29/07/2021 9:22:37

Đại biểu Quốc hội: Đào tạo nghề góp phần quan trọng giúp thoát nghèo bền vững

“Công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng, có tay nghề để có việc làm, tự tạo việc làm, sinh kế ổn định. Đã có 38% số hộ nghèo thoát nghèo và 53% trở thành hộ khá sau khi được hỗ trợ nghề ngắn hạn; 90% sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình phát biểu tại Hội trường Quốc hội ngày 27/7.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 01, ngày 27/7, Quốc hội khóa XV đã thảo luận tại Hội trường Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

90% sau học nghề trung cấp, cao đẳng có việc làm ổn định, thu nhập tốt

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đã đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm chỉ đạo để giáo dục nghề nghiệp phát huy tốt nhất vai trò góp phần quan trọng vào thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững trong giai đoạn tới.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, giai đoạn 2016-2020, Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến công tác xóa đói, giảm nghèo, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, kết quả giảm nghèo đã được cộng đồng thế giới đánh giá là điểm sáng. Cả nước đã giảm hơn 60% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu kỳ, với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo, các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung phát biểu tại phiên họp – Ảnh: Quochoi.vn

“Trong thành quả chung đó, công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng, có tay nghề để có việc làm, tự tạo việc làm, sinh kế ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền vững”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, đã có 38% số hộ nghèo thoát nghèo và 53% trở thành hộ khá sau khi được hỗ trợ nghề ngắn hạn; 90% sau học nghề trung cấp, cao đẳng đã có việc làm ổn định, thu nhập tốt.

Bố trí vốn đầu tư phát triển các trường nghề chất lượng cao

Nhấn mạnh vai trò của đào tạo nghề, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho biết: Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố Báo cáo tương lai việc làm và báo cáo nâng cao kỹ năng vì sự thịnh vượng chung kêu gọi các chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch COVID-19. Bên cạnh các chương trình phát triển dạy nghề ngắn hạn cho người nghèo, vùng nghèo cần đặc biệt quan tâm đào tạo nghề chính quy dài hạn, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao để phát triển bền vững.

Ban Bí thư cũng đã có Chỉ thị số 37 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đào tạo nhân lực nghề chất lượng cao, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 50 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, nhất là giáo dục nghề nghiệp.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 24 và Quyết định số 1363 về phát triển các trường nghề chất lượng cao, đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 70 trường cao đẳng chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số ngành nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Tranh thủ thời cơ dân số vàng đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Đại biểu nhận định, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này rất cần thiết, kịp thời, đúng tinh thần Chỉ thị 05 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, hoàn toàn phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.

Trong quá trình thẩm tra chương trình này, các cơ quan của Quốc hội khóa XIV đã kết luận các nội dung về đào tạo nghề chất lượng cao, hệ thống bảo trợ xã hội, cai nghiện ma túy là rất quan trọng và cần thiết nhưng không phù hợp đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Giao cho Chính phủ đưa các nội dung này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trong quy hoạch đầu tư công trung hạn Chính phủ đang trình Quốc hội chưa có các nội dung này và chưa bố trí nguồn nhân lực để thực hiện, do trước đó đã thiết kế trong chương trình mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.

Để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững bao trùm, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao cho phát triển đất nước, góp phần quan trọng và giảm nghèo bền vững, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung và bố trí vốn đầu tư phát triển các trường nghề chất lượng cao và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 mà Chính phủ đang trình Quốc hội.

“Cần bố trí vốn cho chương trình đầu tư phát triển các trường nghề chất lượng cao của các ngành, địa phương trong cả nước theo mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chứ không chỉ 3 Trung tâm Quốc gia về đào tạo nghề chất lượng cao của Bộ LĐ-TB&XH  như Chính phủ đã báo cáo. Rất mong Quốc hội đặc biệt chú ý nội dung này khi bàn về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo nguồn lực cho nội dung quan trọng nêu trên”, đại biểu đề xuất.

Cũng theo đại biểu, Chính phủ cần ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các trường nghề ngoài công lập phát triển, góp phần quan trọng vào nguồn lực đào tạo nghề và đào tạo nghề chất lượng cao. Đồng thời,  các ngành, các địa phương cần chú trọng việc dự báo nhu cầu lao động có tay nghề gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, làm căn cứ cho việc đào tạo nghề phù hợp. Bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững, đa chiều, bao trùm trong thời kỳ mới, đồng thời là một trong những nhân tố quyết định trong việc giảm nghèo bền vững.

Hải Yến