Đào tạo trực tuyến là một xu hướng phát triển mới của lý luận dạy học hiện đại trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều đó đặt ra nhu cầu phải nghiên cứu có hệ thống những vấn đề lý luận về đào tạo trực tuyến trong bối cảnh hiện nay.
Trong tương lai, đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp đào tạo trực tuyến sẽ trở thành một kênh dạy học chính thức tồn tại song hành cùng với dạy học trực tiếp. Đào tạo trực tuyến sẽ có bước phát triển mới đa dạng và phong phú hơn. Nhiều môn học, nhiều nội dung dạy học sẽ được số hóa và đưa vào giảng dạy trực tuyến thường xuyên của các trường nghề. Điều đó đặt ra nhu cầu phải nghiên cứu tìm ra các giải pháp đi trước, đón đầu sự phát triển của đào tạo trực tuyến đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hòa trong không khí hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (ngày 10/10), với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN tại TP.HCM, Hội GDNN TP đã tổ chức Hội thảo “ Thực trạng và giải pháp quản lý hoạt động đào tạo trực tuyến tại cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh toàn cầu hóa” tại trường CĐ Công Nghệ Thủ Đức, Tp.HCM vào sáng ngày 10/10/2023.
Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, các diễn giả, các giáo viên và các nhà quản lý giáo dục nghề nghiệp tham gia tranh luận làm rõ các vấn đề khoa học liên quan đến đào tạo trực tuyến tạo sự quan tâm nhiều hơn đến đào tạo trực tuyến. Với trên 30 bài báo cáo tham luận, với mục đích nhằm nghiên cứu phát triển cơ sở lý luận; đánh giá thực trạng; đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động đào tạo trực tuyến trong các trường cao đẳng, trung cấp. Do đó, những báo cáo, tham luận của các nhà khoa học và giáo viên tại hội thảo chính là cơ hội để các đơn vị, trường học học tập lẫn nhau.
Điều đó được khẳng định ở các mục tiêu cụ thể tại Hội thảo như : Tiếp tục phát triển những vấn đề lý luận của đào tạo trực tuyến ở các trường nghề đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Đánh giá thực trạng quản lý hoạt động đào tạo trực tuyến ở các trường trường nghề hiện nay nhằm rút ra ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của thực trạng đó. Bên cạnh đó cũng đề xuất các phương án, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động đào tạo trực tuyến trường nghề trong bối cảnh mới.
Hội thảo cũng đề xuất hệ thống giải pháp giúp nâng cao chất lượng quản lý đào tạo trực tuyến ở các trường nghề, góp phần thực hiện đổi mới giáo dục theo xu hướng số hóa, công nghệ hóa. Sản phẩm nghiên cứu của hội thảo có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, cán bộ quản lý, giáo viên ở các nghề và những người quan tâm đến vấn đề này.
Theo Ths Đỗ Hữu Khoa, viện trưởng Viện Đại học trực tuyến, chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, sự chủ động đầu tiên cần đến từ đội ngũ giảng viên. Giảng viên là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Đây là đội ngũ trực tiếp giảng dạy, do đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tích cực tổ chức các khóa bồi dưỡng, khuyến khích, tạo động lực cho giảng viên học hỏi, tích lũy kỹ năng sử dụng công nghệ.
Giảng viên cần trang bị cho mình những kỹ năng mới để tổ chức hoạt động giảng dạy, duy trì sự chú tâm của người học, tổ chức các hoạt động dạy học cho người học trên không gian ảo được hiệu quả. Sinh viên cần nâng cao tính chủ động, sáng tạo và hứng thú học tập, tìm hiểu cập nhật thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng quan điểm trên, Ths Tô Huỳnh Thiên Trường, chuyên gia trưởng quốc gia và ASEAN nghề lắp cáp mạng thông tin, Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành cho biết, rất nhiều sinh viên sau khi ra trường có nhu cầu sao lưu kết quả học tập từ sổ gốc của trường. Việc sinh viên phải di chuyển nhiều lần để thực hiện sao lưu gây mất thời gian. Đó là lý do để trường triển khai kế hoạch số hóa dữ liệu của sinh viên từng năm học và cung cấp dịch vụ quản lý đào tạo cho người có nhu cầu. Ngoài việc xây dựng website đăng ký tuyển sinh, nhập học trực tuyến dành cho tân sinh viên, trường còn thực hiện số hóa dữ liệu gốc, cung cấp dịch vụ quản lý đào tạo, hỗ trợ sinh viên đã tốt nghiệp.
Thực tế, trước đây do tác động của đại dịch Covid-19, hệ thống giáo dục cả nước nói chung đã chuyển sang dạy học trực tuyến. Các hoạt động dạy học tuyến bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn thiếu tính hệ thống, đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Điều đó đặt ra nhu cầu phải nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thực trạng, tìm ra nguyên nhân của ưu điểm, hạn chế và rút ra các bài học thực tiễn trong dạy học trực tuyến.
Trong những năm qua, nhiều dự án, nội dung đầu tư của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có nội dung chuyển đổi số. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn “mạnh ai, nấy làm”, chưa có định hướng hoạt động cụ thể. Để thực hiện bài bản, Tổng cục Dạy nghề đã định hướng các nhóm giải pháp để triển khai Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, Ths Lâm Văn Quản, quá trình chuyển đổi số sẽ tác động lớn đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, chuyển đổi số sẽ tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành trong của các cơ quan quản lý nhà nước, hướng đến cách thức quản lý và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn. Cùng với đó, tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thay đổi cách quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cách dạy của giáo viên, cách học, cách thực hành kỹ năng nghề của học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ môi trường truyền thống lên môi trường số.
Chia sẻ ý kiến, các đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP. HCM cho biết đã từng bước áp dụng chuyển đổi số song khó khăn về kinh phí đầu tư khiến nhiều trường chưa thể “mạnh tay”. Ngoài ra, các đại biểu cho rằng các lớp học chuyển đổi số dành cho sinh viên cần đa dạng hơn, tránh khuôn mẫu, chỉ tương tác một chiều. Phía giáo viên cũng cần đa dạng hóa tài liệu học tập, môi trường học linh hoạt, tăng cường thực hành, đánh giá và phản hồi sau mỗi bài học…
Tại phần thảo luận, Hội thảo cũng đã “mổ xẻ” nhiều vấn đề chuyên môn như : Mục tiêu là trang bị kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm, hình thành kỹ năng trong quản lý hoạt động dạy học trực tuyến (DHTT), thông qua việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho CBQL, GV, NV tham gia hoạt động DHTT; Đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng của CBQL, GV, NV trong cơ sở GDNN, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về hoạt động DHTT của đội ngũ CBQL, GV, NV trong cơ sở GDNN…
Dễ dàng nhận thấy, việc đào tạo trực tuyến cho các trường dạy nghề ở Việt Nam đang nổi lên như một cơ hội quan trọng và đồng thời là một thách thức lớn. Trong bối cảnh chuyển đổi nhanh chóng của giáo dục và học tập, đào tạo trực tuyến không chỉ cung cấp sự linh hoạt cho người học mà còn giúp tăng cường sự tiếp cận với kiến thức và kỹ năng cần thiết trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Để thỏa mãn việc xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng công nghệ mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu sử dụng internet và thiết bị của người học, cần có đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các bên liên quan cam kết mạnh mẽ và đầu tư đáng kể vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và cung cấp thiết bị học tập. Hơn nữa, đào tạo người dạy trực tuyến để họ sử dụng công nghệ và phát triển nội dung giảng dạy trực tuyến là một phần quan trọng của chiến lược này.
Cần có chương trình đào tạo chất lượng và hỗ trợ tài chính để khuyến khích giáo viên tham gia vào quá trình này. Cuối cùng, đào tạo trực tuyến chỉ có thể phát triển bền vững và đáp ứng được nhu cầu của xã hội và nền giáo dục Việt Nam trong tương lai nếu tất cả các yếu tố này hợp nhất. Chúng ta đang đứng trước một cơ hội quý báu để nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học ở Việt Nam, và bằng sự cam kết và đầu tư đúng đắn, chúng ta có thể thực hiện điều này một cách thành công.
Quang Trung