Trước tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021, nhiều chuyên gia cho rằng cách gọi “F0”, “F1” không còn phù hợp.
Số ca mắc mới hàng ngày của Việt Nam vẫn ở mức cao. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua ở nước ta là hơn 16.000 ca/ngày. Điều này khiến nhiều người dân lo lắng, đặc biệt khi Việt Nam đã xuất hiện 30 ca nhiễm biến chủng Omicron.
Nhiều chuyên gia nhận định, khi chưa có bao phủ vaccine thì có khoảng 84% người nhiễm là thể nhẹ và không triệu chứng. Hiện nay với bao phủ vaccine, 90-95% người nhiễm là thể nhẹ và không triệu chứng, có thể theo dõi và điều trị ngay tại tuyến cơ sở và tại nhà bằng tư vấn tâm lý và cách theo dõi sức khỏe, dinh dưỡng đầy đủ, tập luyện và dùng thuốc hợp lý.
Đặc biệt, gần đây đã có những thuốc kháng virus điều trị hiệu quả đã được phê duyệt như Remdesivir (thuốc tiêm) và 3 loại thuốc uống: Favipiravir, Molnupirarvir, Paxlovid, cần được dùng giai đoạn sớm để giảm nhanh triệu chứng, không chuyển nặng và giảm nhanh nồng độ virus để cắt sớm nguồn lây. Thuốc uống có thể áp dụng điều trị tại cộng đồng mà không cần vào bệnh viện. Điều này rất quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lực y tế, không bị quá tải và giảm thiểu tử vong do Covid-19.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng nên dần bỏ cách gọi F0, F1, tránh gây căng thẳng cho người dân khi truy vết, cách ly.
Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành, cho rằng vốn cách gọi F0, F1 không phải là thông lệ quốc tế mà là sáng tạo để người dân dễ hiểu, theo dõi tình hình truy vết cũng như đánh giá nguy cơ của mình. Đây là cách gọi lấy từ phả hệ di truyền và chúng thể hiện quan hệ người lây – người bị lây. Điều này cũng thể hiện việc nhấn mạnh vào virus, không phải vào người mang virus.
“Vào giai đoạn này, khi virus lây lan rộng trong cộng đồng, các phương án truy vết, cách ly không còn hiệu quả. Nhiều trường hợp người là F0 chưa chắc đã lây cho người khác, F1 có thể là F0, một người có nhiều nguồn tiếp xúc thì việc xác định đúng ai lây cho ai đã trở nên rất phức tạp.
Ngoài ra, việc truy vết, đánh số này cũng gây ra cho người dân trạng thái căng thẳng không đáng có. Bộ Y tế đã định nghĩa lại F1 với các tiêu chí chặt chẽ hơn, đây là một động thái tích cực và phù hợp. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta tiến tới bỏ cách gọi F0, F1 vì những lý do như trên”.
Vị chuyên gia này cho hay hiện nay tại Anh, người test nhanh tìm kháng nguyên dương tính không có biểu hiện bệnh, họ không phải khẳng định lại bằng rRT-PCR. Phương pháp này chỉ thực hiện với người có biểu hiện bệnh. Vì vậy, TS Minh cho rằng lâu dài việc phân loại sẽ chỉ cần tập trung vào người có biểu hiện bệnh và bị nặng hoặc có nguy cơ bệnh nặng.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc bệnh viện Phổi cũng cho hay, chúng ta tránh dùng từ F0, F1. Gọi như vậy không còn phù hợp nữa vì có thể tạo ra tư tưởng kỳ thị, mặc cảm trong xã hội. Ai nhiễm virus thì là gọi là người nhiễm, vì nhiễm chưa chắc đã bị bệnh do người dân đã tiêm vaccine, không có triệu chứng.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, khi bỏ cách gọi F0, F1, mỗi người dân phải chủ động bảo vệ cho mình bằng vaccine và 5k (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) để không nhiễm, nếu nhiễm thì không chuyển nặng và nếu chuyển nặng thì không tử vong. Chủ động phòng dịch cho mình cũng là cho người thân và cho cộng đồng.
Cần trao quyền kiểm soát dịch Covid-19 cho từng người dân, hoặc là từng gia đình. Mỗi gia đình phải có ít nhất một người thông hiểu về dịch Covid-19, đảm bảo có năng lực xét nghiệm nhanh nếu như cảm thấy nghi ngờ, hoặc thành viên nào đó có triệu chứng, nguy cơ nhiễm Covid-19. Kit Test nên có sẵn để người dân có thể tiếp cận được.
Vương Tâm