Cùng đạt Huy chương Vàng nghề tự động hóa công nghiệp tại kì thi tay nghề ASEAN, 2 anh em ruột Nguyễn Văn Long và Nguyễn Văn Thiết được vinh danh là 2 trong số 10 đại sứ nghề Việt Nam năm 2020.
Là 1 trong 10 gương mặt đại sứ nghề Việt Nam, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thiết khiến nhiều người chú ý đặc biệt bởi câu chuyện “hiếm gặp”. Em bỏ ngang cánh cổng Đại học để rẽ sang học nghề, một điều mà trước đây chính bản thân em nghĩ là “kém sang” thậm chí có chút xấu hổ và tự ti. Nhưng kết quả bất ngờ, khó ai tin được chàng trai ấy giành Huy chương Vàng kỳ thi Tay nghề ASEAN rồi được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Trượt đại học nguyện vọng 1 năm 2013, Thiết đỗ nguyện vọng 2 một trường Đại học ở Vinh nhưng chỉ học một thời gian ngắn là em tự rút hồ sơ, xin đi làm thêm ngoài Hà Nội. Nhắc lại kỉ niệm ấy với Thiết vẫn là một bước ngoặt liều lĩnh: “Thực ra em biết quyết định của mình là không an toàn, thậm chí vướng vào sự phản đối của gia đình. Nhưng em nghĩ kĩ rồi, em không đam mê ngành học đó, cảm giác mình không muốn theo nên nghỉ sớm. Lúc đó hoàn toàn em chưa có hướng đi cụ thể hay là lựa chọn một cái gì khác để học. Em nghĩ trước mắt đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày đã rồi dần dần trong đầu mình sẽ có hướng đi rõ ràng”.
Nguyễn Văn Long giành giải Nhất thi nghề quốc gia và được chọn vào đội tuyển đại diện Việt Nam tham gia kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ 10 (2014).
Thiết làm đủ các nghề từ bốc gạch thuê, chuyển nhà thuê, phụ hồ, phụ mộc, lau chùi ô tô… nhưng không may gặp cảnh nợ lương, chậm lương, thậm chí là không trả lương từ các nhà thầu. Rồi có những ngày em dậy từ 4h30 đi bộ 3km đi làm cho kịp giờ với đồng công rẻ mạt nhận được là 40k.
Sau 1 năm đi phiêu bạt, em dần nhận ra em phải có 1 nghề “hẳn hoi” chứ chờ đam mê sẽ không biết đến bao giờ. Cùng lúc đó, anh trai của Thiết là Nguyễn Văn Long giành giải Nhất thi nghề quốc gia và được chọn vào đội tuyển đại diện Việt Nam tham gia kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ 10 (2014). Long là tấm gương để Thiết có động lực, quyết tâm nộp đơn vào theo học nghề tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.
Khi ấy Long đang học khóa 2, học nghề lắp đặt và điều khiển điện tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội. Chứng kiến những gì anh đạt được, Thiết nộp hồ sơ xin vào trường anh trai học, cho dù thời điểm đó đã muộn hẳn 1 học kì.
Thật thà chia sẻ, Long cho biết để thuyết phục được cậu em trai cá tính này không phải chuyện đơn giản. Vì thời điểm trước đó, vừa đi làm, Thiết vẫn nuôi mơ ước “Thi bằng được vào trường Đại học mà em mong muốn”. Và cũng vì suy nghĩ “Học nghề là kém sang” nên không mấy dễ dàng gì để em trai quyết định đăng kí vào trường Cao đẳng học nghề.
Chia sẻ về quan điểm này, Long nhấn mạnh: “Suy nghĩ học kém mới vào học nghề là quan điểm khá lâu rồi của nhiều người. Nhiệm vụ của chúng ta cần thay đổi tư duy, quan điểm lỗi thời đó để hội nhập với thế giới.
Bằng chứng rõ ràng là với thành tích Long đạt được đã truyền cảm hứng đến với em trai và nhiều các bạn trẻ khác. Long phân tích cho em trai: “Thực tiễn bây giờ các bạn trình độ Đại Học khá nhiều đồng nghĩa với việc lý thuyết các bạn ấy rất tốt, tuy nhiên sau khi tốt nghiệp ra trường và làm việc ngay tại doanh nghiệp thì cần 1 quảng thời gian khá dài (tùy vào từng cá nhân mỗi người) để có thể đáp ứng chuyên môn mà doanh nghiệp cần.
Vì vậy cho nên Đại Học hay Học Nghề đều là việc lớn nhưng cuối cùng mà doanh nghiệp cần là kỹ năng tay nghề đáp ứng được yêu cầu của công việc đề ra. Cho nên học nghề để có kỹ năng tốt, đảm bảo cho yêu cầu của doanh nghiệp thì vai trò của học nghề cực kỳ quan trọng khi lập nghiệp”.
Được tiếp lửa từ chính anh trai, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thiết “lao vào” học và tìm tòi sáng tạo theo cách riêng của mình. Còn nhớ như in những ngày khổ cực sống tại kí túc xá, em xúc động: “Bữa chính của em là mì gói, thi thoảng mới có miếng thịt, quả trứng. Em đặt mục tiêu tiết kiệm, mỗi tháng chỉ chi tiêu 700 nghìn đồng cho ăn uống.
Mùa đông năm 2015, thời tiết khắc nghiệt, em nằm trên chiếc giường tầng với manh chiếu cũ kỹ, phải mặc rất nhiều lớp quần áo chống rét để ngủ. Vì nếu bỏ tiền ra mua chăn, sẽ lạm vào tiền ăn”.
Chính những tháng ngày khó khăn, vất vả ấy đã tôi luyện nên một “chiến binh” để giành chiến thắng trong nhiều cuộc thi nghề trong và ngoài nước. Trong kì thi tay nghề ASEAN năm 2016, Thiết giành Huy chương Vàng nghề tự động hóa công nghiệp, sau anh trai đúng 2 năm. Hiện em đang làm kĩ thuật viên cao cấp của nhà máy sản xuất ô tô Vinfast Hải Phòng với mức lương nhiều bạn trẻ mơ ước.
Hai anh em Nguyễn Văn Long và Nguyễn Văn Thiết vinh dự trở thành 2 trong số 10 đại sứ nghề Việt Nam năm 2020 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lần đầu tiên công bố. Nhắc đến điều này, hai anh em chia sẻ: “Trở thành đại sứ nghề là niềm tự hào không chỉ cho bản thân, gia đình, quê hương và cả với những bạn trẻ trưởng thành, đi lên từ trường nghề”.
Hiểu được trách nhiệm của một đại sứ nghề, Long cho biết: “Muốn lan tỏa được những giá trị tốt đẹp và tích cực đến mọi người, hãy bắt đầu từ những người gần mình nhất và cách ngắn nhất cũng như hiệu quả nhất đó là cho mọi người thấy sự thành công của bản thân mình. Ví dụ em giành Huy chương Vàng Tự Động Hóa 2014, là động lực để em trai Nguyễn Văn Thiết giành Huy chương Vàng Tự Động Hóa 2016. Nhìn 2 anh như vậy, em con nhà chú của Long cũng đang chuẩn bị thi Tay Nghề Tự Động Hóa Việt Nam 2020 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2020 này…”
Với Thiết, em suy nghĩ vượt qua sự giới hạn của bản thân mới mong gặt hái được những kết quả bất ngờ. Trở thành gương mặt đại sứ nghề, em muốn gửi gắm đến các bạn trẻ câu nói mà em luôn tâm đắc nhất, đó là: “Đừng vì khó khăn mà từ bỏ, đừng vì vất vả mà nản chí. Sự ham chơi năm 20 tuổi sẽ tạo ra sự bất lực của tuổi 30. Sự bất lực của năm 30 tuổi sẽ tạo ra sự vô dụng ở tuổi 40. Sự vô dụng năm 40 tuổi tạo ra 1 cuộc đời thất bại”.
Nội dung: Hồng Phúc
Thiết kế: Thúy Anh