Đón đầu xu hướng dịch chuyển sản xuất bán dẫn sang châu Á, trong đó có Việt Nam, nhiều trường mở ngành vi mạch bán dẫn trong năm học 2024.
Cho rằng, để thâm nhập ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao về ngành vi mạch bán dẫn, nhiều trường đại học lên kế hoạch đào tạo lao động cho ngành này.
Mùa tuyển sinh 2024, nhiều trường đại học đã triển khai đào tạo ngành vi mạch bán dẫn. Cụ thể, có hai trường trong hệ thống ĐH Quốc gia Tp.HCM là ĐH Bách khoa và ĐH Công nghệ thông tin, Ba trường thành viên của ĐH Đà Nẵng (gồm Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt – Hàn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa), Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội,…
TS Dương Minh Tâm – Nguyên Phó Trưởng ban Khu công nghệ cao TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Vi mạch Bán dẫn TP.HCM đánh giá, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để trở thành một phần trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu, nhất là trong các hoạt động thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm tra vi mạch. Nhiều tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã đầu tư tại Việt Nam như Renesas, Intel, Samsung, Amkor,…
Với nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn chất lượng cao càng tăng tốc, các trung tâm bán dẫn lớn như Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc… đang tiếp tục chiêu mộ nhân tài ngành bán dẫn Việt Nam với chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Gần đây, Đài Loan công bố chương trình đào tạo miễn phí và được nhận lương cho du học sinh Việt Nam ngành bán dẫn.
Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, Việt Nam dự kiến đào tạo khoảng 50.000 – 100.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn. TS Minh Tâm cho rằng đây là định hướng tốt để thúc đẩy sự phát triển của ngành, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Để thắng trong cạnh tranh thị trường chip toàn cầu phải tập trung đổi mới sáng tạo hơn là số lượng. Chúng ta không mong kỹ sư Việt tốt nghiệp ngành bán dẫn sẽ làm việc như người lao động chỉ chuyên gia công, lắp ráp các công đoạn, phần mềm EDA trong thiết kế chip. Thị trường lao động ngành bán dẫn sẽ luôn ưu đãi, chiêu mộ các lao động “thầy” hơn là “thợ”’ – TS Minh Tâm cho hay.
Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG-HCM), ngành Thiết kế Vi mạch tại Khoa Điện tử – Viễn thông và ngành Công nghệ Bán dẫn tại Khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật cũng đã được đưa vào đào tạo. Dù là chương trình mới, nội dung về thiết kế vi mạch, bán dẫn đã nằm trong các ngành học khác từ nhiều năm nay.
Theo PGS.TS Vũ Thị Hạnh Thu – Phó Bộ môn Vật lý – Vật lí kỹ thuật, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG-HCM), để trở thành chuyên gia về lĩnh vực thiết kế vi mạch không đơn giản chỉ đào tạo về điện tử và thiết kế, mà còn cần cả nền tảng về công nghệ bán dẫn cơ bản và hiện đại. Ngành Công nghệ bán dẫn đào tạo kiến thức nền tảng về công nghệ chế tạo, lắp ráp kỹ thuật, các thiết bị và phương pháp phân tích đo đạc hiện đại về công nghệ bán dẫn. Qua đó, người học nền tảng tốt để xuất khẩu lao động sang các nước mạnh về công nghệ bán dẫn, cũng như tham gia đào tạo ở bậc học cao.
Thu Giang