Bài viết này làm rõ những tương đồng trong ứng phó của các hệ thống GDNN trước các cơ hội và thách thức do tiến trình HNQT và CMCN4 đem lại. Trên cơ sở đó đề xuất những vấn đề cần quan tâm đổi mới và tổ chức thực hiện trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam.
Sự tham gia của doanh nghiệp còn yếu
Đánh giá thực trạng phát triển nhân lực nước ta trong GDNN, báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World bank, 2012) đưa ra các nhận định sau:
Về chủ trương, chính sách và định hướng phát triển, “các nhà lãnh đạo Việt Nam có sự cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường kỹ năng người lao động, coi đó là một phần của chiến lược phát triển kinh tế.
Chính phủ thấy rõ những thách thức của việc gắn kết hệ thống phát triển nhân lực với các nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và đã đưa ra một bộ chính sách và chiến lược rõ ràng, với các mục tiêu và kế hoạch hoạt động cụ thể, để củng cố hệ thống.
Tuy nhiên, nhiều sáng kiến mới đang ở giai đoạn đầu triển khai và thiếu sự hỗ trợ của các phân tích chuyên sâu”.
Đáng quan tâm nhất là một tiếp cận theo cầu vẫn chưa thực sự hình thành bởi lẽ sự tham gia của doanh nghiệp cũng như tiếng nói của họ trong hoạch định chính sách nhân lực còn yếu, bị động, tình thế, nhiều khi mang tính hình thức.
Về quản lý và giám sát việc tổ chức thực hiện, còn nhiều yếu kém. Trước hết là việc phân luồng, liên thông, học tập suốt đời (HTSĐ), tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động cập nhật, nâng cao kỹ năng, hoặc chuyển đổi ngành nghề còn bất cập, kém hiệu quả.
Tiếp nữa việc phân bổ nguồn lực cho GDNN còn chưa hợp lý, việc sử dụng nguồn lực còn kém hiệu quả, việc xây dựng các quan hệ đối tác để tăng cường nguồn lực cho GDNN còn thiếu bền vững.
Cuối cùng, việc quản lý chất lượng chưa có chuyển biến đáng kể do công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng triển khai chậm chạp, còn việc xây dựng các chuẩn đầu ra cho các ngành nghề mới chỉ ở chặng đường đầu tiên.
Về cung ứng dịch vụ GDNN, các cơ sở GDNN đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao tính phù hợp của các chương trình đào tạo, tuy nhiên việc đổi mới chương trình đào tạo chủ yếu là công việc từ trên xuống, chưa phát huy được tính tự chủ của cơ sở và cũng chưa lôi kéo được sự tham gia chủ động và tích cực từ doanh nghiệp.
Việc phát triển nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo và hiệu trưởng cũng kém hiệu quả, thiên về lý thuyết và không thực sự đáp ứng nhu cầu của họ.
Các cơ sở GDNN tư thục được khuyến khích phát triển nhưng nhiều cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng liên quan đến nhà giáo, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Một cơ chế thúc đẩy các cơ sở GDNN công lập nâng cao hiệu quả đào tạo nhằm đáp ứng các nhu cầu của thị trường lao động vẫn chưa hình thành.
Một cơ chế thu thập, xử lý và quản lý thông tin phục vụ cho giám sát và đánh giá ở cấp trường cũng như cấp hệ thống vẫn còn thiếu vắng và vì thế trách nhiệm giải trình về kết quả đầu ra của GDNN vẫn chưa được thực hiện đến nơi đến chốn.
Đó là bức tranh chung về GDNN nước ta vào năm 2012. Tuy nhiện, đến nay về cơ bản bức tranh này vẫn đúng. Nó cho thấy một khoảng cách giữa chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện. Dưới đây sẽ tiếp tục làm rõ bức tranh này trong hai bối cảnh cụ thể là hội nhập quốc tế (HNQT) và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4).
Cần xem xét lại tư duy chiến lược, tổ chức thực hiện
Có thể nói HNQT về giáo dục là giai đoạn phát triển mới, cao hơn và phức tạp hơn của hợp tác quốc tế về giáo dục. Sự khác biệt cơ bản là ở chỗ hợp tác quốc tế về giáo dục được thực hiện theo cơ chế phi thương mại, còn HNQT về giáo dục bao gồm cả hai cơ chế: cơ chế phi thương mại theo hợp tác quốc tế truyền thống và cơ chếthương mại theo quy định của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) mà Việt Nam đã cam kết sau khi gia nhập WTO.
Điều đó đã dẫn đến việc hình thành ở nước ta một thực tế giáo dục mới. Đó là việc xuất hiện thị trường giáo dục nói chung, thị trường GDNN nói riêng. GDNN đứng trước yêu cầu cạnh tranh để thu hút người học nhằm đảm bảo cho người học có những kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trong một thị trường lao động đang chuyển đổi theo hướng quốc tế hóa.
Cũng như trong phần tổng quan nói trên, chủ trương, chính sách của Việt Nam trong HNQT về giáo dục nói chung, GDNN nói riêng là khá rõ. Chúng ta đã có NĐ73 ngày 26/9/2012 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Chúng ta cũng đã có Đề án HNQT về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020 theo QĐ 2448 ngày 16/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu “Đến năm 2020, phát triển một số cơ sở GDĐH và dạy nghề đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và dạy nghề tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước; tiến tới công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới…”.
Riêng đối với GDNN, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là: Tổng số trường nghề đạt cấp độ quốc tế là 10 trường; tiếp nhận và sử dụng 70 chương trình, giáo trình dạy nghề cấp độ khu vực ASEAN và 35 chương trình, giáo trình dạy nghề cấp độ quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng 5500 lượt giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề phục vụ HNQT.
Luật GDNN cũng có một mục riêng về hợp tác quốc tế trong GDNN với mục tiêu “Nâng cao chất lượng GDNN theo hướng hiện đại, tiếp cận nền GDNN tiên tiến trong khu vực và trên thế giới”.
Với chủ trương, chính sách, thể chế nêu trên, hoạt động hợp tác quốc tế trong GDNN đã diễn ra sôi nổi với việc triển khai nhiều dự án, chương trình quan trọng như Dự án kỹ năng nghề Việt Nam của Canada, Chương trình đổi mới dạy nghề của Đức (GIZ), Chương trình gắn kết với doanh nghiệp của Đan Mạch, Dự án Áus4skills của Úc, Dự án Tăng cường lĩnh vực GDNN tại Việt Nam của JICA v.v…
Tuy nhiên, cũng đã đến lúc cần thẳng thắn để thấy rằng trong HNQT về GDNN, có những vấn đề cần phải xem xét lại cả về tư duy chiến lược đến tổ chức thực hiện.
Thứ nhất, một mục tiêu chiến lược có liên quan đến trường nghề đẳng cấp quốc tế liệu có cần thiết và khả thi. Khái niệm đẳng cấp quốc tế được sử dụng chủ yếu trong GDĐH, nó dẫn đến việc xếp hạng đại học, nhưng cho đến nay vẫn chưa có cách hiểu thống nhất thế nào là đại học đẳng cấp quốc tế.
Riêng trong lĩnh vực GDNN thì khái niệm trường nghề đẳng cấp quốc tế lại càng mơ hồ và trên thực tế hiện chưa có bất cứ hệ tiêu chí nào để xác định đẳng cấp quốc tế của một trường nghề. Vì vậy, có thể nói việc đặt ra mục tiêu này, cũng như trong chính sách chung về phát triển nhân lực Việt Nam, “thiếu sự hỗ trợ của các phân tích chuyên sâu”.
Thứ hai, trong khi việc triển khai Đề án HNQT về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020 đang giữa chừng thì ngày 07/01/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 40/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể HNQT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó HNQT về GDNN được đặt trong chiến lược tổng thể bao gồm hội nhập kinh tế quốc tế; hội nhập chính trị, quốc phòng, an ninh; hội nhập văn hóa, xã hội, dân tộc, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ và các lĩnh vực khác.
Hiện không rõ Đề án HNQT về giáo dục và dạy nghề đã được thực hiện đến đâu và có còn hiệu lực thi hành nữa hay không, nhưng theo Quyết định số 40/QĐ-TTg thì “Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng và nhiệm vụ thực hiện Chiến lược trong phạm thẩm quyền của mình, cụ thể hóa Chiến lược bằng các kế hoạch, đề án trong các ngành, lĩnh vực mình phụ trách”.
Ở đây có một vấn đề được đặt ra: Việc ban hành một chiến lược tổng thể là cần thiết và đúng lúc; tuy nhiên, sự thiếu gắn kết giữa chiến lược tổng thể và đề án HNQT về giáo dục và dạy nghề tiếp tục tạo ra một khoảng cách không đáng có giữa chủ trương và tổ chức thực hiện.
Thứ ba, một kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua là Việt Nam đã ban hành Khung trình độ quốc gia (KTĐQG). Đó là công cụ quản lý hiện đại góp phần nâng cao tính minh bạch về chuẩn đầu ra của các trình độ đào tạo, mở đường cho việc công nhận lẫn nhau về trình độ, qua đó nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong khu vực và quốc tê.
Nhưng đến nay KTĐQG vẫn chỉ là một cái khung, chưa được cụ thể hóa cho từng trình độ, từng ngành nghề và lĩnh vực đào tạo, khiến việc tổ chức thực hiện KTĐQG là không thể và mọi tác động tích cực hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong GDNN nằm lại trên văn bản.
Thứ tư, cùng với việc học tập kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng KTĐQG, chúng ta cũng học tập trong việc phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDNN.
Luật GDNN đã có những quy định khá rõ về vấn đề này, tuy nhiên, đến nay việc triển khai thực hiện còn chậm chạp và lúng túng. Điều đó tác động tiêu cực đến khả năng ứng phó của cơ sở GDNN trước một thị trường lao động ngày càng có những đòi hỏi mới và cao hơn về kỹ năng người lao động.
Thứ năm, trong HNQT về GDNN, mục tiêu thường được đặt ra là cung cấp cho người lao động những kỹ năng theo chuẩn quốc tế để đáp ứng các yêu cầu của một thị trường lao động quốc tế hóa. Đối với nước ta đang HNQT sâu rộng thì yêu cầu này được đặt ra mạnh mẽ.
Tuy nhiên, với trình độ kinh tế nước ta hiện nay, yêu cầu ký năng theo chuẩn quốc tế chỉ đặt ra trong phạm vi hẹp, giới hạn trong các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp hướng tới xuất khẩu. Còn lại đại bộ phận lao động làm việc trong một thị trường tạo bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ với những yêu cầu kỹ năng khác biệt.
Vì vậy để việc cung cấp kỹ năng trong HNQT thực sự phù hợp, rất cần xây dựng một bản đồ kỹ năng để làm rõ yêu cầu kỹ năng cho từng trình độ và ngành nghề, trong từng loại doanh nghiệp. Điều này cũng chưa thể làm được chừng nào KTĐQG chưa tiếp tục được hoàn thiện.
Thứ sáu, kinh nghiệm quốc tế hiện nay trong đào tạo nghề là đẩy mạnh đào tạo theo phương thức học nghề. Phương thức này hiện được coi là cả ba bên cùng thắng: doanh nghiệp thắng vì có nhân lực phù hợp; người học thắng vì có ngay việc làm tốt; nhà trường thắng vì đào tạo có hiệu quả (Lake, 2019).
Đây cũng là phương thức lâu đời ở nước ta và vẫn còn khá phổ biến, đặc biệt ở các làng nghề. Tuy nhiên, với xu thế chính quy hóa việc đào tạo nghề, bấy lâu nay chúng ta đã đặt trọng tâm vào đào tạo trường lớp và coi nhẹ học nghề.
Đã đến lúc cần tư duy lại về các phương thức đào tạo, học tập kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển học nghề với các chương trình đào tạo, cùng hệ thống văn bằng chứng chỉ phù hợp nhằm khuyến khích người học theo đuổi học nghề.
Bài 2 – Đổi mới cách nào?