Những năm gần đây, nhiều Doanh nghiệp đã đạt đến ngưỡng tăng trưởng thị phần, thương hiệu được nhắc đến như biểu tượng của ngành, nhưng làm cách nào để mở rộng phạm vi tăng trưởng thêm nữa thì lại bối rối, loay hoay để rồi dần đánh mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường vốn hoá. Lời giải cho bài toán mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi lĩnh vực và quy mô luôn phải đối mặt này là gì?
Ở một góc độ khác, doanh nghiệp chưa đạt được ngưỡng tăng trưởng nên muốn tăng tốc, vươn lên khi ý thức thời điểm này là cơ hội cho những thế hệ doanh nghiệp thức thời. Đồng thời, trong một bức tranh khác, những doanh nghiệp đã từng “vàng son” nhưng đang trên đà đi về “bên kia sườn núi” thì làm cách nào khôi phục vị thế? Hay doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm những con đường mới, thử nghiệm thêm những sản phẩm, dịch vụ mới, ứng dụng thêm công nghệ cho quá trình mở rộng thêm không gian thị trường nhưng gặp phải một số rắc rối, bỡ ngỡ và chưa tìm ra công thức đúng để tối ưu.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp kể trên vẫn còn quan sát và đứng ngoài quá trình thay đổi và chuyển đổi, ý thức được phải làm nhưng lo lắng về nguồn lực, về cách thức và quan trọng hơn, câu hỏi tìm ra điểm bắt đầu, tìm ra “công tắc” cho chính doanh nghiệp mình.
Hội thảo “Innovating in Existing Markets: Không gian thị trường cũ liệu có còn chỗ cho đổi mới?” chào đón hơn 100 CEO, CFO, lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp Việt Nam đến tham dự và thảo luận chuyên sâu từ các vấn đề nền tảng và câu chuyện thành công. Dù doanh nghiệp đang ở bất kỳ trạng thái nào thì đây vẫn là hội thảo giải đáp phần nào góc nhìn cho chiến lược: Đổi mới từ đâu trong không gian thị trường đã cũ?
Doanh nghiệp cần bắt đầu biến tài nguyên thành tài sản
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh 10 đến 20 năm, đã tích lũy một lượng cơ sở dữ liệu được ví như mỏ dầu thô quý giá. Nhưng, làm cách nào để chuyển tài nguyên thô đó thành tài sản giá trị để phục vụ cho doanh nghiệp? Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều startup cung cấp giải pháp giúp những doanh nghiệp trưởng thành tiết kiệm nguồn lực trong việc thu thập và sử dụng data. Nhưng liệu những giải pháp này đã có chiều sâu, đã đáp ứng được mục tiêu của những doanh nghiệp trưởng thành?
PGS. TS. Tuấn Q. Phan, Trưởng Đại diện HKU VN, PGS. Marketing HKU Business School đã gợi mở góc nhìn của chuyên gia qua Keynote “Data Capital: Tài nguyên dữ liệu trong chiến lược đổi mới và tái tạo của doanh nghiệp”. Với bài chia sẻ này, PGS. TS. Tuấn Q. Phan chỉ ra mục tiêu chiến lược doanh nghiệp cần đạt được, từ đó quay ngược lại trả lời câu hỏi cần thu thập những loại data gì, phương thức thu thập và phân tích data thế nào, và cuối cùng là cách đưa data vào phục vụ mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp sao cho hiệu quả.
Phần chia sẻ này sẽ mở ra tư duy tinh gọn cho doanh nghiệp về innovation: “nơi bắt đầu” của đổi mới sáng tạo (ĐMST) chính là nội bộ doanh nghiệp, rà soát lại tài nguyên nào có thể biến thành tài sản thì có kế hoạch sử dụng hiệu quả trước khi tìm nguồn tài nguyên, ý tưởng ĐMST bên ngoài doanh nghiệp.
Để thực hiện ĐMST thành công CEO và CFO phải có chung tầm nhìn
Trong ban lãnh đạo, CEO là người dẫn dắt sự phát triển đột phá và bền vững của doanh nghiệp, thường có tư duy cởi mở với innovation. Nhưng, CFO là người nắm hầu bao của doanh nghiệp, dưới áp lực quản lý tài chính cũng là “động mạch chủ” của doanh nghiệp, lại rất thận trọng và có xu hướng thắt chặt chi tiêu cho hoạt động innovation nếu không thấy rõ nguồn thu trả lại từ hoạt động này. Vậy làm cách nào để CEO và CFO có cùng chung tiếng nói trong hoạt động innovation của doanh nghiệp?
Chia sẻ của GS. Dragon Y. Tang, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Phát triển Tài chính, HKU giúp lãnh đạo các doanh nghiệp tháo gỡ nút thắt bằng Keynote “Innovation Capital: Sử dụng hiệu quả vốn liếng đổi mới sáng tạo”. GS. Dragon Y. Tang sẽ dùng ngôn ngữ tài chính để đối thoại với CFO, giúp CFO hiểu tầm nhìn CEO: đầu tư vào hoạt động innovation là cách xây dựng nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển đột phá và bền vững trong 10 – 20 năm tới.
Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động innovation không thể nhìn thấy ngay trong năm tài chính, hiệu quả chỉ thấy được trong vòng 3-5 năm. Vậy, cách nào để thuyết phục CFO rằng innovation là khoản đáng đầu tư? Các thức doanh nghiệp tách nguồn quỹ đầu tư cho innovation? Cách giảm áp lực trên báo cáo tài chính doanh nghiệp vì khoản đầu tư innovation? Cách thức lường sự hiệu quả hoạt động innovation? Đồng thời diễn giả cũng chia sẻ những case study của thị trường quốc tế có môi trường kinh doanh tương tự như Việt Nam nhưng đi trước Việt Nam 15 – 20 năm. Qua đó, lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thấy được tầm nhìn cho doanh nghiệp mình trong 10 tới.
Bên cạnh đó, hướng đi cho tiến trình đổi mới doanh nghiệp sẽ được gợi mở thông qua câu chuyện đổi mới, bài học thực tiễn từ các doanh nghiệp đầu ngành như PNJ, KIDO và thông qua kinh nghiệm quốc tế từ các chuyên gia Trường Kinh doanh Đại học Hồng Kông (HKU Business School).
Quang Trung