27/09/2020 3:04:08

Hà Nội dùng nguồn vốn nào để làm tuyến metro số 5?

TP Hà Nội đề xuất xây dựng tuyến đường sắt đô thị dài 39 km bằng các nguồn vốn cổ phần hóa, đấu giá đất và đi vay.

UBND TP Hà Nội vừa gửi Thủ tướng tờ trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị, tuyến số 5 Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc.

Theo đó, thành phố đề xuất xây dựng dự án metro dài 39 km, tổng mức đầu tư khoảng 65.404 tỷ đồng, thi công và hoàn thành toàn tuyến trong giai đoạn 5 năm (2021 – 2025).

Hà Nội dự kiến huy động 5 nguồn lực để làm dự án đường sắt đô thị này, gồm vốn đầu tư công và tiết kiệm chi thường xuyên trong giai đoạn 2021 – 2025 là 15.000 tỷ đồng; cổ phần hóa, thái vốn doanh nghiệp khoảng 18.000 đến 20.000 tỷ đồng; đấu giá đất 15.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu 10.000 tỷ đồng, số còn lại vay từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế.

UBND TP Hà Nội cho biết, dự án tuyến metro số 5 ban đầu được phân kỳ thành 2 giai đoạn, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 thực hiện đoạn Văn Cao – Vành đai 4; giai đoạn năm 2020 đến năm 2030 thực hiện đoạn Vành đai 4 – Hòa Lạc; trên tuyến bố trí 17 ga.

Tuy nhiên, thời điểm lập quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến nay đã hơn 4 năm, theo quy hoạch đầu tư giai đoạn 1 từ năm 2016 – 2020 không khả thi. Vì vậy, đầu tư toàn tuyến trong giai đoạn 2021- 2025 phù hợp với thời điểm hiện tại, giúp nâng cao hiệu quả đầu tư, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế – xã hội và thực tế yêu cầu phát triển khu vực Dự án.

Cùng với việc đầu tư toàn tuyến, TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh số lượng ga trên tuyến từ 17 ga theo quy hoạch thành 21 ga để phù hợp với chủ trương định hướng và xu thế phát triển khu vực Dự án, kết nối trung tâm TP với khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, khu công nghệ cao, khu Đại học quốc gia, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, đưa vào khai thác quỹ đất hai bên đường đại lộ Thăng Long, giãn dân trong khu vực nội đô, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo khả năng tiếp cận của hành khách, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại các khu đô thị, khu công nghiệp mới theo quy hoạch đã được phê duyệt, phân tích chi tiết các vị trí nhà ga theo quy hoạch.

Trên cơ sở đó ƯBND thành phố kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư toàn tuyến trong một giai đoạn (2020 – 2025), với tổng số ga đề xuất là 21 ga.

Tại Tờ trình này, UBND TP Hà Nội cho hay, tuyến đường sắt đô thị số 5 theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa với chiều dài 38,43 km (6,5km đi ngầm, 2 km đi cao và 29,93 đi trên mặt đất) bao gồm 21 ga (6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất và 1 ga trên cao) và 2 depot (depotl bố trí tại xã Sơn Đồng – huyện Hoài Đức và depot 2 bố trí tại xã Yên Bình – huyện Thạch Thất). Dự kiến tổng diện tích đất giải phóng mặt bằng là 24,9ha (trong đó đất phi nông nghiệp là 3,445ha, đất nông nghiệp là 21,5ha). Ước tính di dời khoảng 43 ngôi nhà với diện tích là 2.159m².

Để triển khai xây dựng toàn bộ metro số 5 trong giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội kiến nghị áp dụng hình thức đối tác thực hiện dự án (PDP). Chủ đầu tư sẽ lựa chọn một nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực làm đầu mối duy nhất chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện dự án, từ khi thiết kế đến hoàn thành đưa vào khai thác.

Theo UBND TP Hà Nội, PDP là hình thức một số nước như Anh, Hàn Quốc và Malaysia đã làm. Trong đó, Malaysia xây dựng tuyến đường sắt đô thị dài 51 km chỉ với 6 năm. Tuy có nhiều ưu điểm song “PDP là hình thức triển khai dự án mới, chưa có trong quy định pháp luật của Việt Nam”.

PV (t/h)