Theo các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, thiếu khu vui chơi, giải trí đẳng cấp quốc tế đang là “lỗ hổng” lớn của ngành kinh tế xanh Hà Nội.
“Khát” khu vui chơi, giải trí
Dù là trung tâm phân phối khách du lịch của toàn miền Bắc và cả nước, điểm trung chuyển và là cầu nối cho du lịch Đông Nam Á, nhưng Hà Nội phát triển các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào yếu tố tự nhiên, khai thác những thứ có sẵn, chưa đầu tư đúng mức. Thủ đô vẫn thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh, hấp dẫn và thiếu những khu, điểm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của các “thượng đế”.
Công viên nước Hồ Tây, Thiên đường Bảo Sơn là hai khu vui chơi giải trí tổng hợp ngoài trời của Hà Nội, nhưng quy mô vẫn nhỏ, các loại hình dịch vụ giải trí không đa dạng, được xây dựng từ lâu, nên đã lỗi thời, xuống cấp. Trong khi đó, các khu vui chơi giải trí tổng hợp trong nhà ở một số trung tâm thương mại lớn chỉ đủ sức phục vụ nhu cầu của tòa nhà và số ít người dân quanh vùng.
Dạo qua các điểm vui chơi của Hà Nội như Công viên Hồ Tây, rạp xiếc, trung tâm chiếu phim, hay Royal City, Times City, Thiên đường Bảo Sơn… vào buổi tối hay cuối tuần, đều thấy đông nghịt người. Tại các công viên Thống Nhất, Nghĩa Đô, Hòa Bình, Dịch Vọng, Yên Sở…, hàng ngày có hàng trăm lượt trẻ em đến vui chơi, cuối tuần nào cũng chật cứng.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, Hà Nội từng xây dựng những công viên mang tính chất phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí tối thiểu của người dân như: Công viên Thống Nhất, Nghĩa Đô, Hòa Bình… Thực chất, đây là nơi có nhiều cây xanh để người dân đi bộ, thư giãn, hoặc tham gia những trò chơi đơn giản.
“Những nhu cầu đó đã qua lâu rồi, nhưng một thời gian rất dài chúng ta gần như không đầu tư gì cho hoạt động vui chơi giải trí nữa. Hiện tại, các khu vui chơi, giải trí ở Hà Nội quá thiếu, nói đúng hơn là gần như chưa có gì, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân”, ông Hoan nói.
Thiếu nơi cho khách tiêu tiền
Ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ, những năm qua, Hà Nội liên tiếp lọt top những điểm du lịch rẻ nhất thế giới. “Tôi cho đó là điều đáng buồn, bởi cho thấy chúng ta chưa thu được nhiều tiền của khách. Thực tế, các doanh nghiệp du lịch thu tiền tour chỉ là một phần nhỏ, số tiền khách chi tiêu cho các hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ, quà lưu niệm, hàng hóa ở địa phương lớn hơn rất nhiều. Các chuyên gia tính toán rằng, 3/4 số tiền du khách chi tiêu khi đi xê dịch là để mua sắm”, ông Hoan nói.
“Thủ đô Hà Nội cần thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn. Để từ đó, tất cả các hoạt động, cơ chế, chính sách cần tạo thuận lợi cho du khách, cũng như thu hút được các nhà đầu tư đến với Hà Nội”.
Gần đây, các dự án xây dựng khu vui chơi, giải trí đẳng cấp quốc tế tại Hà Nội đã được phê duyệt, khởi công, nhưng mãi vẫn chưa thấy hiện hữu, như Công viên Kim Quy, Công viên Hello Kitty… Việc không có những khu vui chơi giải trí tầm cỡ đã và đang khiến Thủ đô lãng phí cơ hội chi tiêu của khách thông qua việc tăng thời gian lưu trú và thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế.
Không chỉ các khu vui chơi, giải trí đẳng cấp quốc tế, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch (bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, điểm dừng chân, điểm cung cấp dịch vụ) tại một số khu du lịch và điểm tham quan vừa thiếu về số lượng, chất lượng dịch vụ còn yếu. Hà Nội cũng chưa có những bãi đỗ xe chuyên phục vụ du khách, chưa có bến cảng du thuyền dọc sông Hồng.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO Tập đoàn Lux Group nhận định, Hà Nội có rất nhiều tiềm năng, nhưng hạ tầng chưa được tốt cho phát triển du lịch. Ví dụ, Hà Nội có sông Hồng rất đẹp, có Hồ Tây rất rộng lớn là những di sản vô cùng quý giá. Thế nhưng, Thủ đô chưa có bến du thuyền, cũng không có bến thủy nội địa, dẫn đến việc phát triển du lịch đường thủy gần như “bế tắc”.
“Nhiều khách hàng than rằng, đến Hà Nội bây giờ buồn quá. Hồ Tây rộng lớn, sông Hồng trải dài nên thơ mà chẳng có hoạt động du lịch nào xung quanh. Du lịch Hà Nội vẫn chủ yếu bám theo di sản, chưa phát huy được các giá trị, tiềm năng. Trong khi đó, Singapore là một quốc đảo nhỏ bé, ít tài nguyên, nhưng có rất nhiều hoạt động, từ nghệ thuật văn hóa, triển lãm, đến các hoạt động trên mặt nước”, ông Hà nói.
Du lịch là một ngành liên ngành, liên vùng, không chỉ ngành du lịch, mà còn phụ thuộc vào nhiều ban, ngành khác. “Trong thời gian hoạt động lữ hành, chúng tôi nhận thấy, việc đón trả khách rất phiền hà. Ví dụ, những xe lớn không thể vào trong khu vực phố cổ trong những khung giờ nhất định, dẫn đến việc không thể đón khách ngay tại khách sạn, mà khách phải đi bộ ra những điểm khác rất bất tiện”, Chủ tịch Lux Group thẳng thắn chỉ ra.
Theo baodautu.vn