Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp Hội Cựu giáo chức thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt các nhà giáo tham gia chiến trường B,C,K và nhà giáo đi B trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sự kiện trên nhằm hướng tới kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2020), 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020) và chuẩn bị kỷ niệm 76 năm Ngày Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2020).
Bà Trần Thị Thu Hà, ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Hà Nội cho biết, trong số các nhà giáo đi B, đã có rất nhiều thầy giáo, cô giáo cống hiến tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp cách mạng, đã hy sinh anh dũng để giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Sau chiến thắng năm 1975, những thầy giáo, cô giáo đã trở về quê hương, trở lại ngành giáo dục, tiếp tục với sự nghiệp trồng người. Rất nhiều thầy giáo, cô giáo trực tiếp đứng trên bục giảng, nhiều thầy giáo, cô giáo được đề bạt làm cán bộ quản lý các trường học, các phòng GD&ĐT quận, huyện và Sở GD&ĐT. Dù ở cương vị nào, các nhà giáo – chiến sĩ vẫn luôn tâm huyết, cống hiến, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã vượt qua khó khăn, chiến đấu với bệnh tật, các di chứng chiến tranh để tiếp tục đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp phát triển của ngành giáo dục Thủ đô.
Bày tỏ lòng tri ân, sự biết ơn sâu sắc đến các thầy giáo, cô giáo đã hy sinh xương máu, đóng góp cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bà Trần Thị Thu Hà khẳng định: Thế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh hôm nay sẽ tiếp tục sự nghiệp của các nhà giáo đi trước. Sự hy sinh và cống hiến của các nhà giáo – chiến sĩ là niềm tự hào, niềm vinh dự cho đội ngũ nhà giáo Thủ đô. Trong thời gian tới, rất mong các thầy cô với điều kiện phù hợp sẽ tiếp tục có những đóng góp với ngành giáo dục Thủ đô, xây dựng, phát triển tổ chức Hội và tham gia các hoạt động tại địa phương.
Nhà giáo Nguyễn Viết Cẩn, Ủy viên Ban chấp hành Hội cựu giáo chức Việt Nam, Chủ tịch Hội cựu giáo chức Hà Nội cho biết, theo thống kê ban đầu, số lượng nhà giáo Hà Nội tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là 1.480 người và 206 nhà giáo là liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
“Trong buổi gặp mặt hôm nay, chúng ta tri ân, tưởng nhớ 206 Nhà giáo liệt sĩ Hà Nội. Sự hy sinh của các Nhà giáo liệt sĩ mãi là niềm tự hào của ngành giáo dục Hà Nội. Chiến tranh đã đi qua, các thầy cô không về nữa nhưng hình ảnh các thầy cô sống mãi trong đồng nghiệp và các thế hệ học sinh”, nhà giáo Nguyễn Viết Cẩn xúc động nói.
Nhà giáo ưu tú, Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu chia sẻ về những năm tháng chiến đấu kiên cường nơi chiến trường. Sau chiến thắng 30/4/1975, trở lại Thủ đô, nhà giáo đã không quản ngại khó khăn, tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục Thủ đô, lấy cả đời mình làm tấm gương sáng, mẫu mực cho thế hệ trẻ noi theo.
Nhà giáo Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT bày tỏ lòng tri ân trước những cống hiến, hy sinh của các thế hệ nhà giáo tham gia kháng chiến, nhà giáo chiến sĩ. Xúc động trước những chia sẻ của các nhà giáo từng tham gia kháng chiến, cùng những hồi ức về kỷ niệm tham gia chiến trường B,C,K trong cuốn Kỷ yếu Hồi ức chiến trường B,C,K, nhà giáo Lê Ngọc Quang nhấn mạnh, cuốn Kỷ yếu cần được triển khai rộng rãi trong ngành giáo dục Thủ đô để giáo dục cho thế hệ học sinh hôm nay và mai sau.
“Ngành giáo dục Thủ đô trong những năm qua có nhiều đổi mới tích cực, tiếp tục phát triển toàn diện, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng. Năm học 2020 – 2021 diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, để học sinh không bị thiệt thòi, tạm dừng đến trường nhưng không ngừng dạy học, toàn ngành đã nỗ lực triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, bảo đảm “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa dạy tốt, học tốt. Giáo dục Thủ đô vượt qua khó khăn, thách thức, chính là nhờ học tập tinh thần, truyền thống của thế hệ các nhà giáo – Chiến sĩ đi trước”, nhà giáo Lê Ngọc Quang nhấn mạnh.
Theo Baodansinh