14/12/2024 8:05:40

Hiệu quả các mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng

Các điạ phương đã và đang tích cực đẩy mạnh triển khai, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện kết nối người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy tham gia các dịch vụ ngay tại cộng đồng.

Đẩy mạnh triển khai, nhân rộng các mô hình

Hiện Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Hải Phòng, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai… đều đẩy mạnh triển khai, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện kết nối người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy tham gia các dịch vụ ngay tại cộng đồng (tư vấn tâm lý, dạy nghề, tạo việc làm, điều trị cắt cơn và điều trị HIV/AIDS).

Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện nghiện ma túy” tạo cảm giác thân thiện, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ điều trị nghiện ma tuý và phục hồi toàn diện tại cộng đồng.

Đặc biệt đã hướng dẫn, hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng mô hình mới phòng, ngừa nghiện ma túy, cai nghiện ma túy, tái hòa nhập cộng đồng.

Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy của Chính phủ, Cục Hậu cần Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã phối hợp với Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) triển khai thí điểm mô hình “Kết hợp quân dân y (KHQDY) cai nghiện cho người nghiện ma túy” trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Kết quả, đã cai nghiện thành công cho hàng trăm người nghiện, hỗ trợ các đối tượng nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, các xã khu vực biên giới thí điểm mô hình “KHQDY cai nghiện cho người nghiện ma túy” thành lập tổ cai nghiện, mỗi tổ 7 đồng chí, gồm cán bộ ủy ban nhân dân xã và các cán bộ quân y, tổ vận động quần chúng, nghiệp vụ biên phòng….

Các cán bộ đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của nghiện ma túy, lợi ích của cai nghiện đối với người nghiện tới từng thôn bản, từng gia đình, người dân để tạo sự đồng thuận.

Ngoài ra, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể địa phương cũng chủ động giới thiệu cho người sau cai nghiện tham gia các mô hình kinh tế tại địa phương để góp phần ổn định cuộc sống. Tuy nguồn kinh phí khá hạn chế và với khoảng thời gian ngắn (15-20 ngày) cho mỗi đợt cai nghiện, nhưng BĐBP 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác cai nghiện với mô hình này.

Mô hình nhân văn

Trong 4 năm qua, mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện nghiện ma túy” đã được triển khai ở nhiều địa phương. Đây là một chương trình tổng hợp kết hợp/kết nối giữa các giải pháp tư pháp, y tế, xã hội để hỗ trợ, giám sát người nghiện ma túy tuân thủ điều trị nhằm đạt được mục đích cao nhất là cai nghiện thành công, giảm tỷ lệ tái nghiện và tái phạm tội có liên quan đến ma túy.

Mô hình có sự tham gia của lực lượng thi hành pháp luật, cụ thể là công an các cấp phường xã tham gia vào mô hình không chỉ dưới cương vị hành chính mà còn dưới vai trò là người hỗ trợ, khiến cho mô hình mang điểm mới đó là sự thân thiện đối với người sử dụng/nghiện ma tuý tại cộng đồng.

Tại Hà Nội, mô hình được thực hiện dưới sự phối hợp quản lý của Sở LĐ-TB&XH và Chi cục PCTNXH Hà Nội. Mô hình được triển khai từ năm 2019, thí điểm tại 8 quận và 20 phường của Hà Nội và Đà Nẵng.

Trong suốt 5 năm qua, mô hình đã tiếp nhận hơn 1.000 người tham gia, trong đó Hà Nội có trên 700 người, Đà Nẵng có khoảng 300 người. Kể từ khi mô hình này được chính thức triển khai hoạt động tại Hà Nội, đến nay đã có hàng trăm người nghiện ma túy được tiếp cận, tư vấn và chuyển gửi trên địa bàn.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, ngoài công tác tư vấn cá nhân, gia đình, hàng tháng các Điểm tư vấn tổ chức sinh hoạt nhóm để theo dõi duy trì điều trị, phục hồi của từng khách hàng với nhiều nội dung phong phú, sát thực tế như kỹ năng ứng phó với cơn thèm nhớ, kỹ năng để giữ sạch, các biện pháp phòng, chống tái nghiện; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ khó khăn, tạo động lực để khách hàng tiến bộ.

Không chỉ tư vấn ngay tại trụ sở phường, những tình nguyện viên trong mô hình còn thường xuyên xuống tận gia đình người nghiện để động viên, quan sát và trực tiếp hỗ người nghiện để kịp thời người đưa nghiện tới các cơ sở điều trị ma túy, bệnh viện điều trị tâm thần, khám chăm sóc bệnh và các hỗ trợ tâm lý xã hội khác.

Tất cả với mục đích cao nhất là giúp người nghiện cai nghiện thành công, giảm tỷ lệ tái nghiện và tái phạm tội có liên quan đến ma túy.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, đây là một mô hình nhân văn. Trước đây, việc điều trị nghiện thường là phải cưỡng chế, sử dụng biện pháp hành chính là chủ yếu. Theo nguyên lý điều trị cai nghiện, chúng ta không quá coi trọng một mô hình nào mà phải có nhiều cách để tiếp cận cho nhiều đối tượng. Mục tiêu cuối cùng là mang hiệu quả xã hội.

Thanh Nhung