09/10/2024 8:56:42

Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam đi đầu trong tuyên truyền, giới thiệu xây dựng trường học số và khung năng lực số cho HSSV khối GDNN

Sớm nghiên cứu, tiếp cận với chuyển đổi số và xu hướng phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh CMCN4.0, trong suốt 2 năm qua, Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về chuyển đổi số và xây dựng nhà trường số cho nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước, cùng với việc giới thiệu nhiều khung năng lực số, bao gồm cả Khung năng lực số cho công dân của Ủy ban châu Âu mà Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, tham khảo dự kiến sẽ trở thành nền tảng cơ bản cho ‘Khung năng lực số áp dụng cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân’ của Việt Nam.

Buổi tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các giảng viên trường CĐN Ninh Thuận

Khung năng lực số cho công dân của Ủy ban châu Âu đã được đề cập tới trong giáo dục Việt Nam từ cuối năm 2020 trong hội thảo khoa học: ‘Những năng lực cốt lõi của công dân học tập đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia’, do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nguồn Nhân lực cùng với Vụ Giáo dục Thường xuyên tổ chức ngày 17/12/2020.

Khung năng lực số bao gồm 6 miền năng lực

Nhằm bước đầu chuẩn hóa và làm căn cứ thống nhất yêu cầu về năng lực số của người học trong hệ thống giáo dục quốc dân, mới đây Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo thông tư “Ban hành Khung năng lực số áp dụng cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân’.
Cấu trúc khung năng lực số gồm 6 miền năng lực, với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ với 8 cấp độ, từ cơ bản đến chuyên gia.

Cụ thể, dự thảo đề xuất 6 miền năng lực gồm:

Miền năng lực 1: Khai thác dữ liệu và thông tin, với các năng lực gồm

  • Duyệt, tìm kiếm và lọc dữ liệu, thông tin và nội dung số
  • Đánh giá dữ liệu, thông tin và nội dung số
  • Quản lý dữ liệu, thông tin và nội dung số

Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số, với các năng lực gồm:

  • Tương tác thông qua công nghệ số Chia sẻ thông tin và nội dung thông qua công nghệ số
  • Tham gia vào quyền công dân thông qua công nghệ số
  • Hợp tác thông qua công nghệ số
  • Quy tắc ứng xử trên mạng
  • Quản lý danh tính số

Sáng tạo nội dung số, với các năng lực gồm:

  • Phát triển nội dung số
  • Tích hợp và tạo lập lại nội dung số
  • Bản quyền và giấy phép
  • Lập trình

An toàn, với các năng lực gồm:

  • Bảo vệ thiết bị
  • Bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư
  • Bảo vệ sức khỏe và an sinh số
  • Bảo vệ môi trường

Giải quyết vấn đề

  • Giải quyết các vấn đề kỹ thuật
  • Xác định nhu cầu và giải pháp công nghệ
  • Sử dụng sáng tạo công nghệ số
  • Xác định khoảng trống năng lực số

Sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh

  • Hiểu biết về trí tuệ nhân tạo
  • Sử dụng trí tuệ nhân tạo có đạo đức và trách nhiệm
  • Đánh giá các công cụ trí tuệ nhân tạo

 

Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cụ thể hoá từng năng lực thành phần theo 3 khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ/năng lực tự chịu trách nhiệm.

Có thể thấy, 5 miền năng lực từ 1-5 của ‘Khung năng lực số áp dụng cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân’ là tương tự của Khung năng lực số cho công dân của Ủy ban châu Âu (phiên bản đầu xuất bản 2013, phiên bản gần nhất v2.2 năm 2022).

Cùng phối hợp với Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn nâng cao năng lực trong công tác Chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường từ cuối năm 2023, thầy Nguyễn Phan Anh Quốc – Hiệu trưởng CĐN Ninh Thuận cho biết, buổi tập huấn đã đem lại hiểu quả thiết thực trong công tác chuyển đổi số tại nhà trường. Các giảng viên đã tiếp thu được những phương pháp lưu trữ tài sản số trên hệ thống LMS của nhà trường một cách tự chủ. Đồng thời, giải quyết được các vấn đề liên quan, cũng như hỗ trợ được những người xung quanh có phương pháp lưu trữ, bảo lưu dữ liệu thông tin giảng dạy, hay các lĩnh vực quản lý công việc giảng dạy, học tập của giảng viên, sinh viên trên hệ thống LMS.

Đặc biệt, bài giảng hướng tới cho đội ngũ giảng viên xây dựng được kho học liệu tài nguyên số, đáp ứng được nhu cầu giáo dục mở, linh hoạt. Theo đó, các tư liệu học, dạy và nghiên cứu trong bất kỳ phương tiện nào; ngân hàng học liệu không giới hạn trong môi trường công cộng hoặc được phát hành theo một giấy phép mở. Tài nguyên học liệu mở này sẽ cho phép mọi người cùng truy cập, sử dụng linh hoạt theo nhu cầu học tập của mỗi cá nhân.

Phổ biến kiến thức chuyên đề “Khung năng lực số” tại một số nước châu Âu cho thấy, các nước này trao quyền cho người học thông qua sự thúc đẩy hợp tác giữa người học và người dạy học, cá nhân hóa người học đang là xu hướng phát triển. Bởi vậy, cần có sự hỗ trợ nâng cao năng lực số cho người học để giúp họ có phương pháp giải quyết các vấn đề. Các vấn đề về thông tin, giao tiếp và hợp tác trên nền tảng số, tạo nội dung số, an ninh, giải quyết trên nền tảng số… cũng được phát triển.

“Thông qua chương trình tập huấn này, đội ngũ giảng viên nhà trường sẽ hướng tới từng bước xây dựng học liệu, bài giảng số, cũng như các dữ liệu trong quản trị số trong nhà trường đạt hiệu quả”, Hiệu trưởng Nguyễn Phan Anh Quốc chia sẻ.

Danh sách các đơn vị đã tổ chức tọa đàm về CĐS từ đầu năm đến nay:

  1. Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp
  2. Trường Đại học Đồng Nai
  3. Trường Cao đẳng Thương mại
  4. Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang
  5. Trường Cao đẳng Đà Lạt
  6. Cao Đẳng Công nghệ thông tin TP.HCM
  7. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng
  8. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang
  9. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bạc Liêu
  10. Tại Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội – Cơ sở 2

Các đơn vị dự kiến sẽ tổ chức tọa đàm trong năm 2024:

  1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cà Mau
  2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bến Tre
  3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tiền Giang
  4. Các trường đào tạo ngành y và chăm sóc sức khỏe.

Xuân Giao