25/12/2020 9:17:04

Đạt kết quả ‘độc nhất vô nhị’, Việt Nam biến khủng hoảng thành cơ hội

Không chỉ đạt được kết quả gần như “độc nhất vô nhị” trong kiểm soát khủng hoảng COVID-19, Việt Nam còn đạt được những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao uy tín và vị thế quốc gia. Dư luận quốc tế cho rằng, Việt Nam đã biến khủng hoảng thành cơ hội thành công.

Theo báo cáo ngày 22/12, Ngân hàng Thế giới nhận định nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả vững chắc, trái ngược hoàn toàn với những diễn biến kinh tế ảm đạm đang ảnh hưởng đến thế giới. Ảnh: Enternews

“COVID-19: Ngoại lệ Việt Nam”, “Việt Nam – Điều thần kỳ mới của châu Á?” – đó là tiêu đề hai bài viết, một trên báo Les Echos của Pháp, một trên tờ New York Times của Mỹ. Năm 2020, nhiều bài viết như thế đã xuất hiện trên báo chí, truyền thông quốc tế, các quan chức, học giả nước ngoài cũng đưa ra hàng loạt đánh giá, nhận định để lý giải cho thành công của Việt Nam trong thực hiện “mục tiêu kép”.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới, dư luận quốc tế ấn tượng về một Việt Nam vừa là “ngọn hải đăng” trong chống dịch COVID-19 và “điểm sáng” trong tăng trưởng kinh tế, vừa đóng góp chủ động, tích cực hợp tác, chia sẻ cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống COVID-19 và thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. “Độc nhất vô nhị”, “hiếm có”, “đáng ngạc nhiên”…, đó là những cụm từ thường xuyên xuất hiện trên truyền thông quốc tế về các giải pháp và kết quả chống dịch của Việt Nam năm qua.

Giới chuyên gia đều chung nhận định bài học trước tiên là Chính phủ Việt Nam đã phản ứng mau lẹ, dứt khoát, nhanh chóng, kịp thời, quyết liệt, chủ động với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và những biện pháp đồng bộ, linh hoạt. Như tổng kết của hãng tin Sputnik (Nga) thì bí quyết căn bản là “Chính phủ Việt Nam đã kịp thời đề ra chiến lược quốc gia về đấu tranh chống dịch bệnh và tổ chức thực hiện chính xác chiến lược đó”.

Lội ngược dòng

Tuy nhiên, không chỉ riêng trong năm 2020 này mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, Việt Nam đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở Vùng ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở Miền Trung. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, Việt Nam đã vượt qua tất cả những thử thách.

Tổng cộng, nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Quy mô GDP năm 2020 tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 và theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, năm 2020 đạt khoảng 535 tỷ USD mặc dù thương mại quốc tế giảm mạnh, trong đó điểm sáng là xuất khẩu của khu vực trong nước tăng mạnh.

Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Năm 2020, dưới tác động của đại dịch COVID-19 như một phép thử khắc nghiệt nhất kể từ Thế chiến II, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá.

Với mức tăng trưởng 2,12% trong 9 tháng đầu năm, tờ Nikkei Asia Review (Nhật Bản) nhận định Việt Nam đang trở thành “câu chuyện thành công về kinh tế duy nhất của Đông Nam Á trong đại dịch”. Theo hãng tin Sputnik, nhờ đạt được những thành công cơ bản trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, kinh tế Việt Nam được dự kiến sẽ “bật dậy và phục hồi nhanh chóng” giai đoạn hậu COVID-19.

Theo báo cáo ngày 22/12, Ngân hàng Thế giới cũng nhận định nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả vững chắc, trái ngược hoàn toàn với những diễn biến kinh tế ảm đạm đang ảnh hưởng đến thế giới. Với thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng COVID-19, theo tất cả các chuẩn mực, Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt khủng hoảng COVID-19, Báo cáo “Điểm lại” của WB nhận định.

Đặc biệt, khu vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam đạt thành tích ngoạn mục trong giai đoạn khủng hoảng COVID-19. Tuy những hạn chế nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế làm giảm thu nhập bằng ngoại tệ của ngành du lịch, và kiều hối dự kiến giảm khoảng 7,8% trong năm 2020, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, và kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 10 tháng đầu năm 2020 tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Không chỉ trên đà ghi nhận giá trị xuất siêu hàng hóa cao nhất từ trước đến nay, Việt Nam còn tích lũy được một lượng lớn dự trữ ngoại hối.

Theo WB, những diễn biến tích cực đó là điều khó ai có thể ngờ tới ở giai đoạn đầu của khủng hoảng COVID-19. Tại thời điểm đó, Việt Nam được cho là có nguy cơ bị tổn thương cao trong điều kiện kinh tế toàn cầu bị suy thoái và đóng cửa biên giới.

Trong khi đó, theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) vừa được hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance công bố, nhờ công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020, đi ngược xu hướng sụt giảm trên toàn cầu do đại dịch COVID-19, với ước tính 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới mất 13.100 tỷ USD trong năm nay, giảm từ 98.000 tỷ USD năm 2019 xuống còn 84.900 tỷ USD.

Cụ thể, hãng định giá thương hiệu của Anh nhận định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm ngoái, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Tính xa hơn, trong giai đoạn 4 năm qua, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp và những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP.

Công cụ quảng bá tốt nhất của Việt Nam

Những thành quả chống dịch ấn tượng năm 2020, cùng những nỗ lực và giải pháp kiên trì trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nhiều năm qua đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho hoạt động sản xuất, và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư.

“Kiểm soát tốt khủng hoảng COVID-19 chính là công cụ quảng bá tốt nhất cho Việt Nam, là cách để khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài chuyển hoạt động sản xuất từ các nước khác, nơi các nhà máy của họ vẫn bị đóng cửa, sang Việt Nam, qua đó góp phần đem lại kết quả xuất khẩu vững chắc”, WB nhận định.

Theo Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, những phản ứng nhanh chóng, hệ thống truy vết rộng khắp, và sự truyền thông hiệu quả của Chính phủ cũng như sự tuân thủ của cộng đồng đã giúp Việt Nam giảm thiểu thiệt hại từ loại virus chết người. Bà Virginia B. Foote, Chủ tịch AmCham, nhận định Việt Nam đã đạt “thành công hiếm có”  trong việc ứng phó với “chủng virus khủng khiếp” SARS-CoV-2.

Cũng theo AmCham, đại dịch đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế số của Việt Nam nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Các trường học và công sở trên khắp đất nước đã chuyển sang sử dụng các giải pháp trực tuyến, và các đơn đặt hàng trực tuyến cũng tăng gấp 10 lần trong thời gian giãn cách xã hội. Những tổ chức và doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ mới tỏ ra thích ứng tốt hơn với đại dịch.

Theo AmCham, thành công trong việc phòng chống dịch bệnh đã giúp Việt Nam sớm bắt đầu công cuộc phục hồi kinh tế và trong bối cảnh các công ty liên tục điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, sự ứng phó hiệu quả của Chính phủ Việt Nam đối với đại dịch sẽ càng nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Để vượt qua các thách thức do dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang kỳ vọng rất lớn vào các giải pháp của Chính phủ. Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Thế giới cho thấy, các doanh nghiệp đặc biệt đánh giá cao một số biện pháp Chính phủ đã triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp. Đó là vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, giãn thời gian các khoản vay hiện tại, giảm lãi suất, tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, lùi thời hạn đóng phí công đoàn, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, giảm và gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn đóng thuế VAT… Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần điều chỉnh kịp thời về điều kiện áp dụng, phù hợp với thực tế và sát với nhu cầu của doanh nghiệp.

Cũng theo điều tra nói trên, các doanh nghiệp cho rằng những bài học từ việc khống chế thành công dịch COVID-19 hoàn toàn có thể áp dụng cho việc hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh. Đó là sự điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ liên tục bám sát tình hình thực tiễn để có giải pháp phù hợp và kịp thời; chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, rộng rãi và kịp thời; lựa chọn và áp dụng các biện pháp xử lý dịch theo mức độ rủi ro; chú trọng hiệu quả phối hợp giữa các ngành, các cấp…

Khép lại một năm mà dư luận quốc tế cho rằng “Việt Nam đã biến khủng hoảng thành cơ hội thành công”, giới chuyên gia đều lạc quan cho rằng với kinh nghiệm chống dịch của năm 2020, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Australia, nhân định trong bối cảnh thế giới trải qua một năm đầy thách thức và biến động do đại dịch COVID-19, chính những thành quả ấn tượng mà Việt Nam đạt được trong thực hiện “mục tiêu kép” ở trong nước và đóng góp hiệu quả trên trường quốc tế đã giúp Việt Nam nâng tầm vị thế, tạo được niềm tin trong khu vực và toàn cầu, một lần nữa khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực chủ động và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế./.

Theo VGP