08/11/2022 11:32:51

Gần 6.000 công nhân bị ảnh hưởng thu nhập do DN thiếu hụt đơn hàng cuối năm

Qua khảo sát nhanh, Sở LĐ-TB&XH TP HCM cho biết khoảng 234 doanh nghiệp (DN) có quy mô từ 200 lao động trở lên ở các Khu Công nghiệp – Khu Chế xuất, Khu Công nghệ cao thì có 109 DN có nhu cầu tuyển dụng hơn 3.700 lao động; 125 DN không có nhu cầu tuyển dụng; có 8 DN cắt giảm 39 lao động và có 83 DN bị thiếu đơn hàng.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, TP HCM có 22 DN gửi phương án sắp xếp lao động đến sở. Qua thống kê, tổng số lao động bị cho thôi việc là 1.643 người. Sở LĐ-TB-XH cũng đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố gặp trực tiếp đại diện các DN cắt giảm lao động; đồng thời phối hợp Phòng Việc làm – An toàn lao động, Phòng Lao động – Tiền lương – Bảo hiểm Xã hội phê duyệt phương án, có kế hoạch tổ chức tiếp xúc với Công đoàn cơ sở, người lao động tại công ty thu hẹp sản xuất… để tổ chức lại lao động thông qua kết nối việc làm.

Tình trạng mất việc làm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH đã thống nhất thành lập tổ liên ngành để khảo sát lại nhu cầu sản xuất kinh doanh ở các đơn vị thiếu hụt đơn hàng hoặc nơi đang có đơn hàng giảm trong quý IV/2022 và quý I/2023 để các bên có phương án xử lý.

Phân loại 3 nhóm doanh nghiệp bị giảm đơn hàng

Thống kê từ Công đoàn các Khu Công nghiệp – Khu Chế xuất (KCX-KCN) tại TP.HCM, hiện nay có hơn 5500 công nhân của gần 60 doanh nghiệp tại 17 KCX-KCN thành phố bị ảnh hưởng của việc doanh nghiệp bị giảm đơn hàng.

Nguyên nhân do giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, trong khi mùa đông ở Châu Âu đang bắt đầu. Từ những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân các nước Mỹ, Châu Âu, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm…. Cụ thể nhóm đơn hàng bị ảnh hưởng nặng nhất tập trung vào các ngành hàng như: nữ trang, thời trang cao cấp, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm từ gỗ,….

Cụ thể chia thành 3 nhóm doanh nghiệp như:

Nhóm 1: Có báo cáo cụ thể về Công đoàn các KCX-KCN thành phố là hơn 50 doanh nghiệp với gần 6000 công nhân bị ảnh hưởng.

Nhóm 2: Nhóm giảm giờ làm (giảm hoặc không tăng ca) nhóm này không chấp nhận việc giảm đơn hàng mà chỉ đồng ýlà giảm giờ làm, nhưng vẫn đảm bảo công nhân làm 8 giờ/ngày. Theo đó, nếu công nhân làm việc không tăng ca, thu nhập bị giảm từ 3 – 4 triệu đồng/tháng.

Nhóm 3: Nhóm có giảm đơn hàng thực tế nhưng họ không biết được công ty mẹ có tiếp tục rót đơn hàng về công ty hay không. Bên cạnh đó, có thể nhóm này giấu thông tin vì lo ngại nếu thông tin giảm đơn hàng thì công nhân bỏ việc tại công ty, làm ảnh hưởng sản xuất của công ty nếu có đơn hàng trở lại (nhóm này chiếm phần lớn số lượng).

Công nhân ngành may mặc đang làm việc ở Khu Chế xuất

Trước khó khăn chung, công ty đang hoạt động chỉ khoảng 50% công suất và buộc phải giảm giờ làm việc của công nhân. Doanh nghiệp không ép công nhân nghỉ mà chỉ giảm giờ làm để giữ nguồn nhân lực. Tuy nhiên, người lao động tự xin nghỉ về quê, rồi xin nghỉ giải quyết việc riêng. “Thực tế 25% số lao động đã nghỉ làm so với trước đây” – một Giám đốc Nhân sự của doanh nghiệp cho biết.

Người lao động: “Tết này, phải tính sao?”

Chia sẻ với chủ bút, anh Ngô Thanh Tính (quê Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, bản thân làm việc trong công ty may mặc ở KCN Tân Thuận, đã thất nghiệp gần 3 tháng nay. “Tôi làm việc ở đây gần 20 năm, do công ty thiếu nguyên liệu và đơn hàng nên bị cắt giảm nhân sự. Vợ tôi hiện vẫn còn việc làm nhưng chỉ được nhận lương cơ bản mỗi tháng gần 6 triệu đồng. Với thu nhập như hiện nay, hai vợ chồng cầm cự sống ở đất khách đã khá chật vật mà còn phải nuôi hai con nhỏ ở quê nhà. Tạm thời tôi đang chạy xe ôm công nghệ để duy trì thu nhập, đã cận Tết nên khó xin việc lắm. Nghĩ đến Tết về quê mà không có tiền nên tôi lo lắng và hoang mang quá!”, anh Tính trần tình mà đôi mắt đã đỏ hoe.

Đang chuẩn bị hành trang để về quê, chị Nguyễn Hồng (quê Cà Mau) nói trong nước mắt, chị làm việc tại một công ty may mặc ở TP. HCM, thời gian này ngành nghề may mặc đang rơi vào tình cảnh khó khăn chung nên sau khi nghỉ ở công ty cũ, chị cũng chẳng thiết tha đi tìm việc ở nơi khác.

Hoàn cảnh gia đình hiện nay rất khó khăn, tôi quyết định sẽ về quê làm ruộng, có gì ăn nấy. Trong khả năng của mình, tôi không tự tin để đi xin việc ở lĩnh vực khác ngoài may mặc. Mấy ngày nay tôi mất ăn, mất ngủ, cảm thấy không còn sức sống nữa. Giờ giống như phía trước là vực thẳm vậy đó, tiến hay lùi gì thì cũng khổ. Thật sự là tôi không thể thất nghiệp được, gia đình tôi phải ra sao đây”, chị Hồng nghẹn ngào cho biết.

Công nhân đang làm việc ở các KCN trong giờ tan ca (nguồn Internet)

Nhìn nhận từ việc doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải cắt giảm số lượng lớn nhân sự, hàng chục nghìn công nhân đang làm việc ở các KCN trọng điểm buộc phải “hồi hương” hoặc tìm kiếm công việc khác để đắp đổi cuộc sống qua ngày.

Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định, người lao động (NLĐ) cần lưu ý thêm tổng thời gian đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) để tính trợ cấp thôi việc, mất việc (TCMV); thời gian nghỉ hằng tuần theo điều 111, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo điều 112, điều 113, điều 114, khoản 1 điều 115… Cho nên, NLĐ làm việc tại công ty từ ngày 1-1-2009 trở về sau và có tham gia bảo hiểm thất nghiệp vẫn được hưởng TCMV làm mức tối thiểu 2 tháng tiền lương nếu quá trình làm việc có các thời gian kể trên khi bị chấm dứt HĐLĐ.

Cùng với lương, thưởng, phúc lợi, các chế độ trợ cấp thôi việc, mất việc phải được doanh nghiệp giải quyết đúng quy định để hạn chế thiệt thòi cho người lao động.

Quang Trung