Chị Nguyễn Thị Kim Thanh – Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Nhân Ái, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Nhân Ái có đôi mắt nhân từ và chưa bao giờ cạn vơi năng lượng. Ở chị tràn đầy tâm huyết và kiên trì với một lĩnh vực, một nghề đặc biệt- nghề chăm sóc người cao tuổi (NCT). Có lẽ vì vậy, chị có khả năng truyền cảm hứng kỳ lạ đến với những bạn trẻ đang theo nghề điều dưỡng viên.
Thế nhưng, mỗi khi chúng tôi đặt vấn đề viết bài về mình, chị Nguyễn Thị Kim Thanh luôn từ chối và đề nghị dành sự tôn vinh ấy cho đội ngũ điều dưỡng viên của mình, với mong muốn xã hội có cách nhìn bằng sự thấu cảm, trân quý với những người điều dưỡng viên chăm sóc NCT.
Hà Nội đã vào thu, nhưng tiết trời vẫn oi nóng như rang, đích thân chị Thanh lái xe đưa chúng tôi đi trải nghiệm, thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt đô thị đến với không gian thoáng đãng, trong lành của Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Nhân Ái. Từ nội thành đến Trung tâm chưa đầy 10 km, những nếp nhà đơn sơ bình dị khiêm tốn tọa lạc cách đường Văn Tiến Dũng khoảng 100m, thuộc địa phận phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Nhân Ái rất gọn gàng và xinh xắn, những dãy nhà liền kề nằm gọn trong khuôn viên cây xanh do Chị Thanh tự thiết kế. Bề ngoài tuy đơn giản, nhưng khi khám phá mới thấy hết công năng và mục đích sử dụng thực sự tiện ích, phù hợp với việc chăm sóc NCT. Từ trong mỗi phòng riêng nhìn ra khung cửa sổ, khuôn viên cây xanh chung luôn mát rượi, ánh sáng tự nhiên tràn ngập dưới khoảng trời bình yên. Trong cái chung thấy cái riêng và trong cái riêng vẫn thấy cái chung, rất phù hợp với những NCT, cần không gian xanh, cần sự gần gũi với thiên nhiên nhưng vẫn thuận lợi trong sử dụng.
Đồng hành cùng các cụ đang sinh sống tại Trung tâm là đội ngũ hơn 30 nhân sự làm công tác quản lý điều hành chuyên môn, nhân viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc…
Nhiều điều dưỡng viên đã gắn bó nhiều năm với nơi này như: Nguyễn Thị Minh Đức, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Thị Hồng Hà, Lê Văn Thành, Nguyễn Thị Thảo Mơ, Nguyễn Thanh Ngà…, là những quản lý chuyên môn vững vàng, kiên định. Để tình yêu với nghề đủ lớn, họ đều phải vượt qua tất cả những cảm giác, những hành động mà ở độ tuổi như họ thường khó có thể vượt qua trong sự lựa chọn nghề nghiệp và trong công việc hàng ngày.
Ngoài một phần nhỏ chuyên môn đã học tại nhà trường áp dụng vào thực tế, tính chất công việc đòi hỏi ở người chăm sóc, điều dưỡng viên không chỉ kỹ năng mà cả lòng nhiệt thành, tình cảm gắn bó với các cụ như chính những người ông, người bà, người thân yêu ruột thịt của mình.
Trung tâm có 100 giường nằm ở các khu, phòng chăm sóc thường và chăm sóc đặc biệt nhưng luôn kín chỗ. Guồng máy thời gian lôi cuốn họ vào công việc, lịch trình chăm sóc ở Trung tâm là 24/24 giờ mỗi ngày và 365 ngày một năm. Do vậy đội ngũ nhân viên chăm sóc, túc trực thường xuyên phân theo ca kíp. Thể trạng các cụ đến đây gần như đều yếu, mắc nhiều bệnh lý nền của tuổi già, cần được hỗ trợ chăm sóc, phục hồi chức năng vận động.
Mỗi cụ đến đây, dù có những hoàn cảnh khác nhau nhưng sự gửi gắm của gia đình đến Trung tâm, đến với những điều dưỡng, chăm sóc viên là sự tận hiếu của con cái với ông bà cha mẹ.
Cũng chính vì thế, mỗi nhân viên, điều dưỡng viên nơi đây đều nhận rõ trách nhiệm công việc của mình, gắn trách nhiệm của mình như người thân của các cụ trong tất cả các sinh hoạt, chăm sóc toàn diện hàng ngày, từ dinh dưỡng, sức khỏe đến luyện tập và đời sống tinh thần.
Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Đức – Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, gắn bó với Trung tâm đến nay đã 13 năm. Mỗi ngày đều đặn 50km cả đi và về từ Mê Linh đến Bắc Từ Liêm làm việc, nắng gió làm nước da trắng ngần của chị có phần nám sạm, nhưng không cản được sự tận tụy chân thành, chị làm việc bằng cả trái tim và tình yêu thương nồng ấm. 100 cụ đang được chăm sóc tại đây là từng đó hồ sơ chị quản lý, theo dõi chi tiết và điều hành chuyên môn hàng ngày, từ bữa ăn, giấc ngủ, diễn biến sức khỏe, các hoạt động luyện tập và vui chơi của các cụ.
Trải nghiệm công việc một ngày cùng chị Đức mới thấy, những điều tưởng như rất đơn giản ấy lại không hề đơn giản chút nào. Trong số các cụ có ở Trung tâm, chỉ có khoảng 30% các cụ có khả năng giao tiếp minh mẫn, 30% các cụ ở khu chăm sóc đặc biệt gần như chuyển sang giai đoạn chăm sóc cuối. Phần lớn các cụ trí nhớ không còn minh mẫn và mắc bệnh teo não, cùng nhiều bệnh lý nền như: huyết áp, mỡ máu, xương khớp, tiểu đường… Riêng việc lên thực đơn cho các cụ hàng ngày, sao cho phù hợp với thể trạng sức khỏe của mỗi cụ ngày hôm đó, đòi hỏi ở người quản lý chuyên môn như chị Đức cần có sự tính toán chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp. Mỗi cụ là một thể trạng sức khỏe khác nhau, việc theo dõi chăm sóc diễn biến sức khỏe của các cụ vô cùng quan trọng, hàng ngày đều được ghi nhật ký trong hồ sơ chi tiết, từ đó tiên lượng tình trạng sức khỏe, cùng phối hợp với người thân của các cụ để có những phương án tối ưu.
Những công việc thường nhật cho dù nhỏ nhất để hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày như: chải tóc, đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh, tập đi, cho ăn, uống thuốc, đo huyết áp, nhịp tim với những cụ có bệnh lý nền phải làm từ 2- 3 lần/ngày; mát xa, xoa bóp, vật lý trị liệu 2 lần/ tuần… đều đặn theo lịch. Tất cả những công việc đó đều qua bàn tay săn sóc khéo léo của đội ngũ điều dưỡng, chăm sóc và đòi hỏi kỹ năng chuyên biệt. Chỉ cần lơ là, sơ xảy trong các quy trình chăm sóc là có thể xảy ra điều không mong muốn. Có những khi các cụ không kiểm soát được vấn đề vệ sinh, việc đóng bỉm chỉ mang tính chất đề phòng, còn vẫn phải nắm được quy luật khung giờ nào để đưa các cụ đi vệ sinh cho sạch sẽ. Việc tắm cho các cụ đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt, nhất là mùa đông, khi sức khỏe người cao tuổi nhạy cảm và dễ diễn biến xấu.
Tính chất công việc tỷ mỷ, ngoài những vấn đề kỹ năng chuyên môn nhuần nhuyễn, thuần thục, khéo léo, đòi hỏi người chăm sóc phải kiên trì, nhẫn nại… Đôi lúc các cụ mắng xơi xơi, ăn rồi bảo chưa ăn và lại đòi ăn, trời tối bảo là trời sáng đòi ra ngoài đi dạo.v.v. Muôn vàn tình huống phải khéo lựa, khéo chiều, điều dưỡng viên phải coi đó là chuyện rất bình thường và nhẹ nhàng can thiệp để các cụ bình tâm, đòi hỏi điều dưỡng viên có khả năng quản lý cảm xúc tiêu cực rất tốt.
Thời gian cứ trôi, chỉ có tình yêu nghề, yêu người ở mỗi điều dưỡng viên để truyền động lực cho nhau, làm công việc ngày càng tốt hơn. Người điều dưỡng viên ngoài việc chăm sóc còn trong vai trò là người bạn cùng chơi những trò chơi thể thao, cắt dán thủ công hay cùng trò chuyện với các cụ, khơi gợi trí nhớ của các cụ trong quá khứ, đọc báo cho các cụ nghe… Với các cụ, những giây phút thư thái tìm lại chính mình cùng đội ngũ điều dưỡng viên, chăm sóc viên qua tâm sự, trò chuyện chính là hạnh phúc nhỏ nhoi và hiếm hoi của tuổi già.
Chị Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết: “Các bạn trẻ chọn ngành điều dưỡng, duyên là một chuyện, nhưng trụ được trong nghề hay không lại là cả một quá trình. Ai cũng bắt đầu công việc khi tuổi đời mới ngoài đôi mươi, chưa phải va chạm nhiều trong cuộc sống, chưa phải lao động vất vả và có nhiều hoài bão, nhiều ước mơ… Để trụ được với nghề này, các bạn phải nỗ lực vượt qua nhiều thử thách, kiên trì tận tụy làm nghề với cái Tâm của một người điều dưỡng chân chính. Cũng có nhiều bạn ban đầu sốc với công việc thực tế, khi phải hỗ trợ vệ sinh, tắm rửa cho các cụ…”.
Với nền tảng là những kiến thức chuyên môn được đào tạo trong trường về bệnh lý, về y tế, để làm tốt công việc chăm sóc, các bạn phải chịu khó học hỏi và rèn luyện thêm những kỹ năng chăm sóc toàn diện, những hiểu biết về tâm sinh lý tuổi già, những kỹ năng mềm trong giao tiếp ứng xử như nhẫn nhịn nhẹ nhàng với các cụ…
“Thực lòng là, phải có một tình yêu đủ lớn với NCT mới có thể giúp các bạn điều dưỡng viên vượt qua được những thử thách đó và ở lại với nghề. Tôi rất khâm phục tinh thần nỗ lực và sự hy sinh vì công việc của các bạn.
Tại Trung tâm Nhân Ái, chúng tôi chăm sóc các cụ quanh năm không một ngày nghỉ, ngày lễ ngày tết đều ko được sum vầy trọn vẹn bên gia đình. Chứng kiến những cuộc điện thoại vào lúc 0 giờ đêm giao thừa, khi họ tranh thủ gọi về nhà chúc Tết bố mẹ và dỗ con với lời hứa mấy hôm nữa trực tết xong ba mẹ về; những giọt nước mắt lặng thầm rơi xuống khi các cụ do lẫn lộn rồi mắng chửi nhân viên vô cớ; những đôi tay thoăn thoắt ần cần lau chùi, tắm rửa sạch sẽ cho các cụ khi các cụ qua đời…, và còn rất nhiều, rất nhiều những điều ý nghĩa nữa mà các bạn điều dưỡng viên đã làm được. Đó là những điều trân quý và rất đang tự hào về họ”, chị Thanh chia sẻ.
Giống như một bệnh viện thu nhỏ, khi màn đêm buông xuống, tại Trung tâm Chăm sóc NCT Nhân Ái vẫn luôn đảm bảo có một đội ngũ chuyên trách chuyên môn, với kỹ năng và trình độ kinh nghiệm dự đoán tình huống xấu chuẩn xác. Ở đây có sự khác biệt rất lớn về chăm sóc giữa ca ngày và ca đêm. Nếu như ca ngày, lịch hoạt động vui chơi, ăn uống, sinh hoạt tập thể… với nhiều điều dưỡng, chăm sóc viên cùng tham gia thì ca đêm lại là sự túc trực, kiểm soát và sẵn sàng với những tình huống xảy ra. Ca đêm thường bắt đầu từ 19 giờ tối đến 8 giờ sáng hôm sau, ca trực thuộc về những điều dưỡng viên, chăm sóc viên phải có kinh nghiệm dày dặn về chuyên môn và áp lực tâm lý hơn rất nhiều so với ca kíp làm việc ban ngày. Để làm được ca đêm chăm sóc NCT, nhất là ở khu chăm sóc đặc biệt, người điều dưỡng phải trải qua thời gian thử việc khắt khe và được đánh giá theo tiêu chí chuẩn của người quản lý chuyên môn.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hồng Hà – Trưởng Khu Chăm sóc đặc biệt và Bùi Văn Nguyên – Trưởng Khu an dưỡng gắn bó với công việc ca đêm cả mười năm nay cho biết: “Điều kiện để trở thành nhân viên trực đêm, điều dưỡng viên đều phải trải qua 6 tháng học việc, thử việc, trải nghiệm thực tế qua đánh giá đủ điều kiện làm nhân viên chính thức mới được đào tạo làm đêm trong sự kèm cặp của cán bộ quản lý”.
Bóng dáng của Hà và Nguyên không thể thể thiếu trong những ca kíp trực đêm, cứ một tháng họ làm việc 10 ngày ca đêm thay phiên nhau. Đó đều là những đêm thao thức, có những đêm thức trắng bởi những sự cố bất ngờ xảy ra. Có khi buổi chiều các cụ còn khỏe, chuyện trò vui vẻ, buổi tối đã tăng huyết áp mà không hề có dấu hiệu báo trước.
Nhớ lại buổi đầu tiếp cận những ca như vậy, họ đều có chung cảm giác lo lắng, toát mồ hôi hột, đầu óc căng như dây đàn… Nhưng với bản lĩnh của tuổi trẻ, những nỗi sợ được chế ngự và trong giây phút quyết định sự sống, họ đã nhiều lần đánh bại được tử thần, cùng với gia đình đưa các cụ đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Những ca đột ngột như vậy xảy ra thường xuyên, từ cảm giác lo sợ đến loạn nhịp tim, đến lúc dạn dày kinh nghiệm xử lý, không để điều đáng tiếc xảy ra… là cả một quá trình đối diện với thực tế, rút kinh nghiệm từ các sự cố. Hàng đêm, những bước chân lặng lẽ đều đều kiểm tra từ khu chăm sóc thường đến khu chăm sóc đặc biệt, theo dõi từng hơi thở trong đêm thanh vắng tĩnh mịch cho đến khi trời chạng vạng chuyển sáng. Kết thúc ca trực mà không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra mới là lúc Hà và Nguyên thấy ấm lại.
Mỗi ngày mới bắt đầu, những điều dưỡng viên như Hà và Nguyên ở Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Nhân Ái lại bắt đầu nhịp điệu công việc như thường ngày: tận tụy, ân cần và nhiệt huyết đến lạ thường…
Thiết kế: Thúy Anh
- [E-Magazine] Những đứa trẻ ngây ngô… với trung thu ấm áp tại Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Thuận Thành
- [E-Magazine] Trung thu đầm ấm ở Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Nhân Ái
- [E-Magazine] Cõng nghề lên non cho “A Phủ”: Chuyện về ngôi trường “Tây” ở Bắc Kạn
- [E-Magazine] Viettel lab là mạng di động 4G hoàn chỉnh để sinh viên thực hành và thực nghiệm trực tiếp
- [E-Magazine] Đại sứ nghề Việt Nam 2020: Nguyễn Duy Thanh – Từ cậu bé nghiện game đến xuất sắc giành huy chương thế giới