01/12/2020 10:35:33

Cơ hội từ các FTA không dành cho tất cả doanh nghiệp

Các hiệp định thương mại tự do được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy phát triển cho nhóm doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, nhưng cơ hội không dành cho tất cả doanh nghiệp.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy phát triển cho nhóm doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, nhưng cơ hội không dành cho tất cả doanh nghiệp. Không nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi

Không nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi

Chia sẻ tại Diễn đàn CEO 2020, giám đốc một doanh nghiệp chế tạo cơ khí có trụ sở ở TP.HCM cho biết, đến hiện tại, chưa có nhiều nhà đầu tư ngỏ ý rót vốn vào lĩnh vực này. Tại các quốc gia mạnh về sản xuất như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ngành cơ khí chế tạo thường rất thu hút đầu tư, nhưng tại Việt Nam thì chưa có nhiều biến động. “Dường như, cơ hội dành cho các doanh nghiệp sản xuất từ tác động của các FTA là có chọn lọc?”, vị giám đốc này đặt câu hỏi.

Thực tế, làn sóng dịch chuyển của các công ty sản xuất vào Việt Nam để tránh sự đứt gãy của chuỗi cung ứng vì đại dịch Covid-19 và thương chiến Mỹ – Trung đang diễn biến theo hai xu hướng.

Xu hướng thứ nhất, Việt Nam không phải là lựa chọn duy nhất. Ông Don Lam, Giám đốc điều hành VinaCapital cho biết, theo nguồn tin của Công ty, có ít nhất 20% nhà sản xuất sẽ dịch chuyển khỏi Trung Quốc sang các nước khác. Hiện có 3 địa điểm được các nhà đầu tư quan tâm là khu vực Đông Nam Á, Mexico và quay trở lại Mỹ (đối với các doanh nghiệp Mỹ). Trong đó, Mỹ là lựa chọn kém khả thi nhất (vì chi phí sản xuất tại quốc gia này quá cao) và Đông Nam Á đang là lựa chọn ưu tiên, song ông Don Lam cho rằng, Việt Nam không phải lựa chọn duy nhất.

Xu hướng thứ hai, nhóm các doanh nghiệp được hưởng lợi là có lựa chọn. Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc U&I Group, các doanh nghiệp FDI sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi số lượng đơn hàng tăng cao và nhóm này sẽ tìm kiếm các đối tác nội địa đủ năng lực để hợp tác.

Ông Tín nhận định, các doanh nghiệp sản xuất nội địa trong ngành điện tử, da giày, dệt may và gỗ sẽ đón nhận cơ hội sớm nhất trong giai đoạn hiện tại, nhưng trong tương lai, ngành thời trang và sản xuất thời trang cao cấp sẽ là nhóm tiếp theo được hưởng lợi.

15 năm qua, các tên tuổi lớn trong ngành sản xuất tại Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế thông qua việc đổi mới công nghệ quản trị, phương thức sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Đây là nhóm doanh nghiệp nội, theo ông Tín, sẽ được hưởng lợi ích trực tiếp từ các đơn hàng trong cuộc dịch chuyển chuỗi cung ứng.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng, số này không nhiều ở Việt Nam”, Chủ tịch U&I Group khẳng định.

Cần tạo ra các nhu cầu tiêu dùng mới

Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư Dragon Capital nhận định, nhóm doanh nghiệp nội địa nổi bật nhất sẽ định hình lại ngành sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới. Đáng chú ý là, cơ hội sẽ không dành cho số đông, biến động thị trường do nhóm thiểu số tạo ra sẽ là rủi ro cho rất nhiều doanh nghiệp khác.

“Đây cũng là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp già cỗi bán mình”, ông Tuấn nói.

Mặc dù vậy, ông Tuấn vẫn nhìn nhận, mặt tích cực từ các FTA chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tự thay đổi để cạnh tranh về năng lực sản xuất, công nghệ và định vị lại thương hiệu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước cần tránh những “cái bẫy” được tạo ra từ các FTA. Theo ông Tuấn, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung thường chọn đầu tư vào bất động sản, thay vì đầu tư vào năng lực cốt lõi. Đây là rủi ro mà rất nhiều doanh nghiệp mắc phải, do phần lớn đang quản trị tài chính dựa trên kinh nghiệm, không tối đa hóa được cơ cấu vốn.

“Các doanh nghiệp thường nhìn vào những trường hợp thành công nhờ đầu tư bất động sản rồi tham gia, nhưng không nhận ra rằng, những người thất bại rất nhiều”, ông Tuấn chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Võ Quang Huệ, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam cho rằng, nếu không đầu tư vào giá trị cốt lõi của ngành sản xuất là nghiên cứu và phát triển (R&D) và bằng sáng chế để tạo ra các nhu cầu mới từ các sản phẩm có chất lượng, giá cạnh tranh, thì các doanh nghiệp nằm ngoài “vùng phủ sóng” của các FTA khó có thể tạo ra sự đột phá.

Có một thực tế là, cả thế giới đang sản xuất dư cung so với khả năng tiêu thụ và nếu vẫn sản xuất những sản phẩm phổ biến trước khi Covid-19 xảy ra, thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh rất lớn trong thời gian tới, khi các đại nhà máy bắt đầu khởi động lại.

“Nếu muốn hóa rồng, chúng ta nên nghĩ đến các sản phẩm tạo ra các nhu cầu tiêu dùng mới”, ông Huệ nói.

Còn theo ông Tín, vấn đề khó nhất của các doanh nghiệp sản xuất là xác định tầm nhìn đúng với khả năng của mình và lấy đó làm mục tiêu phấn đấu; đồng thời, biến doanh nghiệp thành một tổ chức học tâp liên tục – điều không dễ dàng thực hiện trong thời gian ngắn.

Một phương pháp tự làm mới mình mà các công ty trực thuộc U&I Group thường áp dụng là chọn một doanh nghiệp lớn trên thế giới hoạt động cùng ngành để làm mục tiêu phấn đấu. “Chúng ta hãy phấn đấu đạt được ngang với họ về quy trình sản xuất, công nghệ rồi hãy nghĩ tới việc vượt qua họ”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc U&I Group khuyến nghị.

Theo Baodautu