Trong 2 năm 2020-2021, do chịu sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, một số cơ sở lưu trú du lịch phải tạm dừng hoạt động hoặc chuyển mục đích sử dụng. Đến nay, sau một thời gian mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch, khách du lịch nội địa đã vượt mức chỉ tiêu đặt ra trong năm 2022, du lịch quốc tế từng bước được phục hồi, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước đã hoạt động bình thường và dự báo đến cuối năm sẽ mở cửa toàn bộ để kịp thời đón khách quốc tế vào quý 4 năm 2022.
Cơ sở lưu trú du lịch cung ứng dịch vụ lưu trú và nhiều dịch vụ bổ sung, liên quan trực tiếp đến nhiều người, nhiều ngành nghề, thu hút lao động từ giản đơn đến trình độ cao. Do đó, hiện nay ngành Du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người.
Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 đến 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800 nghìn và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022-2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.
Trong khi nhu cầu lớn như vậy thì cung nhân lực ngành Du lịch nói chung, nhân lực cơ sở lưu trú du lịch nói riêng hiện tại lại suy giảm cả số lượng và chất lượng so với thời điểm năm 2019. Lực lượng lao động trực tiếp khối cơ sở lưu trú du lịch hiện chưa đến 400.000 người, chỉ đáp ứng hơn 70% nhu cầu. Đặc biệt, nhân sự thiếu nhiều vào thời điểm cao điểm như nghỉ lễ, Tết, cuối tuần.
Bên cạnh thiếu về số lượng, cơ cấu nhân sự chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Sự mất cân đối nhân lực theo vùng/miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định.
Tuyển dụng khó khăn
[related_posts_by_tax title=""]
Theo Vụ Khách sạn, hiện nay, nhân lực cơ sở lưu trú du lịch đang đối mặt với nhiều thách thức. Cùng với thiếu hụt thì việc khó tuyển dụng nhân lực cũng chính là rào cản. Cụ thể, sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19, giãn cách và gãy, đứt chuỗi cung ứng, nhân sự chất lượng cao, lao động giỏi, có kỹ năng, thạo nghề, kinh nghiệm làm việc lâu năm bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm, người có khả năng điều hành, quản lý cơ sở lưu trú du lịch chuyển việc nhiều nên rất thiếu so với yêu cầu thực tế, không theo kịp sự tăng trưởng cơ sở lưu trú du lịch và nhu cầu thị trường. Việc tuyển lao động có kinh nghiệm, có chuyên môn tốt rất khó khăn gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Có cơ sở lưu trú du lịch phải tuyển người điều hành hạn chế về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý. Hầu hết các cơ sở khó tuyển lao động mới, phải tuyển gấp nhân sự tại địa phương chưa qua đào tạo, sau đó vừa đào tạo vừa phục vụ khách nên còn nhiều lúng túng, một số nơi sử dụng sinh viên bán thời gian nhưng bị hạn chế thời gian đi làm.
Theo Vụ Khách sạn, giai đoạn 2022-2030, nguồn nhân lực cơ sở lưu trú du lịch cần đạt một số mục tiêu như: Kiện toàn đội ngũ nhân sự các cấp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực quản trị cấp cao; tiêu chuẩn hóa đối với nhân lực trong cơ sở lưu trú du lịch; áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý; nhận diện kịp thời yêu cầu mới của thị trường quốc tế và điều chỉnh phù hợp…
Để phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam, việc phát triển nguồn nhân lực cơ sở lưu trú du lịch cần trọng tâm cho từng nhóm đối tượng để đạt mục đích hiệu quả, đáp ứng yêu cầu số lượng, chất lượng và cơ cấu, yêu cầu phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu của khách lưu trú quốc tế ở các cấp độ khác nhau./.