Dù mới triển khai thời gian ngắn nhưng Chương trình 9 + đã nhận được sự đón nhận tích cực cả từ phía phụ huynh và học sinh. Một hướng mới trong con đường lập nghiệp của giới trẻ đang được mởi ra đầy hy vọng.Tuy nhiên đi cùng với cơ hội là không ít thách thức đặt ra cho các nhà quản lý và các cơ sở GDNN.
Thay đổi nhận thức từ phụ huynh
Chỉ trong thời gian ngắn triển khai, nhiều trường cao đẳng trên địa bàn TPHCM khởi sắc khi số lượng học sinh vừa tốt nghiệp lớp 9 đăng ký vào chương trình cao đẳng hệ 9+ càng tăng. Tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Cạn nhiều trường vượt chỉ tiêu tuyển sinh 9+. Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị Hà Nội, năm 2020 kế hoạch tuyển 500 HS chương trình 9+ nhưng hồ sơ đăng ký tới 600. Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội, chỉ tiêu phân bổ 130 nhưng tuyển đợt 1 đã trên 260 em. CĐ nghề Dân tộc nội trú Bắc Cạn, chỉ tiêu được giao 300 em nhưng mới tuyển đợt đầu đã gần đạt. Nhiều trường ở Tp Hồ Chí Minh mới tuyển 9+ năm đầu tiên đã đạt 400 – 500 em.
Quan sát các phiên nhập học chương trình 9 + tại nhiều trường cao đẳng, có thể thấy đa số các bậc phụ huynh đưa con đến nhập học đều rất phấn khởi khi nhận thấy chương trình vừa phù hợp với khả năng của con mình, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, lại vừa có hướng mở cho con phát triển sau này. Song trên hết, tâm lý phụ huynh được cởi bỏ nỗi lo việc làm cho con sau khi tốt nghiệp.
Tại Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội, đa số phụ huynh khi được hỏi đều cho rằng, yên tâm nhất khi con theo học chương trình 9 + vừa học văn hóa, vừa học nghề là học xong không phải lo tìm việc làm.
Chị Nguyễn Thị Cúc, quê Đan Phượng Hà Nội đưa con đi nhập học chia sẻ, “từ bé con nhà em đã đam mê sửa chữa, thích mở loa đài, tivi ra tìm hiểu. Cháu học rất tốt chứ không phải kém, nhưng thích nghề nghiệp từ sớm nên cháu rất hứng thú với chương trình vừa học văn hoá vừa học nghề này. Anh Hoàng Văn Du, quê Thanh Thủy Phú Thọ tâm sự, “Khi biết có chương trình này nhiều gia đình ở quê em đều muốn cho con theo học. Ở quê đang mở ra nhiều dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, ai cũng muốn con đi học nhanh lấy bằng về để xin vào làm việc trong các khu du lịch gần nhà.”
Những vấn đề đặt ra
Thứ nhất về cơ sở trường lớp: Ở một số trường do lượng học sinh 9+ tăng nhanh, cơ sở vật chất lớp học văn hóa chưa đáp ứng kịp nên nhiều lớp học các em phải ngồi chen chúc quá tải. Điều kiện giảng dạy văn hóa còn hạn chế về công nghệ, việc dạy văn hóa vẫn theo cách truyền thống bảng đen, phấn trắng. Cô giảng, trò ngồi nghe thụ động. Khác với những giờ học nghề, học sinh như “cá’ được thả về môi trường nước, các em linh hoạt sôi nổi hẳn.
Thứ hai, vấn đề rèn luyện thể chất, sinh hoạt phong trào văn hóa văn nghệ trong trường nghề đối với học sinh hệ 9 + , qua khảo sát một số trường cao đẳng, đặc biệt một số trường ở miền núi phía bắc cho thấy phần lớn học sinh rất khiêm tốn về chiều cao, thể lực hạn chế. Đa số các em còn đang ở tuổi thiếu niên, lứa tuổi có nhiều biến động trong tâm sinh lý, lại làn đầu tiên xa gia đình, sống tập trung trong ký túc xá nhà trường.
Các em không còn là trẻ con, nhưng cũng chưa hẳn là người lớn, kinh nghiệm, kiến thức còn hạn chế. Nếu như thiếu sự giúp đỡ, giáo dục đúng đắn, kịp thời của nhà trường và gia đình thì các em rất dễ bị sa vào những cạm bẫy, những tệ nạn xã hội.
Ngoài giờ học văn hóa và học nghề, các em chưa có các sinh hoạt tập thể như thể thao, văn hóa văn nghệ, các câu lạc bộ HSSVv.v..nên môi trường học tập vẫn chưa thực sự hấp dẫn các em, nhiều em có tâm lý chán nản.
Tại Hà Nội, giáo viên một số trường cho biết, khó nhất là công tác quản lý học sinh 9+, các em đang tuổi nghịch ngợm, không ít em giờ ra chơi chỉ ngồi ôm điện thoại, lên mạng xã hội, nhiều em tụ tập hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử. Hiện nay một số trường có hoạt động thể thao, phong trào nhưng chỉ tổ chức vào các dịp kỷ niệm hoặc khai giảng, bế giảng mà chưa có những sinh hoạt định kỳ bắt buộc.
Thiết nghĩ để chương trình 9 + phát triển chất lượng, hiệu quả bền vững như mong muốn, Tổng cục GDNN cần sớm xây dựng hệ thống quản lý học sinh Chương trình 9+ riêng theo đặc thù lứa tuổi, trình độ văn hóa và tâm lý của các em.
Xây dựng và ban hành các qui chế về công tác phong trào thể dục thể thao bắt buộc nhằm nâng cao thể chất cũng như nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho HSSV hệ 9+ trong toàn hệ thống GDNN. Để sau 3- 4 năm học, các em không chỉ đạt được kiến thức kỹ năng nghề nghiệp mà còn phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, nuôi dưỡng kỷ niệm đẹp của một thời sinh viên trường nghề.
Hoàng Lan Anh