Các dữ liệu cho thấy dân số Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn “dân số già” năm 2036 với gần 15,46 triệu người cao tuổi (14,17% tổng dân số). Vì vậy, nhiều chuyên gia lao động cho rằng, trong giai đoạn tới, việc ưu tiên đưa số lượng lớn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể không còn phù hợp, mà xuất khẩu lao động nên chú trọng hơn tới chất lượng lao động.
Lao động xuất khẩu chủ yếu làm công việc giản đơn
Theo thông tin của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), thời gian qua, công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt.
Thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… gia tăng đáng kể; nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Czech, Slovakia, Romania. Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt con số 100.000 người/năm. Giai đoạn 2013 – 2021, cả nước đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài với thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia lao động, công tác xuất khẩu lao động cũng còn những vấn đề tồn tại, hạn chế, trong đó có việc chất lượng nhân lực xuất khẩu lao động còn thấp, đa số người lao động trong nước ra nước ngoài có trình độ hạn chết, chủ yếu làm công việc giản đơn.
Trao đổi tại Hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Thực trạng và giải pháp” diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Lanh – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Trong bối cảnh kinh tế – xã hội phát triển, những người lao động là kỹ sư, lao động bậc cao, chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều, không quá 10%; và 90% người lao động còn lại chưa qua đào tạo; tay nghề và năng lực tiếp nhận kỹ thuật cao ở những nước phát triển của họ rất hạn chế.
Ông Nguyễn Xuân Lanh nhìn nhận, xuất khẩu lao động nhiều năm chỉ tập trung giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo mà chưa quan tâm tới nhóm có khả năng học tập, tiếp nhận tay nghề, công nghệ, tư duy quản lý của nước ngoài như sinh viên, học viên trường nghề. Cùng với đó, nhận thức của người lao động và một phần xã hội coi đi làm việc ngoài nước chỉ dành cho người nghèo, thất nghiệp. Khoảng 80% lao động mang tâm lý kiếm tiền mà không có kế hoạch tiếp thu, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp tương lai.
Một số chuyên gia cũng đánh giá, phần lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa qua đào tạo nghề nghiệp một cách chính quy, bài bản. Do đó, lao động của ta còn yếu cả về trình độ chuyên môn, tay nghề và ngoại ngữ. Họ chưa phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế, cả về ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong làm việc công nghiệp, sinh hoạt tại các nước phát triển. Vì vậy, họ thường làm những công việc giản đơn, mức tiền công không cao so mặt bằng ở nước tiếp nhận.
Cần có chiến lược mới
Cũng tại Hội thảo “Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Thực trạng và giải pháp”, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan khẳng định, khi đi làm việc ở nước ngoài, bên cạnh việc nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, người lao động còn được nâng cao tay nghề, tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ ngoại ngữ, thái độ làm việc và kiến thức xã hội. Lực lượng lao động này sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế.
Đưa ra giải pháp khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ LĐTBXH nhấn mạnh, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.Các dữ liệu cho thấy dân số Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn “dân số già” năm 2036 với gần 15,46 triệu người cao tuổi (14,17% tổng dân số). Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc ưu tiên đưa số lượng lớn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể không còn phù hợp, mà ngày càng chú trọng vào chất lượng lao động để đáp ứng mục tiêu hài hòa giữa thị trường lao động trong nước và ngoài nước.
Nhiều chuyên gia lao động đã đồng tình với việc nên đưa nhiều hơn những người đã qua đào tạo ra nước ngoài làm việc, thay vì tập trung vào đối tượng không có kỹ năng tay nghề.Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Lương Trào đề nghị trong thời gian tới cần xoay chuyển mục tiêu đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài. Trước đây chủ yếu là tăng thu nhập, cải thiện kiến thức thì bây giờ mục đích lớn quan trọng nhất phải là tiếp thu kiến thức quản lý, trau dồi kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, tác phong làm việc… để chuẩn bị cho tương lai phát triển nghề nghiệp của họ sau khi trở về. Ông Trào cũng đề nghị, cần tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao, như có kỹ năng tốt, thậm chí đón lõng sinh viên đại học, cao đẳng tham gia.
Một nội dung nữa cũng được nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đề xuất đó là cần có đề án, chương trình mục tiêu chiến lược quốc gia để đưa người lao động ra nước ngoài làm việc với định hướng mới tập trung vào lao động chất lượng cao để đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Công ty TNHH Esuhai có 7 kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước. Trong đó, Nhà nước nên xem xét và định vị rõ hơn về hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Cụ thể, là thực hiện lộ trình tăng người lao động là kỹ sư, chuyên gia đã qua đào tạo từ 10% lên 20%, 30% và giảm dần tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo ra nước ngoài làm công việc giản đơn. Nhà nước nên chọn những ngành nghề mà Việt Nam đang dần phát triển thành mũi nhọn, rồi đưa người lao động đến các quốc gia có những kỹ thuật công nghệ cao để làm việc và học hỏi. Chính phủ cũng nên có những chính sách thu hút đầu tư với những quốc gia có quan hệ sâu rộng với Việt Nam, đặc biệt là các nước có kỹ thuật công nghệ cao để khai thác nguồn nhân lực khi họ về nước.
Ngoài ra, các chuyên gia lao động, nhà quản lý cũng kiến nghị Nhà nước nên xem xét hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một giai đoạn trong quá trình đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, qua đó đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Muốn vậy, hàng năm, chúng ta nên phân luồng một tỷ lệ nhất định số sinh viên tốt nghiệp đi làm việc ở nước ngoài để đào tạo năng lực ngoại ngữ, chuyên môn. Có như vậy, bài toán đưa người lao động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài mới được giải, góp phần phát triển đất nước và tạo việc làm khi trở về với nguồn thu nhập tốt./.
Phạm Diệp/LĐTĐ