12/04/2021 10:55:14

Khẩn trương bù đắp ‘tổn thất’ nhân lực ngành du lịch

Trong điều kiện hiện nay, các các doanh nghiệp chưa tập trung cao độ cho việc đón khách, phục vụ khách, nên chúng ta có thời gian, có điều kiện để bố trí các lớp tập huấn, bồi dưỡng rồi xây dựng lại quy trình quản lý, đào tạo, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của mình, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam – Ảnh: VGP/Lưu Hương
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam bày tỏ băn khoăn về vấn đề nhân lực ngành du lịch khi trong bối cảnh dịch bệnh, ngành “công nghiệp không khói” chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Ngoài việc chuẩn bị hộ chiếu vaccine giữa các quốc gia, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là một yếu tố quan trọng cần phải thực hiện từ bây giờ”, ông Ngô Hoài Chung nói về việc đào tạo nhân lực của ngành đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước vào năm 2019, tạo ra 2,9 triệu việc làm.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, khoảng 1/4 lực lượng lao động nhân lực chất lượng của ngành du lịch dịch chuyển sang các ngành khác, lĩnh vực khác và chúng ta có thể phải mất hàng thập kỷ mới trở lại như thời điểm trước năm 2020.

Trong lĩnh vực lữ hành, lực lượng lao động nòng cốt của du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2020 có gần 400 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi cấp giấy phép, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2019, đây là tổn thất lớn cho du lịch Việt Nam mà “chúng ta thấy được rõ ràng bởi các doanh nghiệp lữ hành là người trực tiếp làm dịch dụ đón khách, đưa khách đến Việt Nam”.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, bây giờ, chúng ta cần tích cực bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để chuẩn bị sẵn sàng lực lượng cho việc thu hút khách quốc tế trở lại và phục vụ phát triển du lịch Việt Nam.

Theo đó, có 2 vấn đề quan trọng nhất trong hỗ trợ của Nhà nước hiện nay, đó là hỗ trợ các chính sách về thuế, phí cũng như các chính sách về tài chính cho các doanh nghiệp du lịch để các doanh nghiệp giảm áp lực trong điều kiện không có thu nhập hiện nay, để duy trì, không bị phá sản là giải pháp hàng đầu.

Thứ 2 là chính sách hỗ trợ lao động cho ngành du lịch, như chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp, cũng như các chế độ khác để lao động du lịch không bỏ ngành du lịch, không chạy việc từ ngành du lịch sang các ngành khác.

Để có thể khôi phục được lực lượng lao động có tay nghề cao (chuyên gia, quản trị) của ngành du lịch đã dịch chuyển sang các ngành khác là một bài toán rất khó khăn và chắc chắc chúng ta phải đào lại lại nguồn nhân lực để bù đắp lại sự thiếu hụt do dịch chuyển.

Trong điều kiện hiện nay, các các doanh nghiệp chưa tập trung cao độ cho việc đón khách, phục vụ khách, nên chúng ta có thời gian, có điều kiện để bố trí các lớp tập huấn, bồi dưỡng rồi xây dựng lại quy trình quản lý, đào tạo, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của mình.

Rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã làm rất tốt việc này để vừa góp phần duy trì số lượng nhân lực, từng bước bồi dưỡng nâng cao chất lượng để từng bước có đủ năng lực chuyên môn đón khách trở lại và chúng tôi nghĩ đây là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Những tháng đầu năm 2021, ngành du lịch Việt Nam đã xác định vào 5 nhiệm vụ trọng tâm, đó là tiếp tục kiên trì, kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho du lịch; tích cực triển khai kích cầu mạnh mẽ du lịch nội địa; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dựng CNTT trong lĩnh vực du lịch; tăng cường xúc tiến thị trường trong nước và duy trì quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, ông Ngô Hoài Chung nói. Và thứ 5 là chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chuẩn bị phục vụ khách khi các hoạt động du lịch trở lại bình thường.

Theo Chính phu.vn