Theo chuyên gia kinh tế PGS. TS Trần Hoàng Ngân – Việt Nam có nguồn lao động trẻ được đào tạo kỹ năng tốt, cơ chế chính sách ứng phó với dịch bệnh và phục hồi kinh tế của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để phục hồi nhanh nền kinh tế, thậm chí sẽ bứt phá sau đại dịch nếu chính phủ, doanh nghiệp và người dân cùng đồng lòng.
ĐẾ CHẾ CÔNG NGHIỆP NẢY MẦM TỪ CÁC CÔNG TY NHỎ
Việt Nam có những cải cách thể chế ra sao để dọn ổ đón “đại bàng”, tham gia cung ứng toàn cầu bứt phá kinh tế sau dịch thưa ông?
+ PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hệ thống luật pháp nhất là thể chế về kinh tế thị trường là 1 trong 3 động lực quan trọng cho phát triển kinh tế mà Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Nắm được đây là “điểm nghẽn” nên Quốc hội đã tập trung xây dựng hệ thống luật pháp và tăng cường sửa đổi những điều khoản luật gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Như vậy, không chỉ có “đại bàng” mà cả hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, hoạt động đầu tư của các thành phần kinh tế cũng đang được Chính phủ và Quốc hội rà soát. Trong phiên họp chuyên đề vào ngày 04/01/2022, Quốc hội dự kiến ban hành luật để sửa đổi 8 luật nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ, Việt Nam luôn hướng tới thể chế minh bạch, rõ ràng, qua đó tăng khả năng thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư. Cùng với đó, quá trình chuyển đổi số mà chính phủ đang thúc đẩy được kỳ vọng sẽ tăng tính minh bạch. Việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến giúp các nhà đầu tư cảm thấy thuận lợi, yên tâm hơn.
Nhắc đến chuyện “tiếp máu” cho doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm 98% trong số tổng hơn 800.000 doanh nghiệp cả nước và đóng góp 45% vào GDP, nhưng luôn trong trạng thái khát vốn và các khoản vay ưu đãi. Vậy đâu là liều thuốc hữu hiệu để giải cơn khát cho khối doanh nghiệp này?
+ PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Vốn là vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Nắm được điều này, Chính phủ hiện có nhiều kênh tín dụng cho doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước, các quỹ cho vay trực tiếp đặc biệt. Việc định vai rõ ràng giữa các tổ chức cho vay theo hướng mỗi tổ chức phát triển kỹ năng riêng để phục vụ một thị trường ngách cụ thể giúp cải thiện được khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn.
Đối với các DNVVN, chính phủ đã có luật hỗ trợ, vấn đề là đưa luật vào cuộc sống. Thời gian tới, ngoài hỗ trợ về vốn, hỗ trợ qua quỹ bảo lãnh tín dụng, chính phủ cần tăng cường thêm nhiều hỗ trợ công miễn phí phục vụ DNVVN như hỗ trợ về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường, đào tạo lao động, tư vấn thuế.v.v.
Điều tuyệt vời nhất ở DNVVN là các đế chế công nghiệp của ngày mai đều từ những công ty nhỏ của hôm nay. Để kiến tạo cơ hội thành công cao nhất, DNVVN cần tiếp cận nguồn tài chính trong nước. Điều này đòi hỏi phải cải thiện 3 cấu phần của thị trường tài chính trong nước gồm khung pháp lý và các quy định; hạ tầng thị trường vốn; năng lực quản lý và công nghệ của các tổ chức tài chính trong nước.
Về khung pháp lý và quy định liên quan đến thị trường tài chính vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như thủ tục phá sản còn phức tạp và mất nhiều thời gian; các ngân hàng miễn cưỡng với việc cưỡng chế tài sản thế chấp; các ngân hàng có thể phải dựa vào các mối quan hệ khi ra quyết định cho vay. Về hạ tầng thị trường vốn ở đây hàm ý bao gồm các cơ quan xếp hạng tín dụng và cơ quan đăng ký các khoản vay và tài sản hiện có. Nếu thông tin của khách vay vốn được công khai và đáng tin cậy, ngân hàng sẽ tự tin cấp vốn vay cho doanh nghiệp.
Liên quan đến yếu tố thứ ba, các tổ chức tài chính nhà nước quy mô lớn có thể cung cấp những sản phẩm mà doanh nghiệp nhỏ cần. Chẳng hạn, đối với hình thức bao thanh toán, các tổ chức tài chính mua các khoản phải thu từ doanh nghiệp nhỏ với giá chiết khấu để bù đắp chi phí vốn. Điều này giúp doanh nghiệp nhỏ về mặt dòng tiền và giảm chi phí quản lý. Bao thanh toán đã phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc và Hàn Quốc, đặc biệt là giữa các nhà cung ứng cho các công ty đa quốc gia quy mô lớn.
Việt Nam đang phụ thuộc vào hàm lượng sản xuất chế biến dựa vào sức lao động, sắp tới với sự bùng nổ phát triển của công nghệ số IA vậy cần có những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam nào trong năm nay và những năm tới thưa ông?
+ PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Đây là xu hướng chung của cả thế giới. Xu hướng bùng nổ phát triển của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (IA), Internet vạn vật (IoT) đã thẩm thấu từ hàng chục năm nay và đại dịch COVID-19 bùng phát lại trở thành chất xúc tác, một động lực thúc đẩy quá trình này.
Việt Nam đã có kế hoạch chuyển đổi số và dự kiến đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm khoảng 20% GDP cả nước. Do đó, Việt Nam đang mạnh dạn đầu tư vào hạ tầng số để thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp. Chắc chắn người lao động trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng nên Việt Nam phải có kế hoạch đào tạo bổ sung để người lao động thích ứng với xu hướng này theo cách sử dụng công nghệ cao.
CHỨNH KHOÁN, BẤT ĐỘNG SẢN TĂNG NÓNG: TẤT YẾU, NHƯNG TRÁNH ĐẦU CƠ, SỐT ẢO
Nền kinh tế có độ mở lớn trong khi hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI – Khu vực có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế lại chịu tác động từ bên ngoài. Điều này sẽ đáng lo ra sao nếu đại dịch tiếp tục phức tạp trên thế giới thưa ông?
+ PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Là nền kinh tế có độ mở lớn và tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp FDI cho nền kinh tế ở mức cao, tình trạng đại dịch tiếp tục trên thế giới có tác động đáng kể tới khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Song hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu gần đây của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ xuất siêu cao hơn nhập siêu nên dù nền kinh tế mở vẫn đem lại những lợi thế nhất định.
Từ năm 2014, Việt Nam đã vượt trội so với các quốc gia có thu nhập trung bình khác nhờ đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chế tạo và tiếp cận được nhiều thị trường mới cho mặt hàng nông sản giá trị cao. Tăng trưởng nhờ xuất khẩu đã tao ra hàng triệu việc làm ổn định và hàng triệu tỷ ngoại hối. Trong dài hạn Việt Nam cần đặt mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trong nước nhờ tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển sản phẩm mới bằng cách sử dụng các công nghệ chu kỳ ngắn. Điều quan trọng là phát triển kết cấu hạ tầng tập trung để giúp doanh nghiệp trong nước hưởng lợi từ sự tập trung này và chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp FDI. Một nền kinh tế có độ mở lớn sẽ bị ảnh hưởng nếu bên ngoài có “gió độc”. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam phải xây dựng các chiến lược phòng thủ, phòng ngừa rủi ro từ bên ngoài.
Việt Nam có nguy cơ già trước khi giàu, ông thấy thế nào về vấn đề này?
+ PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Trẻ giàu cũng có nguy cơ, mà già giàu cũng có. Vì vậy trẻ hay già không quan trọng, giàu là được. Vấn đề là phải giàu chính nghĩa, bằng mồ hôi nước mắt của mình. Mặt khác, định nghĩa “già” hiện nay đã khác, phụ thuộc nhiều vào yếu tố sức khỏe. Vấn đề là cần có chính sách chăm sóc người già và quan trọng hơn là tạo điều kiện để người già có thể tiếp tục cống hiến.
Ở Nhật Bản, người già vẫn làm bảo vệ, làm công nhân vệ sinh, lái xe taxi. Bên cạnh đó, Việt Nam cần rút ra bài học đau thương từ dịch COVID-19 trong năm 2021. Kinh tế tăng trưởng bao nhiêu cũng không thể bù đắp được cho con số hơn 30.000 người đã chết vì COVID-19. Để tránh tình trạng này lặp lại, Việt Nam phải xây dựng hệ thống y tế đủ mạnh, có thể cảnh báo từ xa, có thuốc điều trị, chủ động được vaccine và thuốc điều trị. Chiến thắng dịch bệnh COVID-19 sẽ quyết định khả năng phục hồi của nền kinh tế.
XUẤT KHẨU NHƯNG CHỚ QUÊN “SÂN NHÀ”
Thế Giới còn đối mặt với những bất định trong năm 2022 thậm chí có thể kéo dài sang năm 2023, là một nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam ắt đứng trước những rủi ro lớn từ bên ngoài, vậy phải chăng cần hướng trọng tâm và phát triển nền sản xuất trong nước và thị trường tiêu thụ nội địa để nuôi dưỡng tăng trưởng dài hạn?
+ PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Quan điểm đó là đúng. Thực chất, các thị trường xuất khẩu giúp tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng năng suất, từ đó đóng góp đáng kể trong việc giải quyết việc làm và nâng cao mức sống của người dân. Việt Nam đã thành công trong việc giảm nghèo xuống mức rất thấp bằng cách tạo ra hàng triệu việc làm mới mỗi năm. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, Việt Nam cần nghiên cứu hướng phát triển song song, vừa xuất khẩu, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Việt Nam có một thị trường gần 100 triệu dân rất mạnh trong chi tiêu, tiêu dùng, hơn là tiết kiệm dẫn đến các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến Việt Nam; các “đại gia bán lẻ” đều có mặt ở Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh, kinh tế thế giới khó khăn, nhưng lượng đầu tư vào Việt Nam vẫn ở mức cao. Do đó, các doanh nghiệp FDI phải có một phân khúc bán ở trong nước, phải có những cửa hàng tại Việt Nam bán hàng xuất ra nước ngoài để người dân mua được những mặt hàng đó với giá hợp lý.
Do tiêu thụ nội địa hiện không đủ lớn để tạo nguồn cầu có quy mô hiệu quả để chuyển đổi việc làm của hàng triệu người lao động trong nước đang làm việc trong các lĩnh vực năng suất thấp. Vì vậy, chúng ta phải phát triển song song, vừa xuất khẩu, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước. Hàng hóa Việt Nam phải nâng lên, đáp ứng nhu cầu trong nước do hiện nay, chất lượng cuộc sống và khả năng chi tiêu của người dân đã được cải thiện đáng kể. Người dân Việt Nam đã có thể mua được những mặt hàng chất lượng cao, trước đây chỉ phục vụ xuất khẩu.
Trong bối cảnh hiện nay, nước nào có khả năng phục hồi kinh tế nhanh hơn sẽ chiếm được lợi thế đáng kể khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Việt Nam có lợi thế về nhiều mặt để có thể bứt phá, trở thành một trong những mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang bị gián đoạn, đứt gãy do đại dịch COVID-19. Làm được điều này sẽ rút ngắn đáng kể khoảng cách với các nước phát triển, vì vậy đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp cùng phải có chiến lược rõ ràng, phù hợp và nỗ lực thực hiện thời gian tới.
Thùy Linh (thực hiện)