Với việc đưa sản phẩm phần mềm số hóa DKS-Sinova, ứng dụng mô phỏng, thực hành ảo vào đào tạo tại nhiều cơ sở dạy nghề, kỹ sư ngành Cơ tin học, doanh nhân Phan Thành Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Điện tử tự động hóa DKS đã vinh dự được đứng trong Top 10 Giải thưởng Sao Khuê năm 2022, vinh danh các dịch vụ ngân hàng số, nền tảng điện toán đám mây, chuyển đổi số và tự động hóa…
DKS –Sinova cũng là sản phẩm tạo dựng tên tuổi để Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Điện tử tự động hóa DKS được đánh giá xuất sắc với vị trí ngang hàng cùng các doanh nghiệp nổi tiếng như: FPT, VNPT, BRAVO, Vinshop… khi mang lại hiệu quả thiết thực, rút ngắn được thời gian, chi phí đào tạo cùng vô số lợi ích cho cả người học, nhà trường và doanh nghiệp.
Đối với Phan Thành Dũng, thành quả hiện tại của DKS-Sinova là kết quả của sự sáng tạo không ngừng, liên tục nâng cấp những phiên bản cũ để cho ra đời những phiên bản mới có tính năng vượt trội, ưu việt hơn.
Phần mềm công nghệ mô phỏng của Phan Thành Dũng được tích hợp các nội dung giảng dạy đa dạng, phong phú với hàng trăm mô-đun để người học có thể lựa chọn bất kỳ mô-đun nào, thực hành thoải mái trên các thiết bị phần mềm công nghệ mô phỏng.
Rồi cơ duyên đến với anh năm 2006, khi yêu cầu công việc khiến anh tiếp xúc nhiều với các thiết bị trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề khi đó không có các tính năng thông minh để “ghi nhớ” các nội dung, mô-đun, học liệu số.
Từ đó, Phan Thành Dũng cùng các cộng sự của mình là đội ngũ kỹ sư giỏi, nhiệt huyết bắt tay với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp quyết tâm nghiên cứu, tham khảo các mô hình tiên tiến trên thế giới để xây dựng phần mềm mô phỏng ảo, số hóa học liệu với các mô-đun đào tạo mang tính trực quan ở nhiều ngành nghề phù hợp với thực tế của doanh nghiệp, cụ thể hóa bằng việc cho ra đời phần mềm số hóa và học liệu số mô phỏng DKS- Sinova.
DKS-Sinova có thể mô phỏng, xử lý các bài tập bất kỳ không giới hạn, không sợ sai trước khi đưa vào thực hành thật (vì nếu thực hiện thao tác sai, thiết bị tự động trên hệ thống sẽ cảnh báo).
Với việc áp dụng mô hình số hóa mô phỏng DKS-Sinova trong giảng dạy, chất lượng đào tạo các nghề như: Nghề Điện, Điện tử Công nghiệp, Công nghệ ô tô, Cơ điện tử… ở các trường nghề Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, Cao đẳng Việt – Hàn Bắc Giang, Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore được nâng lên rõ rệt.
Điều làm Phan Thành Dũng tâm đắc với DKS-Sinova chính là anh được đóng góp trí tuệ của mình, tạo nên một “di sản” về học liệu số cho xã hội, cho giáo dục nghề nghiệp, tạo ra môi trường dạy và học thông minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vượt bậc hơn nhiều so với phương thức dạy nghề truyền thống.
“ Trong giáo dục nghề nghiệp hay bất cứ nền tảng giáo dục nào cũng đều cần đến hai yếu tố kiến thức và kỹ năng. Trong kỹ năng lại có 2 phần, kỹ năng thực hành và kỹ năng về tư duy. DKS-Sinova đã đạt đến trình độ tạo ra một hệ sinh thái học tập tương đối hoàn chỉnh. Trải nghiệm học tập trên môi trường số, không gian số, người học được tiếp cận với các mô phỏng về định tính giúp cho việc tiếp thu kiến thức dễ dàng; được tiếp cận các mô phỏng định lượng giúp cho người học có kỹ năng tư duy để ứng dụng vào cuộc sống một cách nhanh nhất” – Phan Thành Dũng chia sẻ.
Ông Trương Văn Tâm – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh (BCEC) cho biết: “Bắt nhịp chuyển đổi số, BCEC đã sớm đầu tư hệ thống phòng học số ứng dụng DKS-Sinova trong đào tạo các nghề: Điện, Điện tử công nghiệp, Công nghệ ô tô và trong tương lai sẽ mở rộng và ứng dụng cho nhiều ngành, nghề khác. Công nghệ thực hành ảo trong đào tạo nghề cùng DKS-Sinva cho thấy nhiều tính năng vượt trội, ưu việt: tiết kiệm vật tư thực hành, đảm bảo an toàn lao động khi bước vào thực tế. Bởi trên thực tế lao động, nếu thực hiện không đúng, chẳng hạn trong đấu nối mạch điện có thể xảy ra cháy nổ bất ngờ là điều không tránh khỏi. Nhưng khi người học được thực hành trên thiết bị thực hành mô phỏng ảo, điều đó hoàn toàn được cảnh báo. Vì thế người học rút ra được những kinh nghiệm, đảm bảo an toàn lao động trong điều kiện thực tế”.
Cũng theo Phó hiệu trưởng Trương Văn Tâm, điều kiện thực tế của mỗi trường nghề sẽ không bao giờ đáp ứng và đuổi kịp được sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ ở tất cả các ngành, nghề vì nó đòi hỏi chi phí đầu tư khổng lồ. “Nhưng với công nghệ thực hành mô phỏng ảo, những công nghệ mới nhất có thể được cập nhật nhanh nhất, giúp người học sớm được tiếp cận và áp dụng ngay vào thực tế. Vậy nên, việc sử dụng các ứng dụng mô phỏng ảo như DKS-Sinova thực sự hữu ích, kinh tế và hiệu quả”- ông Trương Văn Tâm nhấn mạnh.
Nhắc đến chuyển đổi số, phần lớn số đông đều khó hiểu, xem đó là lĩnh vực trừu tượng khó tiếp cận. Nhưng tận mắt trải nghiệm, đến với “lớp học số” không gian 3D mới thấy sức hút mới lạ, hấp dẫn mà công nghệ DKS-Sinova mang lại cho các trường nghề.
Không có âm thanh ồn ào, không mùi dầu mỡ, những phòng thực hành ảo áp dụng phần mềm DKS-Sinova chỉ có kính thực tại ảo và thiết bị chuyên dụng cầm tay kết nối với máy tính. Sinh viên vẫn thoăn thoắt thực hành các kỹ năng đấu nối điện, cầm cờ lê, mỏ lết tháo vặn, lắp ráp các thiết bị trên động cơ ô tô…thuần thục như thật.
Sinh viên Nguyễn Thế Anh, khoa Công nghệ ô tô, trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho biết: “Thực hành trên mô phỏng ảo 3D rất hứng thú, sinh động không khác gì đời thực giúp sinh viên dễ dàng đúc kết kinh nghiệm và áp dụng được ngay vào thực tế”.
Các mô-đun chi tiết của từng nghề được DKS-Sinova xây dựng với nhiều dạng bài tập, diễn tả cấu tạo, các nguyên lý hoạt động của nhiều hệ thống máy móc dưới nhiều góc độ giúp người học dễ dàng quan sát, hình dung và tiếp nhận bài học một cách dễ dàng.
Cũng từ góc độ của một trong những trường đang áp dụng công nghệ mô phỏng ảo của DKS-Sinova, thầy Nguyễn Công Thông – Hiệu trưởng Cao đẳng Việt – Hàn Bắc Giang chia sẻ: “Khi thiết kế hệ thống mô phỏng cho trường, đội ngũ kỹ thuật của DKS đã có rất nhiều buổi tham khảo, tương tác giảng viên nhà trường nên các mô-đun học được xây dựng rất sát với nhu cầu thực, do vậy người học từ sản phẩm mô phỏng có ứng dụng thực tiễn rất tốt”.
Đặc biệt, với phương thức đào tạo thông qua thiết bị mô phỏng thông minh, nhà trường, doanh nghiệp và người học tiết kiệm được rất nhiều chi phí vật tư, nguyên liệu thực hành, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực… Tất cả, đã tạo cho các cơ sở đào tạo nghề khi tiếp cận sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp cũng như đẩy nhanh việc tạo ra nguồn nhân lực với số lượng, chất lượng cao trong thời gian ngắn nhất.
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và khả năng hội nhập quốc tế cùng cạnh tranh với các quốc gia … đang là lời giải, tháo gỡ những khó khăn, thách thức khi làn sóng của cuộc CMCN 4.0 thay đổi nhanh chóng từng ngày. Với sứ mệnh đó, giáo dục nghề nghiệp bắt nhịp với chuyển đổi số sẽ tạo cơ hội cho lớp trẻ được tiếp cận và làm chủ công nghệ.
Tuy nhiên, để chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp cần đến sự nhìn nhận Đúng từ phía nhà trường, mỗi người thầy muốn trở thành “giảng viên số” bản thân cũng phải nỗ lực, vượt qua cách làm cũ, vượt qua cả những giới hạn bản thân để luôn trau dồi, mở rộng đón nhận những cái mới.
Với nền tảng công nghệ số hóa DKS-Sinova, Phan Thành Dũng và đội ngũ kỹ sư, cộng sự đã xây dựng một chương trình đào tạo từ việc quản lý, đánh giá học tập đến mô phỏng chi tiết các ngành nghề. Tất cả các dữ liệu được lưu trữ trên điện toán đám mây, giúp người học có thể truy cập, chia sẻ đến với cộng đồng bất cứ ở không gian, thời gian nào.
Trong tương lai, Phan Thành Dũng mong muốn tiếp tục mang đến các sản phẩm công nghệ, tài nguyên học liệu rộng rãi ở nhiều ngành, nghề, ứng dụng nhiều hơn nữa, đáp ứng yêu cầu dạy học của các trường nghề, cho toàn xã hội để có thể phổ cập cho nhiều người và người nghèo cũng được tiếp cận với những học liệu, tri thức mới nhất vì một xã hội học tập.
Thu Thủy