Tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM hơn chục năm trước, khi ấy từng ước mơ trở thành “bà mụ” để nâng niu những thiên thần bé nhỏ chào đời, nhưng rồi bất ngờ Hà Thị Thu Quỳnh lại rẽ lối sang làm nghề giáo tại Cao đẳng Y tế Đồng Nai và gặt hái không ít thành công, là 1 trong 20 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp xuất sắc năm 2023, được gặp mặt Thủ tướng Chính phủ.
Cơ duyên với nghề
Cô Quỳnh kể, ngày ấy cả hai nơi mình nộp hồ sơ xin việc là trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ đều thông báo trùng ngày phỏng vấn. Dù trước đó chưa từng có mong muốn trở thành nhà giáo mà chỉ muốn được làm “bà mụ”, nhưng không hiểu sao khi ấy giống như cơ duyên đưa đẩy, Quỳnh lại chọn đến Cao đẳng Y tế Đồng Nai thay vì Bệnh viện Từ Dũ để phỏng vấn.
Với những kỹ năng chuyên môn khá hoàn thiện ở nghề Chăm sóc sức khỏe sinh sản khi học tại Đại học Y dược TP.HCM, Quỳnh đã sớm khẳng định được năng lực nghề nghiệp ở vai trò giảng viên. Gắn bó với nghề giáo tại trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai đã 13 năm. Hiện tại, cô Quỳnh là trưởng bộ môn Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đặc thù nghề giáo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là đào tạo ra nguồn lao động trực tiếp, đòi hỏi trách nhiệm rất lớn từ người thầy phải tận tình chỉ bảo, thực hiện chi tiết trong từng kỹ năng ở mỗi mô- đun thực hành nghề. Đặc biệt là nghề Chăm sóc sức khỏe sinh sản, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người thì sự chính xác, tỷ mỷ là vô cùng quan trọng.
Nhiều người cho rằng, công việc hàng ngày của giảng viên nghề Chăm sóc sức khỏe sinh sản lặp lại hàng ngày, khá nhàm chán với việc soạn giáo án, dạy lý thuyết, thực hành tại trường và hướng dẫn lâm sàng tại bệnh viện. Nhưng với cô Quỳnh thì ngược lại.
Nghề chăm sóc sức khỏe sinh sản, ngoài việc trang bị những kỹ năng chăm sóc giai đoạn mang thai, sinh đẻ, sau sinh…, còn phải có những kỹ năng giao tiếp tốt để có thể chia sẻ những tâm sự thầm kín với đa dạng lứa tuổi, từ trẻ vị thành niên, phụ nữ tiền mãn kinh đến mãn kinh. Tất cả đòi hỏi người làm nghề cần có chiều sâu tâm lý, kỹ năng ứng xử thân thiện với đối tượng cần chăm sóc. Không những thế, liên quan đến công việc hộ sinh – những giây phút quan trọng khởi đầu mầm sống của trẻ sơ sinh với thế giới bên ngoài, người nâng đỡ đầu tiên chính là nhân viên Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Điều đó đòi hỏi ở họ cả những kỹ năng hỗ trợ sản phụ vượt cạn, giúp em bé được sinh ra thuận lợi, an toàn nhất.
Để đào tạo nghề cho các em sinh viên, tạo cho các em niềm đam mê theo đuổi nghề này chắc chắn không có chuyện dễ dàng, cần người giáo viên truyền cảm hứng để sinh viên đối diện với những khó khăn, thử thách trong môi trường thực tế công việc, với nghìn lẻ ca khác biệt phải xử lý được an toàn.
“Mỗi sản phụ, mỗi trẻ sơ sinh là một ca riêng biệt, không ca nào giống ca nào. Điều này, đòi hỏi người giảng viên ngoài công việc giảng dạy về cơ chế, sinh lý, giải phẫu, thủ thuật, xử trí còn phải truyền tải được tình người, truyền động lực để người học kiên trì, yêu thích công việc đến với mỗi sinh viên” – cô Quỳnh chia sẻ. Chính vì vậy, những giờ giảng của cô Quỳnh luôn trở đầy năng lượng, mang đến cho các em sinh viên sự hứng khởi cả trong giờ học lý thuyết lẫn thực hành lâm sàng.
“Bản thân tôi là người mẹ trải qua hai lần sinh nở, nên cảm nhận sâu sắc về tính chất nghề nghiệp của những người làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, những hộ sinh trực tiếp với ca vượt cạn của sản phụ. Ở họ đã nuôi dưỡng tình yêu lớn với nghề, điều đó giúp họ vượt qua những khó khăn, trở ngại và ngày càng trở nên vững vàng, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến phức tạp trong mỗi ca vượt cạn mà sinh tử chỉ trong gang tấc. Các em sinh viên khi chọn nghề này, cần phát huy phẩm chất cao đẹp, xứng đáng với sự tin yêu của xã hội”- cô Quỳnh nói thêm.
Hướng đến lợi ích của cộng đồng
Một điểm thuận lợi là Cao đẳng Y tế Đồng Nai có môi trường công tác rất thân thiện, nhà trường luôn tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được học tập, nâng cao năng lực và phát huy tối đa sự sáng tạo trong công tác giảng dạy, rèn luyện kỹ năng nghề. Nắm bắt cơ hội đó, cô giáo Hà Thị Thu Quỳnh luôn nỗ lực phấn đấu, trau dồi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp và các đơn vị.
Năm 2021 khi tham dự Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc, phần trình giảng bài thực hành “Kỹ thuật đỡ đẻ ngôi mông” thuộc môn Chăm sóc chuyển dạ đẻ, cô giáo Hà Thị Thu Quỳnh đã xuất sắc đạt giải Nhất. Bài thực hành này được đánh giá cao bởi thao tác, kỹ năng hoàn chỉnh, thần thái lan tỏa sự ấm áp, ân cần với người được chăm sóc…
Nhắc về kỷ niệm đó, cô giáo Quỳnh cho biết: “Thực tế thời điểm đó, Đồng Nai là địa phương nóng về đỉnh dịch Covid-19, các thầy cô giáo, sinh viên nhà trường căng mình ngày đêm chống dịch, bất chấp hiểm nguy, vượt qua khó khăn, gian khổ. Nghĩ về cộng đồng, tôi tự nhủ cần phải quyết tâm, phấn đấu nhiều hơn nữa để có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng quý giá. Tôi luôn mong ước được cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là đối với phái nữ”.
Kiến thức nghề và kỹ năng nghề tốt cộng với sự gần gũi với sinh viên không chỉ giúp cô giáo Hà Thị Thu Quỳnh truyền lửa cho sinh viên qua bài giảng mà cô còn trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý cho rất nhiều sinh viên nữ. Những câu chuyện thầm kín được thổ lộ như: “ Cô ơi, em lỡ rồi…”, “ Cô ơi, em hai vạch rồi…”, “Cô ơi, em có tim thai rồi…”, “ Cô ơi, em có nên bỏ em bé không?”, “ Cô ơi, em sợ ba mẹ biết chuyện, em hoang mang quá…”… Điều đó khiến bản thân cô giáo Quỳnh luôn trăn trở.
Vì vậy, ngoài tập trung giảng dạy, cô Quỳnh đặc biệt chú trọng vấn đề tư vấn, truyền thông, giáo dục sức khỏe giới tính cho sinh viên, giúp các em có lối sống tích cực không đi quá giới hạn. Chuyên đề “ Ngừa thai an toàn và phòng tránh nhiễm khuẩn đường sinh sản” được tổ chức thường niên cho các em sinh viên năm thứ nhất, tại buổi sinh hoạt công dân đầu khóa. Từ ý nghĩa đó, cô Quỳnh cùng bộ môn đã chủ động kết nối chia sẻ kiến thức này cùng các em học sinh tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, cô Quỳnh nhận thấy những khó khăn, bất cập, không phải trường nào cũng quan tâm và ủng hộ. Điều cô giáo Quỳnh mong muốn là được phổ biến nhân rộng tại các trường THCS, THPT, Trung tâm GDTX, các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước. Đây cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, cần có sự gắn kết giữa gia đình, học sinh, sinh viên và nhà trường quan tâm, chia sẻ nhiều hơn nữa để các em vị thành niên, thanh niên có ý thức bảo vệ, phòng ngừa.
Thu Thủy