Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp cùng Quỹ tầm nhìn không tai nạn (Version Zero Fund- VZF) và Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức hội thảo: “Chia sẻ kết quả báo cáo nghiên cứu về An toàn, vệ sinh lao động trong chuỗi cà phê và đóng góp xây dựng chiến lược cho dự án”.
Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các đại biểu, trong đó có ông Chang Hee Lee – Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam; Lãnh đạo Cục An toàn lao động – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lâm Đồng, đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Liên Minh hợ tác xã Việt Nam, Hiệp hội cà phê Việt Nam, các doanh nghiệp trồng cà phê, các nhà rang xay cà phê, các tổ chức chứng nhận chất lượng cà phê và các cơ quan liên của tỉnh Lâm đồng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Võ Tân Thành – Phó chủ tịch VCCI, Giám đốc Chi nhánh VCCI tại TP.HCM cho biết, Việt Nam là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới và thứ nhất tại châu Á. Trong năm 2020, với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid19, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn đạt trên 1,5 triệu tấn với giá trị trên 2,7 tỷ USD và ngày càng tham gia sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, sau khi hai Hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP và EVFTA có hiệu lực trong thời gian gần đây đã giúp sản phẩm cà phê của Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng mới.
Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội này, ngành cà phê Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức như biến đổi khí hậu, sản xuất với quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết và sử dụng nhiều hóa chất nông nghiệp. Đồng thời, việc sử dụng trên 600.000 nhân công và tạo sinh kế cho hơn 2,6 triệu người cũng ảnh không nhỏ đến vấn đề an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Trong quá trình sản xuất kinh doanh ngành cà phê, nhiều người lao động không khỏi lo lắng khi phải đối mặt với những nguy cơ và rủi ro về lao động như làm việc với các thiết bị máy, thiết bị, hóa chất nông nghiệp, điều kiện lao động sản xuất, chế biến còn thô sơ, manh mún. Những vấn đề mất ATVSLĐ là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hụt lao động, sử dụng nhiều lao động thời vụ, không ổn định và thiếu hiệu quả công việc trong ngành cà phê.
Nhằm nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng cà phê tại Việt Nam thông qua việc cải thiện điều kiện lao động, đặc biệt là công tác ATVSLĐ trong toàn chuỗi; trong khuôn khổ dự án của VZF, một nghiên cứu đánh giá về vấn đề thực hiện ATVSLĐ trong chuỗi cung ứng đã được nhiều chuyên gia độc lập thực hiện với sự hỗ trợ của VCCI-HCM, Sở LĐ-TB&XH, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, Liên Minh hợ tác xã Việt Nam. Nghiên cứu bước đầu đã đánh giá mức độ nhận thức và áp dụng các biện pháp ATVSLĐ của các bên liên quan trong chuỗi giá trị cà phê, đánh giá thực trạng cũng như các cơ hội và tiềm năng cải tiến để nâng cao công tác này trong chuỗi cà phê.
Trong chuỗi cung ứng cà phê, người lao động trồng cà phê không có hợp đồng lao động, chưa được đào tạo về ATVSLĐ, khám sức khỏe, chưa có nhận thức về rủi ro và cách thức bảo vệ, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Phần lớn nông dân có bảo hiểm tự nguyện về tai nạn lao động, bệnh tật. Đối với các cơ sở chế biến, các nhà rang xay nhỏ, người lao động cũng ở tình trạng tương tự.
Không chỉ là nơi để các chuyên gia trình bày kết quả của báo cáo nghiên cứu về ATVSLĐ trong chuỗi cà phê, Hội thảo còn đưa ra các ý kiến đóng góp để hoàn thiện và phục vụ tốt hơn cho công tác xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động tiếp theo của dự án. Hội thảo cũng là dịp thảo luận, trao đổi của các bên liên quan trong chuỗi cà phê những ý tưởng, sáng kiến để xây dựng chiến lược can thiệp một cách hiệu quả nhằm hỗ trợ cải thiện công tác ATVSLĐ trong chuỗi cà phê trong thời gian tới.
Theo baodansinh.vn