29/04/2021 1:04:57

Đến 2025, 80% lao động các KCN bị TNLĐ được theo dõi sức khỏe điện tử

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển Y tế lao động xã hội đến năm 2030”.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, theo thống kê hiện nay, ngành lao động-thương binh và xã hội đang quản lý hơn 600 cơ sở y tế lao động xã hội; trong đó, có 9 bệnh viện, trung tâm chỉnh hình-phục hồi chức năng; 50 trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh và người có công, 415 cơ sở trợ giúp xã hội, 123 cơ sở cai nghiện ma túy. Các cơ sở y tế lao động xã hội thực hiện nhiệm vụ chăm sóc hàng tháng cho hơn 50.000 đối tượng bảo trợ xã hội; chăm sóc, điều dưỡng hàng tháng cho hơn 700.000 thương bệnh binh nặng và hàng triệu lượt người có công; cai nghiện ma túy cho hơn 240.000 người; cung cấp các phương tiện, dụng cụ, xe lăn, chân tay giả để thực hiện chỉnh hình-phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trợ giúp xã hội cho hàng triệu lượt người mỗi năm.


Tuy nhiên, công tác chăm sóc, điều dưỡng, chỉnh hình-phục hồi chức năng cho thương bệnh binh, người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở y tế xã hội thuộc ngành lao động-thương binh và xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chất lượng chăm sóc, điều dưỡng và chỉnh hình-phục hồi chức năng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Những hạn chế, bất cập xuất phát từ hệ thống tổ chức y tế lao động xã hội chưa ổn định; cơ chế hoạt động, quản lý trong các cơ sở y tế lao động xã hội chậm đổi mới; cơ sở vật chất xuống cấp; trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, điều dưỡng, chỉnh hình, phục hồi chức năng thiếu và lạc hậu; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên cơ sở y tế lao động xã hội còn yếu, chưa thường xuyên được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn, kỹ thuật; chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước thiếu cơ sở y tế để tổ chức thực hiện các hoạt động về phòng, chống tai nạn lao động, quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe, bệnh nghề nghiệp của người lao động.

Hiện nay, do hậu quả của chiến tranh, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và già hóa dân số, người dân có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng có xu hướng gia tăng; trong đó, có khoảng 11,7 triệu người cao tuổi, 6,2 triệu người khuyết tật trên 5 tuổi, khoảng 2,75% hộ nghèo, 3,5% hộ cận nghèo, khoảng 8,8 triệu người có công với cách mạng và thân nhân, hàng triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, 234.000 người nhiễm HIV được phát hiện, 240.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình, ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.

Để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc tốt hơn cho các đối tượng nêu trên, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, việc ban hành Đề án “Phát triển Y tế lao động xã hội đến năm 2030” là hết sức cần thiết với những giải pháp phù hợp nâng cao năng lực cho hệ thống cơ sở y tế lao động xã hội; cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ đối với thương bệnh binh và người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động; góp phần phát triển an sinh xã hội trong tình hình mới.

Đến 2025, 80% lao động các KCN bị tai nạn lao động được theo dõi sức khỏe điện tử

Tại dự thảo Đề án “Phát triển Y tế lao động xã hội đến năm 2030”, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 70% các Bệnh viện, Trung tâm Chỉnh hình-Phục hồi chức năng ngành đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 70% danh mục dịch vụ kỹ thuật của cơ sở y tế chuyên khoa tuyến tỉnh; 30% Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của y tế tuyến xã; phấn đấu 80% đối tượng thuộc cơ sở, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bị tai nạn lao động được quản lý, theo dõi sức khỏe điện tử; từng bước đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế lao động xã hội theo quy hoạch của ngành Y tế và ngành lao động-thương binh và xã hội.

Đến năm 2030, 100% các Bệnh viện, Trung tâm Chỉnh hình-Phục hồi chức năng của ngành đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của cơ sở y tế chuyên khoa tuyến tỉnh; 50% Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của y tế tuyến xã; 90% đối tượng thuộc cơ sở, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được quản lý, theo dõi sức khỏe điện tử; đầu tư, nâng cấp các cơ sở y tế lao động xã hội theo quy hoạch của ngành Y tế và ngành Lao động – Thương binh và Xã hội.

Theo Chinhphu.vn