm trí Mẹ Việt Nam anh hùng
Tại buổi gặp mặt, mẹ Lê Thị Bê, 83 tuổi (ngụ xã Tân Phước Tây, Tân Trụ, Long An) xúc động chia sẻ: Chồng hy sinh từ năm 1968, trong suốt những năm chống Mỹ, mẹ vừa một mình nuôi con vừa nuôi giấu cán bộ, từng bị địch bắt tra tấn dã man, và bị đày ra Côn Đảo năm 1974. Trong không khí đầy xúc động, mẹ Lê Thị Bê nhớ lại mỗi buổi sáng khi còn ở Côn Đảo bị địch bắt đi chào cờ của chúng, nhưng mẹ quyết không đi, còn vận động chị em quyết không nghe theo lời địch
“Chúng vẫn bắt mẹ thực hiện, nhưng mẹ không sợ vẫn quyết không chào cờ địch, mẹ còn vận động chị em khác làm theo. Cuối cùng nó bắt mẹ lên tòa án, nhưng mẹ không đi, với lý do mẹ không làm gì sai. Không làm gì được, chúng bỏ đói, không cho mẹ ăn cơm. Khi chúng sợ mẹ chết, chúng cho mẹ ăn. Tuy không no nhưng cũng đủ sức để mẹ vượt qua những ngày bị giam ở Côn Đảo”, mẹ Lê Thị Bê nhớ lại.
Bên cạnh dòng hồi tưởng đầy xúc động về những ký ức đó, các mẹ cũng bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi nhận được sự quan tâm từ Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, chăm lo chu đáo, đưa các mẹ đến Thủ đô dự lễ…
Phẩm chất của người mẹ tạo nên phẩm chất người lính – Dân tộc đứng lên là đứng theo dáng mẹ
Cảm nhận sâu sắc nỗi đau khi có mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng, nhà văn Chu Lai chia sẻ, phẩm chất của những người Mẹ Việt Nam anh hùng tạo nên phẩm chất của những người lính, tạo nên những kỳ tích mà không phải quốc gia nào cũng có. Và đó là phẩm chất dân tộc, phẩm chất dân tộc này muôn đời con cháu phải tự hào.
“Những bà mẹ đó như mang hình dáng của bản đồ Tổ quốc, bản đồ Việt Nam hình chữ S giống vô cùng hình dáng một bà mẹ cong người ra biển Đông để che nắng, che gió cho những đứa con ở lại đất liền. Hình hài non sông, phẩm chất của người mẹ, chính đấy là niềm tự hào, chính đấy tạo nên phẩm chất và vóc dáng của dân tộc mình”, nhà văn Chu Lai chia sẻ
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xúc động phát biểu: “Danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là vầng sáng lung linh tôn quý, là sự ghi nhận của Tổ quốc với công lao to lớn và sự hy sinh vô bờ bến của các Mẹ. Các mẹ đang ngồi đây là hiện thân của một dân tộc anh hùng; mẹ Lê Thị Hự ở Ninh Thuận có chồng và 3 con là liệt sĩ, bản thân mẹ còn mang trên mình vết thương chiến tranh để lại; mẹ Nguyễn Thị Đỗ ở thành phố Đà Nẵng, 104 tuổi, mẹ Nguyễn Thị Hữu ở Tiền Giang vừa là Mẹ Việt Nam anh hùng, vừa là thương binh, mẹ tham gia cách mạng từ rất sớm, nhiều lần bị địch bắt tù, đày, tra tấn dã man vẫn một lòng kiên trung với cách mạng…”
Buổi gặp mặt có ý nghĩa to lớn, nhắc nhở thế hệ sau rằng công tác chăm sóc người có công với cách mạng tiếp tục là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài; là tình cảm, lương tâm và trách nhiệm của mỗi tổ chức, mỗi người dân đất Việt. Huy động mọi nguồn lực xã hội trong phong trào đền ơn đáp nghĩa; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống cách mạng, sự đóng góp hy sinh của những người và gia đình người có công; đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa để thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh thiếu nhi… qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ.
Thúy Anh