Sư Thầy Thích Đạo Tịnh, Chùa Linh Sơn, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai, thế danh là Bùi Hữu Tiến, ông từng là giảng viên Khoa Khảo cổ học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Bén duyên với Phật pháp, tiến sĩ Bùi Hữu Tiến chia tay với giảng đường đại học, dấn thân vào con đường tu hành, hoằng dương Phật pháp với mong nguyện truyền trao giáo lý trí tuệ, từ bi vô lượng của Đức Phật tới đại chúng.
Nếu ai cũng học Đạo Phật, nhất là những người đương chức đương quyền mà học đạo Phật nhất định sẽ trở thành một vị quan thanh liêm, hết lòng phụng sự đất nước.
PV: Thưa Thầy, cơ duyên nào khiến thầy đang là giảng viên của một trường đại học danh tiếng để bước vào con đường tu hành ?
Sư Thầy Thích Đạo Tịnh: Trong quá trình làm việc, nghiên cứu và tìm hiểu, tôi thấy Đạo Phật rất gần gũi với đới sống con người và muôn loài chúng sinh. Khoa học còn tranh cãi đúng, sai nhưng những lời dạy của Phật là chân lý, chân thật, luôn gắn liền với đời.
Đạo Phật dậy chúng ta đạo đức làm người, dạy chúng ta đối xử với ông bà, cha mẹ; với vợ chồng, con cái cháu chắt đối với ông bà cha mẹ. Dạy chúng ta đối đãi với bạn bè đồng nghiệp thế nào. Nếu ai cũng học Đạo Phật, nhất là đối với những người đương chức đương quyền mà học Đạo Phật thì tôi tin chắc họ nhất định sẽ trở thành những vị quan thanh liêm, những vị quan hết lòng hết sức, tận tâm tận lực phụng sự quốc gia dân tộc như Bác Hồ vĩ đại của chúng ta.
Thực tế trên con đường hoạt động cách mạng tìm đường cứu nước, Bác cũng đã từng có thời gian xuống tóc vào Chùa tu hành tại chùa bên Thái Lan. Người không chỉ vào Chùa (tại Thái Lan) để tránh sự truy lùng của mật thám Pháp bấy giờ, mà thời gian này Người cũng dành thời gian đi khất thực, tu hành, sống cuộc sống của một nhà sư.
Có lẽ chính vì vậy khi học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta thấy có rất nhiều tư tưởng của Người, đức tính của Người, lời dạy của Người gần gũi với tư tưởng là lời dạy của Đức Phật. Đó là lối sống giản dị không chấp vào hình tướng bên ngoài, không màng vật chất thế gian. Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân, vì hạnh phúc của quốc gia dân tộc. Bác dạy chúng ta Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào… cũng là dạy chúng ta về “Tứ trọng ân”, một trong những giáo lý của nhà Phật, trong đó có ÂN với quốc gia dân tộc, Ân với những người có công với đất nước.
Ngày hôm nay mình có được cuộc sống an ổn, bình yên thì phải nhớ ơn các bậc tiền nhân khai quốc công thần, nhớ ơn những người có công vun bồi và bảo vệ bờ cõi biên cương của tổ quốc được bình an. Nếu đất nước có chiến tranh thì Đạo Pháp không thể phát triển, dân chúng rất khổ. Nhờ có sự phát triển và bình yên này mà đạo Pháp mới nương vào đó mà phát triển.
Thế nên, người Phật tử, người hiểu đạo pháp là người phải luôn luôn biết ơn Tổ quốc, biết ơn nhân dân, là phải có trách nhiệm vun bồi cho sự hòa bình, cho sự thịnh vượng của quốc gia dân tộc. Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc chính là ở chỗ đó.
Học Phật là phải y giáo phụng hành
PV: Vài năm gần đây, không chỉ người lớn tuổi đi Chùa mà giới trẻ đi Chùa nghe giảng pháp ngày càng đông. Đây có phải là “mê tín” như ý kiến của một số người không thưa thầy ?
Thầy Thích Đạo Tịnh: Đây là điều đáng mừng vì đạo Pháp được lan tỏa trong đời sống, là hồng phúc của dân tộc. Bởi người trẻ được sớm tiếp cận với giáo dục Phật Đà với những triết lý giáo dục toàn diện không chỉ cho con người mà cho tất cả pháp giới chúng sinh sáu cõi, thâu nhiếp cả thánh lẫn phàm. Giáo lý của Phật là giáo lý của tình thương và tuệ giác. Người trẻ có duyên đến chùa nghe pháp sẽ sớm giác ngộ và hiểu biết về nhân quả. Mà hiểu biết về nhân quả rồi thì sẽ giảm hoặc không còn những câu chuyện về cái xấu, cái ác. Góp phần làm cho xã hội bình yên tốt đẹp hơn.
Đại chúng lên chùa, tụng kinh niệm Phật, nghe giảng Pháp để hiểu, hiểu về đạo lý nhân quả, hiểu chữ Nhẫn, chữ Hiếu rồi để sau đó về nhà mà tu, mà thực hành theo chính pháp. Chữ Nhẫn Phật dạy chúng ta ở đây là nhẫn trên nền tảng tỉnh thức của đạo đức, hiểu biết và trí tuệ. Nhẫn trên nền tảng từ bi và lòng yêu thương. Ví dụ người kia đang nóng nảy nói ra những lời ác nghiệp với mình, mình học Phật rồi thì mình biết họ đang “mê” mà đang mê thì ý nghĩ và hành động không kiểm soát được dễ dẫn đến sai lầm nên mình không đổ thêm dầu vào lửa nữa để gây thêm ác nghiệp, tức là gây thêm mất đoàn kết nữa mà hóa giải điều đó bằng sự hiểu biết tuệ giác của người học Phật.
Hay trong Kinh Nhân quả ba đời, Đức Phật khuyên dạy chúng sinh phải nên làm các việc thiện lành để gieo trồng ruộng phước, nhằm chuyển hóa nghiệp duyên. Trong đó hiếu kính cha mẹ là việc lành đầu tiên, vì hiếu kính cha mẹ đứng đầu trong các hạnh lành. Người tu trăm hạnh lành mà chưa tu hạnh hiếu với cha mẹ thì chưa phải là người tu.
Cho nên tu để con cháu biết kính trên nhường dưới, hiếu hạnh với ông bà cha mẹ, tu để gia đình hạnh phúc, an vui. Tu để xóm giềng đoàn kết yêu thương nhau hơn. Đó mới là tu.
Những lời Phật dạy là triết lý ứng dụng để mỗi con người chúng ta tự thắp sáng trí tuệ, từ bi mà thực hành trong đời sống theo phương châm làm những điều tốt, tranh xa những điều bất thiện, từ đó mới giải thoát, chuyển hóa từ khổ sang vui được, chứ không phải chúng ta đến chùa để cầu cúng, bám chấp vào niềm tin vô minh mê muội xin Phật ban cho nhiều tài, nhiều lộc mà được. Đó là mê tín.
Cũng không phải cứ xuất gia tu hành mới là tu. Bởi không phải ai cũng có nhân duyên sứ mệnh “đại sứ” của Đức Phật để tu hành và dũng mãnh trên con đường hoằng dương Phật pháp. Đối với người Phật tử, điều quan trọng là chúng ta có niềm tin vào giáo pháp của Phật và có thực hành những lời dạy của Phật trong đời sống hay không.
Truyền trao nền tảng giáo lý của Đức Phật
PV: Từng là giảng viên trên giảng đường đại học và bây giờ là nhà sư tu hành giảng pháp, Thầy thấy sự khác nhau thế nào ?
Thầy Thích Đạo Tịnh: Giống nhau ở chỗ cùng là việc trao truyền tri thức, nhưng khác nhau ở chỗ, trao truyền giáo lý của Phật là trao truyền chân lý, trao truyền sự giác ngộ của tuệ giác giúp người Phật tử tu trì trọn vẹn cả trí và huệ. Còn ở giảng đường đại học là khoa học, mà khoa học thì luôn có sự phản biện (tranh cãi đúng sai) để tìm ra chân lý. Nhưng trong Phật giáo, những lời Phật dạy là chân lý không phải tranh cãi.
Chư tăng và trong tăng đoàn hiện nay có rất nhiều tăng sĩ tu trì nghiêm mật, trí huệ thâm sâu, bên cạnh đó còn có cả những cư sĩ tại gia những người tu hành chân chính đang vững bước trên con đường hoằng pháp, độ người, độ mình.
PV: Xin cảm thầy.
Khánh Vi (thực hiện)