Chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp chưa bao giờ là việc dễ. Với các doanh nghiệp Việt Nam, việc này càng khó vì “là lần đầu tiên đối mặt”.
Mối lo của những người cha tỷ phú
“Chuyển giao không đúng cách, sẽ tạo gánh nặng cho chúng, thậm chí sẽ làm hỏng các con”, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco chia sẻ sau Tọa đàm Câu chuyện chuyển giao thế hệ – Thế và thời thế hệ nhận chuyển giao.
Gánh nặng mà ông Tiền nói đến không chỉ là khối tài sản lớn của gia đình mà còn là giá trị của những doanh nghiệp mà không chỉ những ông mà còn nhiều thế hệ đã tạo nên, bằng mồ hôi, nước mắt…
“Nếu các con không hiểu được giá trị thực sự của doanh nghiệp, công sức của bố mẹ, nếu không có sự chuẩn bị cẩn trọng, từng bước một, rất có thể chuyển giao doanh nghiệp sẽ như một vụ trúng xổ số và tiền sẽ được tiêu rất nhanh”, ông Tiền thẳng thắn.
Không phải lần đầu tiên ông Tiền, cũng như các doanh nhân Câu lạc bộ Sao Đỏ bàn đến nội dung này. Cách đây vài năm, khi nhiều doanh nhân thế hệ F1 bước qua độ tuổi 50, nhất là khi đã có những cuộc chuyển giao không mấy thành công trong một vài doanh nghiệp Việt Nam, câu chuyện chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp đã nổi lên thành chủ đề thực sự quan trọng.
Thực tế, chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp luôn là chủ đề khó không chỉ trong doanh nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, người Việt chưa có kinh nghiệm trong việc này.
“Sau gần 35 năm chuyển đổi sang kinh tế thị trường, lần đầu tiên nhiều người Việt Nam đối diện với câu chuyện có tài sản, nên kinh nghiệm để duy trì và phát huy tài sản đó rất thiếu. Việc chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp không chỉ có ý nghĩa với người sáng lập, phát triển doanh nghiệp, với gia đình họ mà còn là vấn đề của nền kinh tế”, ông Bình nói.
Năm 2014, Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam đã được thành lập, với sự tham gia của phần lớn các gia đình doanh nhân lớn của Việt Nam vì thấy “doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu hụt lớp kế cận”. Có 2 mục tiêu mà Hội đồng hướng tới, một là chuẩn bị tâm thế cho các các doanh nhân F1 – những người sẽ chuyển giao và hai là chuẩn bị năng lực nhận chuyển giao cho thế hệ F2, trong đó không phải ai cũng sẵn sàng bước vào vị trí người kế nghiệp.
“Khi đó, chúng tôi đã tính toán trên cơ sở nghiên cứu các mô hình của các nước, để đào tạo thế hệ nhận chuyển giao, sẽ mất khoảng 5-15 năm. Bước đào tạo cơ bản cho thế hệ F2 ở nhiều gia đình đã hoàn tất. Phần lớn con em được đưa đi đào tạo ở nước ngoài một cách bài bản. Nhưng bây giờ, vấn đề phát sinh là sự khác biệt về văn hóa, suy nghĩ giữa hai thế hệ, khiến có được tiếng nói chung giữa hai thế hệ thực sự không dễ. Một thế hệ kinh doanh theo kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế và một thế hệ đòi hỏi sự bài bản, chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp gia đình Việt Nam trao đổi.
Áp lực của những người con… đại gia
Muốn được công nhận xứng đáng ở vị trí đó bởi năng lực, chứ không phải vì là con của chủ tịch công ty… có thể là tâm tư của nhiều doanh nhân thế hệ F2, con cái của những doanh nhân thành danh.
Ở bên ngoài nhìn vào, sơ yếu lý lịch nhóm F2 này gần như không có đối thủ. Phần lớn họ được đào tạo ở nước ngoài, tham gia nhiều khóa học chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp, marketing, tài chính doanh nghiệp…
Đặc biệt, cơ hội trải nghiệm công việc của nhóm F2 không chỉ dừng lại trong công ty gia đình. Trong quá trình đào tạo người kế nghiệp, nhiều gia đình doanh nhân đã gửi con tới các doanh nghiệp khác nhau, để trải nghiệm. Chưa kể, cơ hội để làm việc, gặp gỡ các doanh nhân thành công nhất của Việt Nam và cả thế giới với họ cũng không quá khó.
Nhiều F2 đã thể hiện năng lực kinh doanh từ rất sớm, nổi trội. Câu chuyện chuyển giao thành công của ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam với hai người con Nguyễn Minh Nhật, Nguyễn Ngọc Mỹ đang làm nên hình ảnh mới mẻ cho Tập đoàn Alphanam khi bước sang 1/4 thế kỷ tiếp theo của chặng đường phát triển.
Tuy nhiên, áp lực mà họ đối mặt thực sự lớn.
Vũ Thị Thu Quỳnh, con gái ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco đã tốt nghiệp thạc sỹ ở Anh, trải qua một số công việc ở các ngân hàng, trước khi nhận vị trí giám đốc một chi nhánh của An Bình Bank cách đây 1 năm sau nhiều trì hoãn.
“Từ nhỏ, không hiểu có phải vì mọi người trong nhà hay nói là lớn lên phải gánh vác hay không, nên khi lớn lên, gánh vác trở thành điều tự nhiên, tôi luôn nghĩ sau này sẽ phải gánh vác, phải cùng làm với bố. Nhưng tôi cũng luôn cảm thấy lo lắng, sợ không làm tốt, chưa đủ kiến thức, nên việc trở về đã được trì hoãn rất lâu”, Vũ Thị Thu Quỳnh kể.
“Thử thách hiện tại của tôi là thuyết phục được lãnh đạo về kế hoạch đó”, Quỳnh chia sẻ, với những người bạn F2 của mình. Nhưng cô cũng mong muốn được tranh luận, trao đổi với các thế hệ đi trước một cách win – win, vì “chúng tôi thực sự muốn phát triển doanh nghiệp của gia đình một cách bền vững”. Từ mong muốn “làm việc để bố mẹ có thể tự hào”, sau quyết định “bước ra tiền tuyến”, nhận nhiệm vụ giám đốc chi nhánh với áp lực doanh số hàng ngày, hiện tại cô con gái của đại gia Vũ Văn Tiền đã nhìn thận được sẽ phải làm gì, đã có kế hoạch hành động.
Mai Ngọc Hảo, con gái của ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I Group có điểm thuận lợi hơn là được làm đúng ngành nghề đào tạo, trải nghiệm thực tế ở nhiều quy mô khách sạn ở nước ngoài.
“Thế hệ F1 cần niềm tin từ gia đình, cần được không gian riêng tự phân tích, để quyết định, cần sự công bằng trong công việc, để mọi người trong doanh nghiệp hiểu và công nhận là chúng tôi ngồi đó là xứng đáng, chứ không phải vì con của ba. Nên tôi cũng mong muốn gia đình hãy chỉ cho chúng tôi lối đi, thay vì đích đến, khi giao tiếp càng thẳng thắn càng tốt. Công việc là công việc, gia đình là gia đình”, Hảo chia sẻ.
Bản thân Hảo cũng chia sẻ rằng, cô hiểu doanh nghiệp gia đình chứa nhiều giá trị, truyền thống mà các thế hệ trước đã tạo dựng, vun đắp, hiểu mong muốn thế hệ sau sẽ tiếp tục phát triển.
“Tôi quyết định về làm trong công ty của gia đình vì cũng có mong muốn đó”, Mai Ngọc Hảo nói.
Theo baodautu.vn