16/10/2020 4:10:20

Linh hoạt trong hỗ trợ học nghề cho nạn nhân nạn mua bán người

“Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trong Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ sẽ được sửa đổi linh hoạt hơn, để nạn nhân bị mua bán thuận lợi tiếp cận, thụ hưởng”.

Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thùy Dương thông tin tại Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người.

Chế độ hỗ trợ học nghề, vay vốn chưa phát huy hiệu quả

Hỗ trợ học văn hóa, học nghề và hỗ trợ vay vốn là 2 trong số các chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán đã được quy định trong Luật Phòng, chống mua bán người. Các chế độ hỗ trợ này nhằm giúp nạn nhân có công ăn việc làm ổn định, sớm hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên so với các chế độ khác, chế độ hỗ trợ học nghề, hỗ trợ vay vốn hiện chưa phát huy hết hiệu quả trong thực tiễn. Theo thống kê chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố, từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2019, ngành LĐ- TB& XH đã tiếp nhận, hỗ trợ 2.961 nạn nhân. Trong đó, mới chỉ có 103 người được hỗ trợ học văn hóa, học nghề; 72 người vay vốn sản xuất.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Anh Tuấn

Lý giải nguyên nhân, bà Nguyễn Thùy Dương cho biết: Hầu hết nạn nhân trở về muốn tìm việc làm ngay để có thu nhập trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

“Có trường hợp nạn nhân muốn học nghề nhưng khó tổ chức được lớp do nạn nhân trở về vào các thời điểm khác nhau mà các lớp học nghề tại địa phương không mở thường xuyên. Khi đối tượng về thì chưa có lớp, khi có lớp thì nạn nhân lại rời khỏi địa phương vì họ phải đi kiếm sống hoặc có thể không thích/hoặc không phù hợp học nghề đó”, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thông tin.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ kinh phí theo quy định để nạn nhân tự học nghề cũng không khả thi do mức hỗ trợ không đủ, nạn nhân không có thêm tiền bù vào để học.

Đồng tình, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Hội LHPN Việt Nam) cho biết, Nghị định hiện hành quy định nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được miễn học phí và hỗ trợ chi phí theo quy định của pháp luật. Nhiều người đã không làm đơn xin xác nhận hồ nghèo, bởi lo sợ sự kỳ thị của cộng đồng nên không có cơ hội tiếp cận dịch vụ này.

Bên cạnh đó, mức trợ cấp ban đầu thấp (1.000.000 VNĐ) chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của người bị mua bán so với giá cả thị trường hiện nay.

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Giám đốc trung tâm Phụ nữ và phát triển. Ảnh Anh Tuấn

Cũng theo bà Hiền, hoạt động dạy nghề, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho nạn nhân còn gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa của nạn nhân thấp, nhiều trường hợp không đáp ứng được yêu cầu học nghề. Một số trường hợp, nạn nhân bị mua bán trở về còn trong độ tuổi vị thành niên khó tiếp cận được chương trình hỗ trợ học nghề và vốn sản xuất…

“Nới” điều kiện thụ hưởng

Khắc phục những bất cập của Nghị định số 09 hiện hành, Dự thảo Nghị định thay thế đã sửa đổi một số quy định về điều kiện của các đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ về học phí, chi phí học tập, hỗ trợ tiền trợ cấp khó khăn ban đầu và hỗ trợ học nghề, nhà ở.

Dự thảo Nghị định bỏ điều kiện nạn nhân thuộc hộ nghèo mới được miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu. Theo đó, quy định tất cả các nạn nhân, nếu có nhu cầu và đề nghị thì đều được miễn học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hưởng hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu.

Dự thảo cũng quy định cụ thể đặc thù của đối tượng là nạn nhân mua bán người được hỗ trợ học nghề. Nạn nhân có nhu cầu học nghề được bố trí học nghề hoặc hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Mức hỗ trợ theo chi phí đào tạo nghề tương ứng tại các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương.

Tại Nhà Nhân Ái, các nạn nhân được học nghề miễn phí. (Ảnh: baolaocai)

Ngoài những điều chỉnh về chế độ hỗ trợ học nghề, Dự thảo Nghị định mới cũng bổ sung một số chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán như: Hỗ trợ y tế và tâm lý cho nạn nhân tại cộng đồng; Hỗ trợ chi phí đi lại cho cán bộ đưa nạn nhân về nơi cư trú; Hỗ trợ chi phí đi lại cho nạn nhân là người nước ngoài trở về nước và chi phí cho người phiên dịch, người có trách nhiệm đưa nạn nhân là người nước ngoài ra bến xe để hồi hương;

Hỗ trợ chi phí thuê phiên dịch đối với nạn nhân là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp cận, xác minh, xác định nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân; Trợ cấp khó khăn ban đầu; Hỗ trợ sửa chữa nhà ở đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khóa khăn có nhà ở bị hư hỏng…

Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Thùy Dương cho biết, Dự thảo Nghị định sau khi lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện sẽ được trình Chính phủ vào tháng 11/2020.

Hải An