Theo BHXH TP Hà Nội, Công ty CP Sữa Hà Nội liên tiếp nằm trong danh sách chậm nộp BHXH trên địa bàn thời gian qua.
Nợ BHXH dai dẳng
Số liệu mới nhất từ BHXH TP Hà Nội cho thấy, Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoi Milk) đến nay đã có số tháng chậm, nợ đóng tiền bảo hiểm cho hơn 300 lao động là 49 tháng với số tiền gần 18 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có trụ sở tại Km 9, Bắc Thăng Long Nội Bài, KCN Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội.
Hanoi Milk được thành lập năm 2001, có mã chứng khoán là HNM, niêm yết tại sàn Upcom. Hiện nay có các thương hiệu sản phẩm IZZI, Naturalmilk. Chủ tịch HĐQT của Hanoi Milk là ông Hà Quang Tuấn.
Nhìn ngược lại khoảng 3 năm, thời điểm Quý I/2019 ghi nhận doanh thu thuần Hanoi Milk lãi lớn hơn 40,4 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, lãi sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 166 triệu đồng, tăng khoảng hơn 50 triệu đồng so với quý I/2018.
Dòng tiền trong kỳ của Hanoi Milk tính đến cuối kỳ ghi nhận tăng 1,6 tỷ đồng đạt hơn 3,1 tỷ đồng. Tuy vậy, dòng tiền dương chủ yếu đến từ các khoản phải trả trong kỳ dương 12,2 tỷ đồng. Bảng cân đối kế toán cho thấy, phải trả người bán ngắn hạn của Hanoi Milk tăng gần 11% đạt hơn 81,1 tỷ đồng. Trong khi đó phải trả ngắn hạn khác tăng 15,6% lên gần 13 tỷ đồng.
Áp lực nợ ngắn hạn phải trả của Hanoi Milk là rất lớn. Cuối kỳ BCTC Quý I/2019, họ đang nợ ngắn hạn 301,1 tỷ đồng (tăng khoảng 3 tỷ đồng so với cùng kỳ). Ngoài, hai khoản phải trả người bán ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác kể trên, Hanoi Milk đang vay ngắn hạn 179 tỷ đồng, trong đó 26,3 tỷ vay Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Tây Hà Nội; 8 tỷ đồng Ngân hàng liên doanh Việt Nga – Sở Giao dịch; gần 40 tỷ đồng vay Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và gần 105 tỷ đồng còn lại là vay các cá nhân.
Trải qua 2 năm bão dịch COVID-19, tới cuối năm 2022, Hanoi Milk đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn đợt 1 năm 2022.
Hanoi Milk sẽ phát hành riêng lẻ 24,4 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) gấp 1,22 lần số lượng cổ phần hiện tại (mức 20 triệu đơn vị). Trong số đó, có 14,4 triệu cổ phiếu được dùng để hoán đổi nợ. Số còn lại dùng để tăng vốn hoạt động của công ty.
Với lô 10 triệu cổ phiếu dự phát hành riêng lẻ để tăng vốn, Hanoi Milk thông báo sẽ thực hiện trong quý 4/2022 – 1/2023 sau khi được chấp thuận đồng thời cổ phiếu cũng sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong thời hạn 1 năm kể từ sau ngày phát hành.
Đáng nói, toàn bộ số cổ phiếu này sẽ được phát hành riêng cho ông Hoàng Văn Thuật – nhà đầu tư cá nhân. Trước giao dịch, ông Thuật đang nắm gần 712.000 cổ phiếu Hanoi Milk. Nếu mua vào toàn bộ số cổ phiếu chào bán, cá nhân này sẽ trở thành cổ đông lớn tại Hanoi Milk với tỷ lệ sở hữu 24,13% vốn.
Số tiền huy động 100 tỷ từ lô phát hành này dự kiến sẽ được công ty dùng để mua thiết bị và nguyên liệu sản xuất.
Về kết quả kinh doanh, tại báo cáo tài chính Quý 3/2022, Hanoi Milk ghi nhận doanh thu đạt 141,3 tỷ đồng – tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng nhanh hơn cùng kỳ nên lợi nhuận gộp thu về chỉ còn gần 30 tỷ; biên lãi gộp giảm về mức gần 21%.
Như vậy, với lợi nhuận 30 tỷ đồng nhưng Hanoi Milk đang gánh trên lưng khoản nợ BHXH lên tới 18 tỷ đồng. Và 49 tháng qua, hơn 300 lao động của Hanoi Milk vẫn phải làm việc trong khi các quyền lợi sát sườn không được đảo bảo.
Trên website chính thức của Hanoi Milk, Chủ tịch Hà Quang Tuấn tự hào giới thiệu, doanh nghiệp là một trong các công ty sữa hàng đầu Việt Nam. Và cam kết chắc nịch rằng, công ty vẫn luôn quan tâm và có trách nhiệm về những tác động của mình đối với cộng đồng và môi trường, bao gồm cả việc tạo ra việc làm và trở thành doanh nghiệp bền vững mang lại lợi ích tích cực cho xã hội.
Nhìn lại, đúng là trong danh sách nợ đóng BHXH khối doanh nghiệp ngành sữa, Hanoi Milk của Chủ tịch Hà Quang Tuấn luôn đứng hàng đầu.
Doanh nghiệp không đóng BHXH có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động như sau:
Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
Phạm tội 02 lần trở lên;
Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
Thu Quỳnh