Phụ nữ chiếm tỷ lệ trên 50,23% dân số, phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trong độ tuổi lao động lên đến hơn 66%. Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2019, còn khoảng 79,5% lao động nữ trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo.
Tại Đại hội XIII của Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga đã có bài tham luận về “Quan tâm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nam Hà Thị Nga bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo chính trị và các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng thời biểu thị sự vui mừng, phấn khởi khi báo cáo chính trị và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới thể hiện rõ quan điểm bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội nhằm bảo vệ quyền của mỗi người dân. Điều đó khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị – xã hội và phát triển bền vững đất nước.
Tuy nhiên, từ góc độ an sinh xã hội, bà Hà Thị Nga cũng chỉ ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với những lao động di cư từ nông thôn ra thành thị. Kết quả điều tra cho thấy, 13,6% dân số cả nước là người di cư . Trong đó, nữ giới chiếm 55,5% . Hầu hết họ di cư đến làm việc trong các khu công nghiệp, đến thành phố làm các công việc ở khu vực phi chính thức. Đặc biệt, với những người lao động di cư, nhà ở là vấn đề hết sức bức thiết. Theo một thống kê, khoảng 80% công nhân đang phải thuê nhà ở trong các khu nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp; số công nhân được ở trong các khu nhà do doanh nghiệp xây dựng chiếm tỷ lệ rất thấp (5%).
Đối với nữ lao động di cư (công nhân, người bán hàng rong, lao động ở các chợ đầu mối, giúp việc gia đình, chăm sóc người ốm..v.v…) đều phải thuê nhà trọ. Để giảm chi phí, nhiều người chấp nhận ở chung, phòng trọ rất tạm bợ, chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 3 – 4m2 /người). Tình trạng sống chung khác giới, sống chung như vợ chồng cũng đã diễn ra ở nhiều khu nhà trọ, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Đặc biệt, trong số hơn 65% dân cư nước ta sống ở nông thôn, trong đó khoảng 48,5% là lao động nữ. Họ có mặt ở hầu hết các công việc của quá trình sản xuất, chế biến, kể cả những công việc nặng nhọc và độc hại… ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khoẻ, nhất là sức khoẻ sinh sản nhưng họ hầu như không được hưởng các chế độ thai sản.
Phụ nữ chiếm tỷ lệ trên 50,23% dân số, phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trong độ tuổi lao động lên đến hơn 66%, cao hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2019, còn khoảng 79,5% lao động nữ trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo. Đây là nhóm yếu thế trên thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn bình quân chung của cả nước, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp. Những vấn đề đó đã tác động rất nhiều đến cuộc sống gia đình, cơ hội phát triển nghề nghiệp và tạo ra bất bình đẳng đối với lao động nữ.
” Điều này cho thấy, để có cơ hội có việc làm thì lao động phải được đào tạo. Đào tạo nghề chính là chìa khóa để phụ nữ mở được cánh cửa việc làm, có thu nhập ổn định” – Chủ tịch Hội LPPN Việt Nam nêu.
Từ những vấn đề nêu ra, Chủ tịch Hội LHPN Hà Thị Nga kiến nghị, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách có lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ nông thôn, phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội.
“Đặc biệt, cần coi đây là vấn đề nền tảng phúc lợi, là ưu việt mà chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại cho mỗi người dân để từng bước quan tâm giải quyết” – Bà Hà Thị Nga nhấn mạnh.
Theo Baodansinh